1/3 số thí sinh không tham gia xét tuyển đại học có bất thường?

Những thí sinh có điểm thi tốt nghiệp thấp chủ động dừng "cuộc chơi" để chọn cho mình những con đường khác, những ngã rẽ khác...

 

Mấy ngày nay, số liệu thống kê từ hệ thống đăng ký xét tuyển Đại học của Bộ GD-ĐT làm dư luận xôn xao vì sự bất thường đó là có gần 35% thí sinh không đặt nguyện vọng xét tuyển Đại học. Vậy con số đó qua đối sánh có gì là bất thường hay không?

Năm nay quy chế tham gia đăng ký xét tuyển của Bộ GD-ĐT có một điểm khác biệt rất quan trọng: Đó là thí sinh sẽ đặt nguyện vọng sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, khác với những năm trước ở chỗ thí sinh thoải mái đăng ký nguyện vọng xét tuyển khi chưa biết kết quả kỳ thi tốt nghiệp phổ thông.

Trên thực tế, các trường Đại học, Cao đẳng đều đã khẳng định được vị thế của mình nên việc thí sinh căn cứ vào năng lực (cụ thể là kết quả thi tốt nghiệp THPT) để đăng ký nguyện vọng ưu tiên là điều hết sức bình thường không có gì phải xáo động.

(Ảnh minh họa)Bao năm nay, những người làm công tác tuyển sinh đều lo ngại tình trạng “thí sinh ảo" và tìm nhiều giải pháp để loại "ảo". Việc đưa ra quyết định: Thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển khi đã có kết quả thi tốt nghiệp THPT là một giải pháp hữu hiệu loại được tình trạng "ảo" cho việc xét tuyển Đại học. Bên cạnh đó, việc Bộ GD-ĐT quy định: các hình thức xét tuyển thẳng, xét tuyển bằng các chứng chỉ khác… phải được cập nhật theo thứ tự ưu tiên… cũng góp thêm một giải pháp loại trừ thí sinh ảo, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học thuận lợi hơn trong công tác tuyển sinh.

Trở lại với con số gần 35% thí sinh không đặt nguyện vọng xét tuyển qua đối sánh ta dễ dàng nhận thấy: tổng số thí sinh năm nay thấp hơn năm 2021 (lứa dê vàng 2003), bên cạnh đó do dịch bệnh Covid-19 đã được khống chế, số lượng thí sinh đi du học năm 2022 nhiều hơn so với năm 2021 và đặc biệt những thí sinh có điểm thi tốt nghiệp phổ thông thấp đã chủ động không tham gia xét tuyển Đại học. Đó là 3 lý do khiến cho tỷ lệ thí sinh không tham gia xét tuyển Đại học năm 2022 tăng.

Chúng ta có nhớ vài năm trước đây, có thí sinh điểm thi dưới 10 điểm vẫn đăng ký 10-20 nguyện vọng xét tuyển Đại học, Cao đẳng. Những trường hợp này không chỉ lãng phí tiền bạc mà còn làm cho công tác xét tuyển thêm phần phức tạp. Năm nay với những quy định rõ ràng, cụ thể, thiết thực, tình trạng này không xảy ra, phải khẳng định đó là thành công lớn của chính sách tuyển sinh.

Mặt khác, theo đề án tuyển sinh của các trường đại học, chỉ tiêu tuyển sinh của mỗi trường được quy định căn cứ vào quy mô, khả năng đào tạo của mỗi trường. Vì vậy, số liệu gần 35% thí sinh không tham gia xét tuyển cũng sẽ không làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu tuyển sinh của các trường. Không còn tình trạng "ảo", bức tranh tuyển sinh năm nay sẽ tiếp cận được mục tiêu: cơ sở giáo dục đại học nào thật sự tạo được uy tín với người học sẽ được nhiều thí sinh lựa chọn.

Học đại học vẫn là sự lựa chọn số 1 của các em học sinh sau khi tốt nghiệp THPT, nhưng không có nghĩa là 100% học sinh tốt nghiệp phổ thông đều vào đại học. Tùy năng lực, tùy điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình… mỗi người sẽ có sự lựa chọn, có con đường đi của riêng mình…

Bên cạnh những bác sỹ, kỹ sư, những nhà giáo… cũng cần có những người thợ, những cô bán hàng, những chú công nhân, những bác nông dân gắn bó với đồng ruộng, làm nên những mùa vàng…  Chúng ta mỗi người một ngành nghề để trở thành một cấu hình góp phần hoàn thiện bức tranh cuộc sống./.

Thu Lương/VOV2

 

Bình luận

    Chưa có bình luận