Hàng trăm chuyên gia thảo luận đưa AI vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam

Ngày 12/5, Trường ĐH Cửu Long phối hợp với AHLA tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề 'Kiến thức về sức khoẻ trong cuộc cách mạng của thời đại kỹ thuật số'.

 

Nhằm cung cấp những kiến thức về sức khoẻ trong cuộc cách mạng của thời đại kỹ thuật số, ngày 12/5/2024, Trường Đại học Cửu Long phối hợp với Hiệp hội năng lực sức khoẻ Châu Á (AHLA) tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Kiến thức về sức khoẻ trong cuộc cách mạng của thời đại kỹ thuật số”.

Hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia quốc tế, như: Giáo sư Angela Y.M Leung – Chủ tịch AHLA; Giáo sư Peter Chang – Chủ tịch danh dự AHLA, Hệ thống Chăm sóc sức khỏe Show Chwan; Giáo sư Laura Huang - Hiệu trưởng Trường Đại học Hungkuang; bà Mandy Mok - Giám đốc điều hành, Applie HE; Phó Giáo sư Yu-Ming Shiao - Phó chủ tịch Tập đoàn Công nghệ sinh học GeneReach… cùng hơn 40 vị Giáo sư đến từ các quốc gia như: Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Croatia, Kazkhstan, Malaysia, Mông Cổ,… Hội thảo cũng thu hút hơn 200 đại biểu trong nước đến từ các sở y tế, bệnh viện có ký kết hợp tác với nhà trường, các trường đại học, cao đẳng trong khu vực.

Đại biểu tham dự Hội thảo.

Hội thảo nhận được 68 bài viết của các chuyên gia, nhà khoa học, xoay quanh chủ đề “Kiến thức về sức khoẻ trong cuộc cách mạng của thời đại kỹ thuật số”.  Trong đó, có 09 tác giả trình bày tham luận trực tiếp, gồm các đề tài: Kiến thức về sức khỏe và AI cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong tương lai; Đánh giá chương trình giáo dục sức khỏe toàn diện quốc gia; Suy nghĩ lại về xếp hạng các trường đại học chăm sóc sức khỏe: Đánh giá kiến thức về sức khỏe ở châu Á; Kinh nghiệm phát triển thiết bị y tế thông minh và cố vấn kinh doanh; Phát triển tin học y tế và ứng dụng dữ liệu lớn; Giải pháp Smart Lab vì một sức khỏe, Chia sẻ kinh nghiệm; Công nghệ nano – động lực chính của cuộc cách mạng y tế trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0; Trí tuệ nhân tạo trong chăm sóc sức khỏe và triển vọng; Dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong tương lai: triết lý sự sống của y học cổ truyền…

Nhà giáo ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Minh Cừ – Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng trường Đại học Cửu Long phát biểu khai mạc.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Nhà giáo ưu tú, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lương Minh Cừ, Hiệu trưởng Trường Đại học Cửu Long, nhận định: Đây là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học gặp gỡ, trình bày các vấn đề liên quan đến năng lực sức khoẻ và các kinh nghiệm cũng như giải pháp can thiệp kịp thời. Trường Đại học Cửu Long có hệ thống cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, phục vụ tốt cho công tác giảng dạy và học tập của gần 80 chuyên ngành đào tạo tại trường, bao gồm hệ thống phòng học, giảng đường, phòng thí nghiệm, phòng mô phỏng doanh nghiệp, thư viện điện tử, ký túc xá, trạm y tế, khu thể thao sinh viên, căn tin… Đảm bảo đủ năng lực phục vụ công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu, và giải trí của giảng viên, sinh viên. Dự kiến, cuối năm 2024, Trường sẽ có thêm tòa nhà 8 tầng phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học sức khỏe.

Thông qua hội thảo này là dịp để Trường Đại học Cửu Long lắng nghe, ghi nhận những trao đổi, góp ý của những nhà khoa học, nhà quản lý y tế, các giáo sư, tiến sĩ, bác sỹ chuyên khoa I, chuyên khoa II, trong và ngoài nước… Qua đó giúp Trường nâng cao chất lượng đào tạo các ngành khối sức khỏe nói chung trong thời gian tới.     Nhà giáo ưu tú, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lương Minh Cừ cũng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung về Kỹ thuật số trong các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong tương lai; Giáo dục đại học cho vấn đề chăm sóc sức khỏe; Phát triển thiết bị y tế thông minh; Giáo dục và đào tạo tin học y tế cho cán bộ y tế; Kiểm soát tương lai cho các bệnh truyền nhiễm mới nổi; Mô hình One-Health và các chủ đề khác có liên quan…

Giáo sư Peter Chang - Chủ tịch danh dự, AHLA đạt vấn đề AI có thể thay thế bác sĩ, y tá và chuyên gia chăm sóc sức khỏe.

Tại Hội thảo, Giáo sư Peter Chang - Chủ tịch danh dự, AHLA đặt ra vấn đề AI có thể thay thế bác sĩ, y tá và chuyên gia chăm sóc sức khỏe… Giáo sư đề nghị mở ra các dịch vụ y tế AI lấy bệnh nhân làm trung tâm; Giúp bệnh nhân tiếp cận công nghệ AI để cung cấp thông tin thân thiện với người dùng bằng AI về việc chăm sóc sức khỏe; Trao quyền cho bệnh nhân và giao tiếp bằng AI; Cung cấp các quyết định hiệu quả hơn bằng AI; Hỗ trợ tự quản lý…

PGS TS Vũ Bá Dũng - Trường Đại học Cửu Long trình bày tham luận về Công nghệ nano – động lực chính của cuộc cách mạng y tế trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0

Theo PGS.TS.Vũ Bá Dũng - Trường Đại học Cửu Long: cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Công nghiệp 4.0) là động lực cho sự phát triển bền vững. Trong đó công nghệ nano sẽ được ứng dụng mạnh mẽ trong y học. Y học nano là ứng dụng công nghệ nano vào việc chăm sóc sức khỏe con người. Vật liệu ở quy mô nanomet có các đặc tính vật lý, hóa học và sinh học rất khác so với cùng vật liệu ở quy mô lớn. Công nghệ nano có thể tạo ra các công cụ và phương pháp chẩn đoán và điều trị hiệu quả. Các sản phẩm y học nano có thể được nhắm mục tiêu bởi các robot nano./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận