Thực hư quy định cấm học sinh nói xấu giáo dục trên mạng xã hội

Bộ GD-ĐT khẳng định, Thông tư số 06/2019 là nhằm hướng cán bộ, giáo viên, học sinh đến việc sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh, trách nhiệm.

 

 

Những ngày qua, quy định "không sử dụng mạng xã hội để phát tán, bình luận ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục” tại Thông tư số 06/2019 của Bộ GD-ĐT đã nhận nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận xã hội.

Cụ thể, Thông tư số 06/2019 có hiệu lực từ ngày 28/5, đưa ra quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục, được thể hiện qua ngôn ngữ, trang phục, hành vi ứng xử của các chủ thể trong các nhà trường.

Trong đó, Điều 4 của Thông tư số 06 có quy định: “Không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách của pháp luật của nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục”.

Nhiều người cho rằng việc Bộ GD-ĐT quy định như trên là xâm phạm quyền bày tỏ quan điểm của mỗi cá nhân. Đây là cách làm “không quản được thì cấm”.

Về những ý kiến này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã làm rõ hơn quy định đang gây tranh cãi.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Bộ GD-ĐT không cấm phản biện

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, khi xây dựng quy định trong Thông tư 06, Bộ GD-ĐT đã rất cân nhắc và tham khảo các luật, quy định có liên quan. Đồng thời, tham khảo những đánh giá, khảo sát khách quan về tác động của việc sử dụng mạng xã hội đối với giới trẻ, trong đó có học sinh.

Dẫn lại sự việc một nữ sinh của Nghệ An tung tin xuyên tạc lên mạng về một nữ sinh khác (cùng trường) có bầu, sau đó một nhóm học sinh đến gặp học sinh tung tin để đánh bạn, Thứ trưởng Nghĩa cho rằng, mạng xã hội bên cạnh những ích lợi, thì cũng có không ít thông tin xấu, độc hại, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống của thế hệ trẻ.

Không ít phụ huynh đã bày tỏ sự lo lắng trước việc không thể quản lý con em mình sử dụng mạng xã hội.

Đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng, môi trường giúp học sinh hình thành nhân cách nên luôn cần những ứng xử chuẩn mực, kể cả ứng xử trên môi trường mạng. Vì vậy, bên cạnh việc khuyến khích giáo viên, học sinh sử dụng mạng xã hội để khai thác thông tin tích cực phục vụ cho học tập, giảng dạy, vui chơi, giải trí thì Bộ cũng muốn định hướng để giáo viên, học sinh không sử dụng mạng xã hội vào những việc tiêu cực.

Quy định tại Điều 4 của Thông tư 06 chính là mang tính định hướng như vậy. Quy định này nhằm hướng cán bộ, giáo viên, học sinh đến việc sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh, trách nhiệm và hiệu quả, chứ không có nghĩa là cấm giáo viên, học sinh góp ý, phản biện, nếu góp ý đó có cơ sở và mang tính chất xây dựng.

Quy định về việc sử dụng tích cực mạng xã hội không phải đến Thông tư 06 của Bộ GD-ĐT mới có mà trước đó, Đề án văn hóa công vụ cũng đã quy định: “Cán bộ, công chức, viên chức không sử dụng mạng xã hội để khai thác, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều ảnh hưởng đến hoạt động công vụ”.

Các trường học sẽ cụ thể hóa trong các Bộ Quy tắc ứng xử riêng

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định, Thông tư 06 chỉ là quy định khung. Từ quy định mang tính chất khung này, các cơ sở giáo dục sẽ cụ thể hóa trong các Bộ Quy tắc ứng xử riêng, phù hợp với yêu cầu và thực tiễn tại cơ sở, phù hợp với văn hóa, vùng miền.

Bộ Quy tắc ứng xử của các trường học phải thể hiện được các giá trị cốt lõi: Nhân ái, tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, trung thực trong mối quan hệ của mỗi thành viên trong cơ sở giáo dục đối với người khác, đối với môi trường xung quanh và đối với chính mình.

Bộ GD-ĐT cũng lưu ý các trường, khi xây dựng, sửa đổi, bổ sung nội dung Bộ Quy tắc ứng xử phải được thảo luận dân chủ, khách quan, công khai và được sự đồng thuận của đa số các thành viên trong cơ sở giáo dục.

Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc quán triệt, triển khai tại các địa phương, cơ sở giáo dục để cùng tháo gỡ khó khăn vướng mắc, trên cơ sở lắng nghe, hướng dẫn kịp thời./.

Theo vov.vn

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận