Tuyển sinh đại học 2024: Cần đảm bảo công bằng

Các trường thực hiện nhiều phương thức xét tuyển nhưng phải đảm bảo công bằng giữa các thí sinh ở các vùng miền.

 

Mùa tuyển sinh năm nay, các trường đại học tiếp tục xét tuyển sinh theo nhiều phương thức như: xét theo kết quả điểm tốt nghiệp THPT, xét kết quả học tập bậc phổ thông, xét chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, xét theo kết quả các kỳ thi riêng… Với các thí sinh, việc các trường có nhiều phương thức xét tuyển thì cũng đồng nghĩa với việc các em sẽ có nhiều “cánh cửa” để vào đại học. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng các trường thực hiện nhiều phương thức xét tuyển nhưng phải đảm bảo công bằng giữa các thí sinh ở các vùng miền.

Chuẩn bị kết thúc học kỳ 2, Phạm Lê Dũng, học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội vừa phải hoàn thành chương trình ôn tập tại trường cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, vừa phải ôn tập để tham gia 3 kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do các trường đại học tổ chức. Phạm Lê Dũng cho biết, em đặt mục tiêu phải xét tuyển bằng nhiều phương thức vào các trường cũng nhằm để tăng cơ hội trúng tuyển, bởi em xác định khó có cơ hội cạnh tranh khi xét tuyển bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT: “Có nhiều kỳ thi hơn thì em cảm thấy sức nặng của việc học có thể tăng lên. Tuy nhiên, bỏ nhiều tiền ra để mình học và thi bằng nhiều phương thức thì đó cũng là một cơ hội lớn để mình vào đại học”.

Các trường thực hiện nhiều phương thức xét tuyển nhưng phải đảm bảo công bằng giữa các thí sinh ở các vùng miền.

Thời điểm này, nhiều trường đại học trên cả nước đã và đang tổ chức xét tuyển và công bố thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển với các phương thức không sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (còn gọi là xét tuyển sớm) như: xét kết quả học tập bậc trung học phổ thông, xét chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, xét theo kết quả các kỳ thi riêng do các trường đại học tổ chức… nên thí sinh cũng phải chạy đua học và thi để có nhiều cơ hội trúng tuyển đại học hơn.

Theo ông Trần Văn Tuyến, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Trãi, việc nhận hồ sơ xét tuyển thời gian này chỉ mang ý nghĩa giúp các trường xác định được phần nào về nguồn tuyển vì còn chờ khâu lọc ảo chung toàn quốc: “Xét tuyển sớm là để các trường lựa chọn được những thí sinh phù hợp với nhà trường, đặc biệt là các thí sinh có thành tích trong công tác học tập, hoặc tham gia các kỳ thi đánh giá về năng lực, đánh giá về tư duy ở các Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa. Công tác xét tuyển sớm cũng giúp các trường chủ động hơn được nguồn thí sinh, đặc biệt là thí sinh có thành tích, cũng như là nâng cao chất lượng đầu vào”.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, học sinh nông thôn, miền núi, vùng kinh tế - xã hội khó khăn không có điều kiện để học và thi chứng chỉ quốc tế nên chủ yếu vẫn xét tuyển theo phương thức xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Dù nhiều em đăng ký thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, nhưng do độ phủ của kiến thức rộng, đề thi mỗi đợt đều được bảo mật, không công bố, nên cả học sinh và giáo viên chỉ có thể ôn luyện dựa trên toàn bộ chương trình đã học. Theo ông Lâm Đình Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang, với cách ôn tập như vậy, thí sinh cũng khó có thể đạt điểm cao trong các kỳ thi riêng, từ đó cơ hội xét tuyển cũng giảm đi: “Trong những năm tới, chúng tôi phải xác định, tính toán lại phương thức, cách thức tổ chức ôn tập cho các em học sinh lớp 12, chứ nếu cứ ôn tập theo phương pháp cũ thì tỷ lệ học sinh đỗ đại học sẽ rất thấp”.

Nhiều ý kiến cho rằng, các phương thức xét tuyển sớm hiện nay không đủ sự so sánh đáng tin cậy và không đảm bảo công bằng giữa thí sinh ở các vùng miền. Ảnh minh họa

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, trong mùa tuyển sinh năm 2023, các phương thức xét tuyển không sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (còn gọi là xét tuyển sớm) đã được 214 trường trong tổng số 322 trường đại học sử dụng. Thế nhưng nhiều ý kiến cho rằng, các phương thức xét tuyển sớm hiện nay không đủ sự so sánh đáng tin cậy và không đảm bảo công bằng giữa thí sinh ở các vùng miền.

Theo ông Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải, các trường được tự chủ trong tuyển sinh nhưng để đảm bảo công bằng giữa thí sinh các vùng, miền thì cần phân chia tỷ lệ chỉ tiêu hợp lý cho từng phương thức. “Chúng tôi phải đảm bảo được tỷ lệ của từng phương thức. Ví dụ như phương thức của học bạ thì thường thường các ngành xét học bạ khoảng 30%, có ngành tối đa 50% nhưng số lượng gọi trúng tuyển phải sát với số lượng chỉ tiêu đã đăng ký bằng phương thức nào. Do vậy, các thí sinh sẽ nhập học theo đúng các điều kiện đăng ký”.

Để đảm bảo công bằng, minh bạch trong tuyển sinh, một số chuyên gia cũng đề xuất, chỉ nên xét tuyển sớm những thí sinh thực sự giỏi như tuyển thẳng, tuyển thí sinh tài năng thay vì làm đồng loạt như hiện nay. Năm nay, nhiều trường đại học tiếp tục giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, tăng chỉ tiêu xét tuyển sớm bằng các phương thức xét theo điểm kỳ thi riêng, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, xét học bạ. Điều này cũng dự báo việc dùng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông xét tuyển vào một số nhóm ngành được nhiều thí sinh quan tâm sẽ phải cạnh tranh rất khốc liệt./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận