Chương trình lớp 10 ngổn ngang trước mục tiêu định hướng nghề nghiệp

Với mục tiêu định hướng nghề nghiệp, chương trình Giáo dục phổ thông 2018 triển khai từ lớp 1, lớp 2 đi sâu dần theo hướng hình trôn ốc.

 

Tuy nhiên, năm nay bắt đầu triển khai từ lớp 10 nhưng lớp 9 theo chương trình cũ nên chưa có sự liên thông...

Đánh giá về Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thầy Nguyễn Quang Tùng – Trường THCS&THPT M.V.Lômônôxốp, cho rằng chương trình đã mang tính khoa học cao, áp dụng thực tế ở Việt Nam và học tập được nhiều nền giáo dục tiên tiến, với mục tiêu rõ ràng là phân luồng, định hướng nghề nghiệp, học sinh được phát triển bản thân theo đúng phẩm chất, năng lực.

Riêng định hướng nghề nghiệp, chương trình 2018 triển khai từ lớp 1, lớp 2 đi sâu và tăng dần theo hướng hình trôn ốc. Tuy nhiên, theo thầy Tùng, năm nay bắt đầu triển khai từ lớp 10 nhưng lại chưa có sự liên thông từ lớp 9 (vì lớp 9 vẫn học theo chương trình cũ).

“Theo tôi định hướng năng lực học sinh phải có từ cấp 1 rồi hình thành lên cấp 2 để HS ở cấp 2 gần như hiểu bản thân mình, định hướng mình thích, có khả năng ở bộ môn nào, sử dụng môn học đó để áp dụng vào thi cử và làm việc sau này".

Chính vì thiếu sự liên thông này nên học sinh, phụ huynh cảm thấy lúng túng trong việc lựa chọn tổ hợp theo chương trình mới. "Do đó, chúng ta phải chấp nhận 1 -2 năm đầu chưa quen với chương trình mới", thầy Tùng nêu ý kiến.

Hoạt động tư vấn, hướng nghiệp tại Trường THPT M.V.Lômônôxốp.Quyền lựa chọn có thuộc về học sinh?

Dù có hàng trăm tổ hợp nhưng hiện chỉ có 5-15 tổ hợp được xây dựng ở mỗi trường, dựa trên cơ sở vật chất cũng như nhân lực hiện có.

Thầy Nguyễn Quang Tùng cho biết, ban đầu trường THCS&THPT M.V.Lômônôxốp dự định xây dựng 16 tổ hợp nhưng sau khi tính toán và tham khảo ý kiến cha mẹ HS đã co dần thành 7 tổ hợp. Trong quá trình đăng ký nguyện vọng, phụ huynh vẫn quen cách thức lựa chọn cũ với 2 tổ hợp Khoa học Tự nhiên và Khoa học xã hội còn thêm 1-2 môn tự chọn không quá quan trọng. Do đó, nhà trường tiếp tục co lại thành 5 tổ hợp với 11 lớp.

Tuy nhiên, khi đưa 52 tiết Lịch sử bắt buộc buộc sẽ thay đổi các tổ hợp bộ môn. "Hiện chúng tôi vẫn chờ hướng dẫn của Bộ GD-ĐT để chính thức được làm”- thầy Tùng chia sẻ.

Trong lúc chờ đợi hướng dẫn, nhà trường dự kiến, những HS lựa chọn các tổ hợp có Lịch sử sẽ vẫn giữ nguyên. Với các lớp học sinh có xu hướng lựa chọn môn tự nhiên, khi đưa Lịch sử thành môn học bắt buộc, trường sẽ giữ nguyên tổ hợp cũ nhưng cắt đi 1 môn trong 5 môn lựa chọn cũ. Hiện trường đã thông báo và đang nắm bắt tâm tư nguyện vọng của phụ huynh trước thay đổi này.

Lo lắng lớn nhất của phụ huynh hiện nay là con không được đáp ứng nguyện vọng, nếu một trong số các tổ hợp có quá nhiều học sinh đăng ký, vượt quá khả năng đáp ứng của nhà trường liệu có bị đẩy sang học các tổ hợp môn mà các bạn không lựa chọn, có hạn chế quyền lựa chọn của học sinh?

“Chúng tôi luôn đưa phụ huynh nguyện vọng 1, nếu không đáp ứng được thì chuyển nguyện vọng 2 chứ không thêm nguyện vọng 3 để đáp ứng mong muốn của phụ huynh và học sinh, thầy Tùng cho biết.

Hướng nghiệp không thể cục bộ trong các trường

Thầy Nguyễn Quang Tùng cho rằng hoạt động hướng nghiệp từ trước đến nay luôn có, dưới nhiều hình thức. Tuy nhiên, như tên gọi hoạt động ngoài giờ lên lớp, học sinh phải học xong mới đến phần này. Điều đó thể hiện vị thế của hướng nghiệp chưa được chú trọng.

Từ năm tới, thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp được đưa hẳn vào hoạt động giáo dục, là môn học bắt buộc và sẽ có vị thế cao hơn.

Theo thầy Tùng, hiện các trường THPT chưa có giáo viên chính để dạy hướng nghiệp. Ví dụ, Trường THCS&THPT M.V.Lômônôxốp phân công dạy môn hướng nghiệp là giáo viên chủ nhiệm và phải tập huấn, mời chuyên gia về giảng dạy giáo viên kỹ năng, cách thức, các bài test hướng nghiệp.

Ngoài điều kiện giáo viên, thầy Tùng cho rằng tới đây, cần phải có hệ sinh thái để hướng nghiệp, các nhà trường phải mở rộng thêm phòng thực hành, các trường ĐH cũng phải vào cuộc cùng với trường phổ thông, các doanh nghiệp phải hình thành việc hỗ trợ các trường phổ thông.

Chúng tôi mong rằng sau này doanh nghiệp cũng mở lòng hơn với các nhà trường để các trường cho học sinh đi thực tế nhiều hơn và chúng tôi có thể “dịch chuyển không gian lớp học” để học sinh trải nghiệm, có kế hoạch, có bài thu hoạch và đạt được mục tiêu trong chương trình học của HS, từ đó các em nhớ lâu và hiểu vấn đề. Việc học gạo cần được xóa bỏ.

“Tôi tin sau 5-7 năm chương trình sẽ đạt được mong muốn còn ngay từ đầu không thể tránh khỏi khó khăn, phải “vừa làm vừa gỡ” cùng sự chung tay của toàn xã hội thì học sinh sẽ được hưởng chương trình tốt và nền giáo dục tiên tiến.

Một chương trình lớn mang yếu tố con người bao giờ cũng khó khăn nhưng vài năm sau chúng ta sẽ làm tốt và học sinh sẽ được hưởng lợi từ điều đó”, thầy Tùng đánh giá./.

Phương Lan/VOV2

 

Bình luận

    Chưa có bình luận