Chứng chỉ hành nghề giáo viên có giảm vi phạm?

Đề xuất mới đây về việc giáo viên cần có chứng chỉ hành nghề đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều...Chứng chỉ hành nghề liệu có giảm vi phạm của giáo viên?

 

 

Sau liên tiếp các vụ việc tiêu cực của ngành giáo dục, các chuyên giáo dục đặc biệt quan tâm đến chủ đề đạo đức nhà giáo và bồi dưỡng giáo viên. Tại hội thảo Góp ý các nội dung về chính sách Nhà giáo trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, ông Lê Quán Tần, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho rằng việc đào tạo giáo viên hiện nay đang “thả nổi”. Điều này dẫn đến một nghịch lý là người học giỏi chưa chắc đã có việc làm, người kém thì xã hội đang chứng kiến. Dẫn đến ngành giáo dục, thầy không giỏi và trò thế nào thì chúng ta biết rồi. Đơn cử theo ông Tần, ở Hàn Quốc, ở các cơ sở đào tạo giáo viên không phải là trường sư phạm, sinh viên phải học hết 2-3 năm đại học loại giỏi lúc bấy giờ mới cho học lên thành giáo viên. Họ lọc bộ phận có năng lực nhất để trở thành giáo viên bởi họ hy vọng con em của mình được học tốt. Do đó, ông Tần kiến nghị, trong Luật Giáo dục cũng cần có những điều kiện hành nghề nhà giáo, trong đó có điều kiện về đạo đức nghề nghiệp.

 Ông Tần phân tích thêm: “Khi có chứng chỉ hành nghề thì chỉ cần rút chứng chỉ vì vi phạm tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo, chứ không phải cứ thực hiện hành vi xong rồi nói xin lỗi do nóng nảy hay còn thiếu kinh nghiệm. Nó như là một luật vô hình, phi văn bản về những tiêu chuẩn về đạo đức nhà giáo. Có như vậy thì mới chọn ra được những người có trách nhiệm với xã hội, không làm ẩu, làm theo ý mình mà bỏ qua nghề nghiệp”.

Còn theo ông Nguyễn Mậu Bành, Phó chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, những vụ việc bạo hành của giáo viên với học sinh thời gian qua với học sinh không phải là khuyết điểm của từng cá nhân nhà giáo mà phải xem lại cơ chế quản lý nhà giáo của chúng ta hiện nay. Chúng ta không có cơ chế nào “rút phép thông công” khi nhà giáo vi phạm, cứ dạy học là thành nhà giáo.

Dễ nảy sinh tiêu cực...

          Một giáo viên THPT ở Hà Nội cho  rằng, việc cấp chứng chỉ hành nghề cho giáo viên chính là “đẻ” ra giấy phép con. Muốn giáo viên dạy tốt, nên cởi bỏ áp lực cho họ thay vì cứ tìm cách siết thêm. Đừng nghĩ cấp chứng chỉ hành nghề là giải quyết được mọi bất cập của giáo dục. Trước tiên, cần củng cố chặt chẽ Luật Giáo dục, rồi áp dụng theo luật, ai phạm luật thì bị sa thải.       

 PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đề xuất, thay vì cấp thêm chứng chỉ hành nghề, nên gộp các tiêu chí cấp chứng chỉ hành nghề vào chương trình đào tạo sư phạm. Ví dụ như, bên ngành Y sinh viên học xong chương trình phải ra bệnh viện để thực hành một thời gian nhất định và nếu đạt mới được trường cấp bằng tốt nghiệp. Tương tự như vậy, khi sinh viên sư phạm học xong thì sẽ được phân công đến một trường nào đó để giảng dạy. Qua đó, tập thể giáo viên của trường sẽ giúp đỡ, giám sát và đánh giá sinh viên đó có giảng dạy được không, lúc đó trường mới phát bằng tốt nghiệp. Như vậy, là không chỉ ngành giáo dục mà cả xã hội đều giám sát thực chất giáo viên đó có xứng đáng hay không? Và khi sinh viên nhận tấm bằng đó là thực sự có giá trị, có chất lượng. “Tôi mong rằng, chúng ta không nên thêm chứng chỉ hành nghề mà còn bỏ cả thi công chức đối với giáo viên. Chỉ cần trong thiết kế quá trình đào tạo sinh viên sư phạm phải bao gồm cả những tiêu chí của người công chức, tiêu chí về hành nghề... Và khi kết thúc chương trình sư phạm, sinh viên đã có đầy đủ tất cả kiến thức, kỹ năng, phẩm chất... làm sao cho tấm bằng tốt nghiệp sư phạm là yêu cầu cuối cùng để hành nghề...”- PGS Nhĩ đề xuất.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc cấp chứng chỉ hành nghề cho giáo viên chỉ có thể thực hiện được nếu ở Việt Nam có một hiệp hội giáo viên, hoạt động thật nghiêm túc, có hệ thống thật chặt chẽ để đảm bảo cấp chứng chỉ hành nghề chính xác. Nếu không có những tổ chức như thế thì chưa có đại diện để thực hiện, đây không phải là việc dễ dàng... Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục TP.Hà Nội thì, việc đặt ra vấn đề nhà giáo không chỉ có bằng cấp mà còn có cả đạo đức nghề nghiệp, có kỹ năng thực sự là cần thiết, nhưng cơ quan nào cấp chứng nhận hành nghề, có đáng tin cậy hay không là việc rất quan trọng. Bởi hệ lụy sẽ là việc “đẻ” ra một loại giấy phép con và chạy chọt, “mua, bán” chứng chỉ hành nghề./.

BOX:  “Muốn khắc phục, ngăn chặn những sai phạm, chỉ cần siết chặt trong Luật Giáo dục. Trong khi xảy ra sai phạm, tiêu cực gì, căn cứ vào luật để xử lý, thấy cần thiết thì siết luật, căn cứ theo luật mà làm, không cần phải vẽ thêm ra. Bây giờ thêm một cái giấy để cấp trung gian nữa, tức là sẽ phải cấp thêm hàng triệu cái giấy, không khéo lại sinh ra tiêu cực, phức tạp thêm”- PGS. TS. Trần Xuân Nhĩ.

 

Chứng chỉ hành nghề nên gộp vào chương trình đào tạo của sư phạm.

 

     
    

 

         

 

Bình luận

    Chưa có bình luận