Khuyến khích các trường đại học xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT

Bộ GD-ĐT khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển.

 

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển, đồng thời bộ sẽ tăng cường quản lý về tuyển sinh.

Từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức theo định hướng của chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm thay đổi về cấu trúc, định dạng đề thi so với hiện nay.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội thảo.

Kỳ thi vẫn do Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo chung, hướng đến ba mục đích: Xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông; đánh giá chất lượng dạy và học; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Tuy nhiên, lãnh đạo một số cơ sở giáo dục đại học bày tỏ lo lắng về việc Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện đang giảm dần độ phân hóa, gây khó khăn cho công tác xét tuyển dựa trên điểm số của kỳ thi này. Trong khi đó, việc nhiều trường đại học xét tuyển theo các kỳ thi riêng hay các phương thức xét tuyển khác cũng đang nảy sinh nhiều bất cập.

Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT tiếp tục được Bộ GD-ĐT tổ chức đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, Đại học Đà Nẵng vẫn tiếp tục xét tuyển theo kết quả kỳ thi này. Điều này sẽ giúp học sinh không phải tham gia quá nhiều kỳ thi, giảm áp lực cho thí sinh và giảm tốn kém cho xã hội:

“Nếu có kỳ thi của bộ, các trường đại học sẽ chỉ tập trung nguồn lực vào dạy học. Dành nguồn lực để tổ chức thi không phải là điều đơn giản. Chúng tôi rất mong muốn bộ tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT và tổ chức tốt hơn, đề thi có tính phân hoá hơn và đáng tin cậy hơn để làm cơ sở cho các trường đại học xét tuyển, như vậy chúng tôi sẽ không phải lo làm việc này”.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đại học khi xét tuyển theo kết quả kỳ thi này, nhiều trường đại học bày tỏ mong muốn đề thi có hệ thống câu hỏi với độ phân hoá tốt hơn so với đề thi hiện hành.

Theo Giáo sư Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế, các trường trong khối ngành sức khoẻ cũng có nhiều ngưỡng điểm trúng tuyển khác nhau. Vì vậy, đề thi nên phân hoá các nhóm điểm khác nhau để giúp các trường trong tuyển sinh.

“Trong khối ngành sức khoẻ, chúng tôi thấy có 2 phân khúc, có thể tạm thời chia ra làm 2 nhóm, từ 5 đến 7,5 và từ 7,5 đến 10. Ví dụ 3 môn chẳng hạn, điểm chuẩn của Bộ đưa ra là 22,5 điểm, có nghĩa là điểm thành phần trung bình là 7,5. Chúng tôi nghĩ rằng đề thi có thể phân hoá được 2 nhóm đó sẽ giúp cho các trường ở mức vừa phải và nhóm yêu cầu cao phân loại thí sinh và chọn được thí sinh một cách phù hợp”.

Từ ý kiến của các trường đại học, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, theo Luật Giáo dục Đại học, các trường được tự chủ về phương thức tuyển sinh. Tuy nhiên, thông điệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo là khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông để tuyển sinh.

“Tới đây, đề thi tốt nghiệp trung học sẽ có độ phân hoá cao hơn. Đề sẽ theo hướng hạn chế tối đa học tủ, học lệch, học mẹo, khuyến khích học thật thi thật và chất lượng thật. Bộ khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục lấy đây là một trong những phương thức quan trọng để xét tuyển với mục tiêu là giảm áp lực, giảm tốn kém, đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận giáo dục. Nếu những học sinh vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không có điều kiện về các cơ sở giáo dục để dự thi các kỳ kiểm tra đánh giá năng lực thì cơ hội sẽ ra sao?. Đấy có phải là công bằng không?”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng khẳng định đây là kỳ thi tốt nghiệp nên các học sinh có đủ kiến thức nền tảng là có thể làm bài thi đạt tốt nghiệp. Tuy nhiên, nếu muốn điểm cao thì các em phải học tập tốt.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận