Bộ trưởng GD&ĐT: Năm học 2023-2024 là năm trọng tâm đổi mới giáo dục

Theo Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, năm học 2023 - 2024 có vai trò quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông, cần sự đồng lòng của toàn ngành.

 

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, năm học mới 2023 - 2024 bắt đầu với rất nhiều nhiệm vụ và thử thách lớn còn ở phía trước. Đây cũng là năm trọng tâm trong quá trình đổi mới giáo dục, khó khăn nhiều, nhưng cũng hứa hẹn thành tựu ở phía trước.

Sẵn sàng lắng nghe giáo viên nói

Trước thềm năm học 2023 - 2024, Bộ trưởng GD&ĐT nhận được hơn 6.000 câu hỏi từ các thầy cô giáo trên khắp cả nước liên quan các nhóm vấn đề về chế độ chính sách nhà giáo, tiền lương, phụ cấp, điều kiện làm việc... Những băn khoăn này sẽ được Bộ trưởng chỉ đạo, xử lý thế nào trong thời gian tới?

Những nội dung thuộc về chuyên môn, phạm vi trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, tôi đã yêu cầu các cục, vụ rà soát theo quy định, thông tư, quy định liên quan đến việc triển khai chuyên môn.

Bộ GD&ĐT luôn sẵn sàng lắng nghe và gỡ vướng các vấn đề liên quan đến chương trình giáo dục phổ thông mới. Điểm gì cần điều chỉnh chúng tôi sẵn sàng điều chỉnh, làm sao để công việc của giáo viên, việc kiểm tra đánh giá thực hiện chức trách của giáo viên được thuận lợi. Từ đó thầy cô thêm hào hứng, bớt áp lực ngoài chuyên môn, yên tâm với công việc.

Với nhóm vấn đề chế độ chính sách liên quan đến các bộ, ngành khác, chẳng hạn liên quan đến Bộ Nội vụ hay Bộ Tài chính và vài cơ quan khác, chúng tôi sẽ rà soát và trao đổi phối hợp với các bộ, ngành để vấn đề nào xử lý được sớm chúng tôi sẽ xử lý ngay, đặc biệt là những quy định liên quan đến chế độ chính sách dành cho nhà giáo.

Với khối giáo dục đại học, các nhà khoa học, giảng viên các trường quan tâm nhiều đến tự chủ của các trường, đến đầu tư cho nghiên cứu khoa học, vấn đề sở hữu các kết quả nghiên cứu khoa học, liêm chính khoa học, đầu tư cho giáo dục, tài chính cho giáo dục. Đây cũng là nội dung chúng tôi thấy cần phải quan tâm kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền, đến Chính phủ, Quốc hội.

Bộ GD&ĐT cũng đặc biệt chú trọng giải quyết các điểm nghẽn trong đầu tư cho giáo dục, cũng như việc thu hút nguồn nhân lực tri thức, các tài năng làm việc cho khối các trường công, khối các khoa học cơ bản. Đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà chúng tôi chú ý trong năm học mới 2023 - 2024.

Thưa Bộ trưởng, năm học 2023 - 2024 có ý nghĩa thế nào trong lộ trình đổi mới giáo dục?

Có thể nói, năm học 2023 - 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục, nhất là giáo dục phổ thông với việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Hiện chương trình được triển khai đồng bộ trên khắp cả nước, ở tất cả cấp học và đi được hơn nửa chặng đường.

Năm học 2022 - 2023, chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10. Tiếp tục lộ trình này, năm học 2023 - 2024, khối lượng công việc ngành cần thực hiện sẽ rất lớn, gồm vừa rút kinh nghiệm và tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới với các lớp đã triển khai; triển khai mới với lớp 4, lớp 8, lớp 11 và chuẩn bị điều kiện cho 3 lớp cuối cấp.

Trong đó, chuẩn bị sách giáo khoa cho lớp cuối cấp với yêu cầu, đòi hỏi lượng công việc nhiều hơn nữa. Phạm vi đổi mới rộng, lượng công việc nhiều, tầm quan trọng lớn, năm học 2023 - 2024 đòi hỏi sự quan tâm, tập trung cao độ để hoàn thành công việc, tạo đà hoàn thành lộ trình đổi mới.

Không chỉ triển khai chương trình mới trên diện rộng, bao phủ 3 cấp học, năm học này, hoạt động đổi mới cần đi vào chiều sâu, ở từng nội dung giáo dục, từng môn học, hoạt động. Kèm theo đó là đòi hỏi chuẩn bị nhiều hơn các điều kiện dạy học, giáo viên cần được hỗ trợ hơn nữa về phương pháp, kỹ năng… để bảo đảm có thể đổi mới theo chiều sâu và tăng cường chất lượng đổi mới.

2023 - 2024 là năm học triển khai nhiều nhiệm vụ nhằm hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục.

Ngành giáo dục tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục, đào tạo và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện. Ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; trong đó lưu ý các vấn đề thực tiễn phát sinh cần điều chỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho phát triển giáo dục và đào tạo.

Gỡ điểm nghẽn chương trình phổ thông mới

Thực tế triển khai chương trình mới cho thấy còn khó khăn, thách thức, đặc biệt ở điều kiện thực hiện. Bộ GD&ĐT đưa ra giải pháp gì để khắc phục những khó khăn này trong năm học tới, thưa Bộ trưởng?

Về vấn đề đội ngũ giáo viên, không phải tất cả giáo viên đều sẵn sàng, đổi mới mình để thích nghi với công việc. Bên cạnh đó, một vấn đề lớn là thừa thiếu giáo viên cục bộ, trong đó thiếu giáo viên là vấn đề chủ đạo.

Áp lực của đổi mới và áp lực của cuộc sống (thu nhập không tăng, cơ hội việc làm rộng mở), một bộ phận giáo viên nghỉ việc, xuất khẩu lao động, đi làm ở các khu công nghiệp, làm tự do.

Bên cạnh đó, số lượng giáo viên nghỉ hưu, bình quân mỗi năm khoảng 10.000 người. Tình hình tuyển dụng ở các địa phương đang gặp nhiều khó khăn. Năm 2022, Bộ Chính trị, Ban Bí thư phê duyệt, giao cho Chính phủ bố trí hơn 27 nghìn biên chế/tổng số hơn 65 nghìn biên chế giáo viên, bù đắp được phần nào nhu cầu tuyển dụng.

Tuy nhiên, so với số lượng còn thiếu thì con số này vẫn khiêm tốn, chưa giải quyết được căn bản tình trạng thiếu giáo viên. Do đó, quan trọng nhất là làm sao có đủ giáo viên; làm sao để thầy cô thực sự sống bằng nghề, thấy được động viên và tiếp tục phấn đấu đổi mới và tự đổi mới.

Thời gian tới Bộ GD&ĐT sẽ chủ động khắc phục những vấn đề về chuyên môn để giáo viên thuận lợi hơn trong công việc, bớt đi căng thẳng áp lực. Bộ sẽ tăng cường hướng dẫn và nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp để thầy cô giảm bớt khó khăn, đặc biệt ở những môn học tích hợp cấp THCS.

Bộ cũng chỉ đạo ráo riết hơn nữa đối với các trường đại học sư phạm trong đào tạo nguồn giáo viên để đủ nguồn tuyển; điều chỉnh Nghị định 116, tháo gỡ một số vướng mắc liên quan đến cơ chế đặt hàng của địa phương cũng như hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm.

Bộ GD&ĐT đồng thời đang làm thủ tục trình Quốc hội cho phép tạm thời tuyển dụng giáo viên mầm non theo chuẩn của Luật Giáo dục cũ, đặt ra yêu cầu đến năm 2030 thầy cô phải đạt chuẩn. Đó cũng được coi là biện pháp tạm thời để có nguồn giáo viên linh hoạt cho môn Tin học, Ngoại ngữ.

Một số công việc quan trọng khác Bộ GD&ĐT đang triển khai như phối hợp với Bộ Nội vụ lấy ý kiến các bộ, ngành khác trình Chính phủ đề xuất nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, tiểu học; đề xuất thêm chính sách để các tỉnh khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, khó khăn có thể thu hút, tuyển được giáo viên.

Tôi cho rằng, với ngành giáo dục, có lẽ cần có nhất lúc này là một Nghị quyết giao cho Bộ GD&ĐT chuẩn bị và trình Chính phủ, Quốc hội các phương án tăng cường điều kiện đảm bảo cho đổi mới giáo dục. Nếu không có những điều kiện tối thiểu như đủ giáo viên, trường lớp; trường lớp được kiên cố, khang trang; đủ nhà công vụ cho giáo viên vùng xa; đủ nhà vệ sinh cho trường học; đủ trang thiết bị cho giáo dục; đủ đầu tư tài chính cho các hoạt động… thì chúng ta có nỗ lực cũng khó đạt được các kỳ vọng và mục tiêu lớn.

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Tiếp tục đổi mới

Từ 2021 đến nay, Bộ trưởng đã đảm nhiệm vị trí tư lệnh ngành giáo dục hơn nửa nhiệm kỳ, có thể thấy ngành đã làm được rất nhiều việc quan trọng. Vậy trong quãng thời gian tới đây, Bộ trưởng sẽ quan tâm, giải quyết những vấn đề nào?

Ngành giáo dục hiện còn rất nhiều việc lớn ở phía trước. Với đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, ở thời điểm này việc thực hiện Nghị quyết 29 của T.Ư Đảng đã được 10 năm và chúng tôi đang thực hiện việc tổng kết 10 năm thực hiện, đồng thời có những đề xuất trong những quan điểm chỉ đạo của T.Ư sắp tới.

Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu, tổng kết, đánh giá lại 10 năm đổi mới vừa qua và đề ra được những đường hướng để có thể phát huy những việc đã làm được, đồng thời điều chỉnh để làm tốt hơn nữa để đạt đến mục tiêu phát triển con người, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong chặng đường mà đất nước phát triển, hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục triển khai những yêu cầu của đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo chương trình mới còn chặng đường hơn 2 năm nữa sẽ hoàn tất từ lớp 1 đến 12.

Chúng tôi thấy rằng, đây là những năm quan trọng, vừa triển khai các nội dung còn lại, vừa đánh giá trong thực tế từng nội dung, từng công việc để năm 2025 có thể nhìn nhận tương đối đầy đủ cả quá trình đổi mới ở giáo dục phổ thông, sẵn sàng điều chỉnh để tốt hơn ở giai đoạn sau nếu xét thấy cần thiết.

Trong vài năm tới, chúng tôi xác định việc thử nghiệm và đưa vào triển khai trong thực tế chương trình giáo dục mầm non mới. Với cả ba khâu là giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục đại học cùng đồng thời đổi mới và đạt được chất lượng giáo dục thì mới có thể đem lại kết quả toàn diện của ngành.

Trước thềm năm học mới, Bộ trưởng gửi gắm điều gì tới học sinh, giáo viên và các bậc phụ huynh?

Trong rất nhiều diễn đàn gần đây của ngành giáo dục, Bộ GD&ĐT đã lưu ý tới các nhà trường, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cần lưu ý đến việc chia sẻ, vận động, trao đổi với phụ huynh. Ngành giáo dục đang trong quá trình đổi mới, một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo đổi mới kết quả tốt là sự phối hợp, sự chia sẻ, sự đồng hành phụ huynh.

Tôi mong rằng trong thời gian tới, năm học tới phụ huynh tiếp tục quan tâm tới tính mới trong giáo dục. Sự phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường là khâu quan trọng để đảm bảo cho học sinh có năm học an toàn, trường học có thể đạt được các mục tiêu của năm học.

Với đội ngũ giáo viên, học sinh, năm học mới cũng bắt đầu với rất nhiều nhiệm vụ và thử thách lớn phía trước. Đây cũng là năm trọng tâm của quá trình đổi mới của giáo dục, khó khăn nhiều, nhưng cũng hứa hẹn rất nhiều thành tựu ở phía trước.

Tôi mong rằng toàn thể nhà giáo và toàn thể học sinh tiếp tục nỗ lực, phấn đấu đổi mới, sáng tạo để hoàn thành tốt trách nhiệm của mình trước ngành, trước xã hội. Mong rằng toàn thể xã hội, các quý vị phụ huynh tiếp tục ủng hộ cho ngành giáo dục trong thời gian sắp tới.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Hà Cường /VTC.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận