Hà Nội: Hàng trăm giáo viên hợp đồng có nguy cơ mất việc?

Sau 500 giáo viên ở Đắk Lắk, 256 giáo viên ở Sóc Sơn (Hà Nội), cách đây vài ngày lại tiếp tục 114 giáo viên ở Đông Anh (Hà Nội) kêu cứu vì có nguy cơ mất việc.

 

           Vì sao dạy giỏi hàng chục năm vẫn có nguy cơ rời bục giảng?

Theo lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, kế hoạch tuyển dụng giáo viên (GV) của thành phố thực hiện theo Nghị định 161 của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Nội vụ. Trong các tiêu chuẩn tuyển dụng GV đợt này có yêu cầu về ngoại ngữ và tin học. Với quy định thi tuyển ngoại ngữ, những thầy cô giáo có thâm niên hơn 20 năm trong nghề có nguy cơ phải rời bục giảng.

Đáng nói là, trong số 256 GV hợp đồng ở huyện Sóc Sơn đang thấp thỏm lo âu trước nguy cơ bị mất việc làm, rất nhiều người có thành tích cao hoặc có hoàn cảnh khó khăn. Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Châu là giáo viên hợp đồng đã 23 năm của trường THCS Tân Minh B. Cô Châu từng có 6 sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cấp thành phố, đạt nhiều danh hiệu từ lao động giỏi, lao động tiên tiến đến chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, có học sinh giỏi cấp huyện và được trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục… Thế nhưng, với bề dày thành tích đó, cô vẫn đứng ngoài trong đội ngũ những nhà giáo “chính quy”.

Theo Nghị định 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, trong Điều 14 về xét tuyển đặc cách, Khoản a của Nghị định ghi rõ: “Người có kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển dụng từ 3 năm trở lên, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng...”. Nếu xét theo tiêu chuẩn này, cô Châu và nhiều GV khác ở huyện Sóc Sơn đủ tiêu chuẩn để xét đặc cách. Nhưng không hiểu vì sao những người có trách nhiệm lại bỏ quên việc áp dụng Nghị định này khiến nhiều GV đủ tiêu chuẩn chịu thiệt thòi về mọi mặt.

Cô T, giáo viên THCS ở Sóc Sơn chia sẻ: “20 năm nay công tác, tôi nghĩ mình là viên chức rồi, vì lương tôi được xếp ngạch A0, mã số ngạch là 15113 trong bảng lương công chức viên chức và hằng năm tôi vẫn được đánh giá là viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Các thầy cô không phải sợ thi mà trong thi cử không ai nói trước điều gì, ngay cả những cuộc thi lớn vẫn có tiêu cực. Vì thế, kể cả các thầy cô dạy giỏi, đạt nhiều thành tích cũng không ai dám chắc bước vào cuộc thi này mình sẽ đỗ, được tuyển”.

Khi câu chuyện ở Sóc Sơn chưa lắng thì mới đây tập thể giáo viên hợp đồng tại huyện Đông Anh viết thư kêu cứu và bày tỏ nguyện vọng:  “Trong kỳ thi viên chức tới đây sẽ được xét đặc cách vào viên chức giáo dục thay vì tuyển sinh như thí sinh tự do”. Đại diện cho hơn 100 giáo viên hợp đồng tại Đông Anh, chị N.T.M cho biết: “Chúng tôi về đây dạy hợp đồng từ khi huyện còn thiếu thốn giáo viên. Từng ấy năm đến nay, người công tác ít cũng được 5 - 7 năm, người thâm niên 10 - 20 năm. Nhưng kể từ đó đến nay, các giáo viên trung học cơ sở chỉ được hưởng mức lương cơ bản nhân hệ số 1,86. Trong đó, nhiều thầy cô được tặng giấy khen của các cấp, được tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục... Thế nhưng, có thể sau lần thi viên chức, chúng tôi sẽ đứng trước nguy cơ mất việc”.

Nhiều giáo viên cũng chỉ ra những bất cập trong kỳ thi viên chức lần này. Cô M (Đông Anh) cho biết, năm 2013 có chủ trương xét đặc cách cho các GV hợp đồng lâu năm. Nhưng thời điểm đó, các cô không được huyện thông báo. Một số giáo viên mầm non đang dạy hợp đồng của huyện Đông Anh cho biết, họ đã bỏ lỡ đợt xét đặc cách năm 2013 với lý do bị đóng bảo hiểm thiếu thời gian. Theo các giáo viên thì chính sự thiếu quan tâm của lãnh đạo huyện và sự buông lỏng quản lý trong hàng chục năm là một phần nguyên nhân đẩy họ đến cơ sự này: “Mọi hậu quả chỉ có chúng tôi gánh chịu vì lãnh đạo rồi cũng về hưu. Bao nhiêu tủi hổ, thiệt thòi chỉ có giáo viên chúng tôi là đứng mũi chịu sào”- một GV bức xúc nói.

GS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng: “Những người thực hiện chính sách phải tự hỏi tại sao lại để GV trong thời gian dài có mức lương thấp như vậy. Những người thực thi chính sách với giáo viên, ngay cả lãnh đạo tiền nhiệm nếu họ làm sai thì những người lãnh đạo bây giờ phải sửa sai. Với những GV đã có cống hiến cho ngành giáo dục hàng chục năm thì phải có chế độ chính sách thỏa đáng chứ không nên như một số địa phương thể hiện thái độ “vắt chanh bỏ vỏ”, trái với đạo lý “ăn quả nhớ người trồng cây” của người Việt Nam. Giờ nếu áp dụng những tiêu chuẩn hiện tại vào những GV lâu năm thì khác nào đuổi họ ra ngoài đường”.

Đơn kêu cứu của hơn 100 giáo viên hợp đồng ở  Đông Anh.

Áp tiêu chuẩn  không phù hợp, nhiều giáo viên sẽ mất việc

Nhiều giáo viên cho rằng, chưa thi họ đã biết là rớt bởi những tiêu chuẩn đó áp vào những giáo viên lâu năm như họ là không phù hợp. Cô T (Đông Anh) phân tích: Việc áp tiêu chí tiếng Anh là vô lý, không khả thi vì không thể áp dụng với thế hệ GV lâu năm được, chỉ áp dụng với những thế hệ trẻ mới ra trường. Thứ hai là, như tôi dạy môn Sử, môn Giáo dục công dân cũng không dùng gì đến tiếng Anh. Đó là lý thuyết suông, không thực tế và bằng cấp chỉ mang nặng tính hình thức.

GS. Trần Xuân Nhĩ phân tích thêm: Giáo viên phải có trình độ Tiếng Anh là điều ngành giáo dục mong muốn, nhưng không thể đốt cháy giai đoạn mà phải có kế hoạch, có biện pháp kèm theo. “Theo tôi, mỗi chính sách phải phù hợp với thực tế, triển khai đồng bộ đi theo nó là các giải pháp. Tôi thấy rằng, nên đưa ngay vào trường sư phạm đào tạo sinh viên những tiêu chuẩn cần có của người công chức”.

Trao đổi với báo chí ngày 9/4, về vụ việc gần 300 giáo viên ở Sóc Sơn kêu cứu, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định, thành phố sẽ họp bàn và đưa ra phương án tối ưu nhất. Trong đợt thi tuyển, bên cạnh việc thực hiện nghiêm Nghị định 161, thành phố Hà Nội sẽ tiến hành rà soát lại toàn bộ số GV đang trong diện hợp đồng. Theo đó, những GV đã có kinh nghiệm, giảng dạy tốt, thành phố có thể đề ra phương án vừa xét tuyển vừa thi tuyển để họ có công việc, cuộc sống ổn định. Đợt thi tuyển lần này, Hà Nội sẽ đảm bảo mục tiêu giải quyết được những tồn đọng về vấn đề giáo viên hợp đồng, đã tồn tại nhiều năm trước. Việc thi tuyển cũng nhằm đảm bảo đủ số GV trong các trường công lập; với mục tiêu tạo được sự ổn định cho giáo viên toàn thành phố để họ yên tâm công tác…

Tuy nhiên, nhiều giáo viên vẫn cho rằng cách giải quyết như vậy là chưa thỏa đáng. Cô H.T (Sóc Sơn) nêu: Như ông chủ tịch thành phố nói sẽ giải quyết tất cả tồn đọng của lịch sử, lịch sử đặc biệt thì cũng cần có cơ chế đặc biệt để xét tuyển. Để đảm bảo quyền lợi cho GV lâu năm nên dựa vào thâm niên công tác và thành tích đóng góp nhiều cho ngành thì được ưu tiên đặc cách như Nghị định 29 trước đây. Sóc Sơn đang có kế hoạch tuyển gần 500 giáo viên cấp I và cấp II, vậy có nghĩa là các trường vẫn đang thiếu giáo viên. Đây cần coi là cơ hội để Sóc Sơn sửa sai những vấn đề lịch sử để lại. Cách giải quyết này công bằng và thực tế, chứ không phải dựa vào hình thức bằng cấp”.

 
“Tại sao bây giờ lại bắt chúng tôi thi để chứng minh mình có đủ năng lực đứng lớp trong khi nhiều năm qua chúng tôi vẫn hoàn thành xuất sắc công việc, được nhà trường tín nhiệm, phụ huynh tin tưởng, thậm chí có nhiều thành tích xuất sắc?”, cô N.T.M (Đông Anh)
 
 
Tình trạng này bắt đầu xảy ra ở một số địa phương, nếu không giải quyết triệt để nó sẽ loang rộng ra các địa phương khác. Họ làm theo như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đội ngũ giáo viên, mà ảnh hưởng đến giáo viên chính là ảnh hưởng tới sự nghiệp giáo dục”,, GS Trần Xuân Nhĩ.
 

“Chúng tôi sẽ đề nghị Hà Nội xét đặc cách, có chính sách ưu tiên cho những giáo viên đã giảng dạy lâu năm, có trình độ chuyên môn”, Ông Vũ Minh Đức, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận