Hoàn thiện quy chế để 'muốn gian lận cũng không thể'!

Có nên công khai danh tính thí sinh gian lận điểm thi THPT Quốc gia 2018? Ngăn chặn gian lận thi cử trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019... được dư luận quan tâm.

 

Không dung túng cho gian lận thi cử

Tại cuộc họp báo ngày quý 1/2019 (ngày 26/3) của Bộ GD-ĐT, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) khẳng định việc Bộ Công an và Bộ GD-ĐT hoàn toàn không bao giờ dung túng cho những sai phạm trong việc gian lận thi cử. Kiên quyết xử lý nghiêm trong khuôn khổ quy chế và pháp luật hiện hành đối với những sai phạm thi cử tại Sơn La và Hòa Bình trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Lãnh đạo Bộ nhấn mạnh, xử lý gian lận thi cử không có vùng cấm.

“Về quan điểm, Bộ GD-ĐT cũng như Bộ Công an là kiên quyết xử lý sai phạm. Để có kết quả thẩm định đó là sự nỗ lực rất lớn của các cơ quan chức năng. Theo quy chế, kết quả thẩm định là kết quả chính thức của kỳ thi, nó là kết quả để xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển ĐH. Vì thế, Bộ GD-ĐT đã có công văn hướng dẫn xử lý những sai phạm này. Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT đến ngày 25/3 Sở GD-ĐT Hòa Bình phải báo cáo Bộ GD-ĐT về kết quả xử lý sai phạm điểm thi tại đây. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại Bộ chưa nhận được báo cáo”.
Ông Trinh cho biết. Đối với Hòa Bình, quy định của Bộ là kết thúc quá trình xử lý kết quả chấm thẩm định đến ngày 25/3 thì đến ngày hôm nay 26/3/2019, Sở đã xử lý xong. Tuy Bộ GD-ĐT chưa nhận được báo cao nhưng có thể nói, Sở làm nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ.

Bộ Giáo dục - Đào tạo đang tìm cách hạn chế những gian lận trong thi cử.

Trước câu hỏi của báo chí là: dư luận cho rằng, nên công khai danh sách thí sinh và phụ huynh tham gia chạy điểm, gian lận trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 và đó cũng là hình thức răn đe mạnh mẽ nhất. Ông Trinh khẳng định: "Việc công khai danh tính của thí sinh gian lận thi cử tại Hòa Bình và Sơn La còn căn cứ vào Hiến pháp 2013 và Luật Dân sự và tình hình thực tiễn của cơ quan chức năng, việc công bố vào thời điểm nào, công bố đến đâu là quyền của cơ quan chức năng. Chúng ta cũng cần tính đến nhiều yếu tố liên quan khác nữa, như yếu tố ảnh hưởng tiêu cực tới các cháu".

Theo kết quả chấm thẩm định lần thứ 2 của Bộ GD-ĐT theo yêu cầu của cơ quan điều tra, Hòa Bình có 64 thí sinh được nâng điểm với mức nâng cao nhất là 26,45 điểm/3 bài thi, môn được nâng nhiều nhất là hơn 9 điểm. Tại Sơn La có 44 thí sinh được nâng điểm, mức nâng cao nhất là 26,55 điểm/3 môn thi. Môn được nâng nhiều nhất là 9 điểm. Với kết quả thẩm định này, các Sở GD-ĐT sẽ phải cập nhật lại điểm cho thí sinh, xét công nhận lại tốt nghiệp đồng thời thông báo đến các cơ sở đào tạo ĐH, CĐ để các cơ sở này xem xét tuyển sinh theo quy định.

 

Theo lãnh đạo Bộ, căn cứ kết quả thông báo của Bộ Công an, Bộ GD-ĐT đã thông tin tới các sở GD-ĐT Hòa Bình và Sơn La yêu cầu cập nhật kết quả thi sau khi chấm thẩm định, xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2017 và 2018 cho các thí sinh liên quan; thông báo kết quả cho các thí sinh và các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trung cấp có nhóm ngành đào tạo giáo viên có liên quan.

Bộ GD-ĐT đồng thời yêu cầu các đại học, học viện, trường đại học và các trường cao đẳng, trung cấp có nhóm ngành đào tạo giáo viên, Cục Nhà trường (Bộ quốc phòng) và Cục Đào tạo (Bộ Công an) liên hệ chặt chẽ với các Sở GD-ĐT Hòa Bình, Sơn La để có thông tin về kết quả công nhận tốt nghiệp THPT sau rà soát, kết quả điểm thi tại công văn thông báo của Bộ Công an, của Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Sơn La để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017, 2018, và thông báo kết quả cho các thí sinh liên quan.

Từ những sự cố trên, ông Nguyễn Viết Lộc, Chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT cho biết, kỳ thi năm 2019 sẽ được tổ chức như các năm 2017, 2018. Tuy nhiên có một số điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi nhằm khắc phục triệt để các hạn chế, bất cập, đảm bảo tổ chức thi khách quan, an toàn, nghiêm túc. Điều động các trường ĐH, CĐ đến các tỉnh để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường ĐH, CĐ địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình. Đối với các thí sinh tự do không xếp phòng riêng nữa mà theo quy trình đã thống nhất, bảo quản bài thi tại Điểm thi và Hội đồng thi. Bộ GD-ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ.

Tăng cường chỉ đạo các sở GDĐT, các trường ĐH, CĐ thực hiện nghiêm túc công tác lựa chọn, phân công cán bộ thực hiện các khâu của kỳ thi theo đúng quy định của quy chế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát. Bộ GD-ĐT đã sớm công bố bộ đề thi tham khảo THPT Quốc gia năm 2019; ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BGDĐT ngày 18/3.2019 sửa đổi, bổ sung quy chế thi THPT Quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT. Ông Mai Văn Trinh cũng khẳng định, từ sự cố thi năm 2018, Bộ GD-ĐT đã hoàn thiện quy chế thi THPT Quốc gia 2019, bảo đảm có muốn gian lận cũng không thể./.

 

Có nên công khai danh tính thí sinh gian lận điểm thi?

Luật sư Từ Tiến Đạt, Đoàn Luật sư TP HCM: Theo thông tin ban đầu, có thể các em học sinh không biết việc gian lận này. Vụ việc có thể là do phụ huynh, người thân của họ làm. Quan điểm của tôi là, nếu cơ quan chức năng xác định chỉ có phụ huynh tham gia việc chạy nâng điểm thì việc công bố danh tính người vi phạm là cần thiết. Cạnh đó, phải có chế tài tương ứng với mức độ vi phạm của phụ huynh. Trong tình huống này không được bêu tên học sinh vì họ cũng được xem là nạn nhân của người lớn.Còn trường hợp học sinh biết và tham gia vào vụ việc, tôi thiết nghĩ, nếu hành vi chỉ dừng lại ở mức vi phạm hành chính thì không nêu tên vì tính chất mức độ chưa quá nguy hiểm. Việc nêu tên chưa hẳn có tác dụng răn đe, giáo dục.

Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM: Thực ra các em là hậu quả của cha mẹ (phụ huynh). Nếu phụ huynh để các em tự lực làm bài kết quả cũng có thể ổn. Hiện tại, các em đang học ở các trường đại học, nếu công bố danh sách, dư luận lên án thì sẽ “giết” các em. Mặt khác, tâm lý các em đang lo sợ về việc này, nếu công bố thì các em không chịu nổi, có thể có hậu quả xấu.

ÔngTrần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Nông lâm TP.HCM: Gian lận thi cử vừa qua là việc của người lớn. Nhưng không công bố công khai thí sinh nào được nâng điểm thì e rằng việc xử lý lần này sẽ không nghiêm túc và đây là mâu thuẫn rất lớn trong xử lý gian lận thi cử lần này. Nếu có thể, thì ghi tên viết tắt các em cũng được, vì đây là bài học xương máu cho hàng triệu phụ huynh và thí sinh khác nếu có ý định gian lận, mua điểm.

Chị Nguyễn Thị Hoa, một phụ huynh ở Hà Nội: Việc công khai danh tính sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý của các em, điều này đi ngược với mục tiêu và truyền thống giáo dục của ta. Theo tôi, nên hủy kết quả này và đình chỉ thi vài năm, đồng thời không được thi những ngành như: Công an, Quân đội, Kiểm sát nhân dân, Sư phạm... là những ngành đòi hỏi tư cách đạo đức cao.

Độc giả Nguyễn Phạm Huân: Bên Mỹ vừa có vụ gian lận để vào các trường đại học lớn. Vì phụ huynh là người nổi tiếng, diễn viên Hollywood nên báo chí vào cuộc và tên được nêu. Còn thực tế ở Mỹ, mỗi trường có quy định riêng về các hành vi gian lận, nếu là sinh viên thì cứ theo nội quy mà xử lý, chứ không cần nêu tên làm gì, mức độ xử lý nặng nhẹ là theo mức độ vi phạm. Còn nếu là đường dây quy mô có hệ thống thì sẽ bị điều tra, xét xử, lúc đó thì kiểu gì cũng bị nêu tên. Còn quan điểm của tôi thấy không cần thiết phải nêu tên, cứ xử đúng theo quy định, sinh viên nào sai thì xử lý sinh viên đó, còn bố mẹ can thiệp thì đây là có hệ thống, có tổ chức vì thế để cơ quan chức năng giải quyết./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận