Lịch sử trở thành môn học bắt buộc ở 'phút 89': Các trường bối rối chờ hướng dẫn

Lịch sử trở thành môn học bắt buộc khi chỉ hơn 1 tháng nữa là vào năm học mới khiến các trường lúng túng và đang nóng lòng chờ hướng dẫn..

 

Kế hoạch bị đảo lộnvào “phút 89”

Giữa tháng 7, Bộ GD-ĐT ban hành kế hoạch xây dựng chương trình Lịch sử phần bắt buộc cấp trung học phổ thông (THPT) với thời lượng 52 tiết cho mỗi năm học lớp 10, 11 và 12. Với thay đổi liên quan đến môn Lịch sử, số môn và hoạt động bắt buộc tăng từ 7 lên 8. Vì vậy,dự kiến các trường xây dựng tổ hợp chỉ 4 môn lựa chọn thay vì 5.

Tuy nhiên, đến thời điểm này hầu hết các trường đã và đang hoàn thành thủ tục nhập học cho học sinh (HS)trúng tuyển vào lớp 10. Khi nhập học, các em đều đã đăng ký tổ hợp theo học. Với những thay đổi trên, trường phải họp để sắp xếp lại các tổ hợp môn sao cho đúng với quy định và HS sẽ phải chọn lại các tổ hợp. Thế nhưng, do chưa có hướng dẫn cụ thể từ Bộ về việc xây dựng tổ hợp môn lựa chọn, các địa phương chưa có hướng dẫn gì nên nhiều trường chỉ biết chờ đợi…

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện Sở đang chờ hướng dẫn cụ thể từ Bộ. Khi có quy định rõ ràng, Sở sẽ có hướng dẫn tới các trường THPT. Hiệu trưởng một trường THPT ở TP Thủ Đức cho biết, từ cuối tháng 4 trường đã xây dựng 10 tổ hợp môn lựa chọn định hướng Khoa học tự nhiên và 5 tổ hợp Khoa học xã hội cho học sinh. Nay Lịch sử trở thành môn bắt buộc, nhà trường phải thiết kế lại tổ hợp 4 môn lựa chọn."Đến nay, Bộ vẫn chưa nói rõ là 4 môn lựa chọn có buộc phải nằm trong ba nhóm môn như cũ hay không. HS đã nhập học nhưng trường không biết trả lời phụ huynh thế nào", vị hiệu trưởng này cho biết.

Lãnh đạo một Trường THPT của huyện Ba Vì, Hà Nội cho biết, trường bị xáo trộn và phải xây dựng lại kế hoạch dạy và học. Trường đang huy động tập trung kiểm tra, xây dựng các tổ hợp môn mới trên cơ sở quán triệt thực hiện yêu cầu của Bộ, nguyện vọng HS, tổ chức giáo viên hiện có, sau đó sẽ tiến hành cho HS đăng ký lại. Theo kế hoạch mới của Bộ, dự kiến Lịch sử có 52 tiết bắt buộc/năm học. Câu hỏi đặt ra là, sau khi dạy đủ 52 tiết học này thì sẽ sắp xếp lại thời khóa biểu như thế nào và các tiết tự chọn sẽ sắp xếp dạy ra sao? Nhất là chương trình Lịch sử phần lựa chọn là các kiến thức chuyên, nâng cao hơn. Lúc này, việc thiết kế thời khóa biểu, phân mô hình lớp học như thế nào để vừa đảm bảo dạy Lịch sử đại trà và dạy Lịch sử chuyên sâu cho từng đối tượng HS.

Còn Trường THCS&THPT M.V Lômônôxốp (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) theo dự kiến cũ, trường xây dựng 7 tổ hợp môn lựa chọn. Với thay đổi từ Bộ, trường chỉ mới tính toán sơ bộ. Theo đó, với các tổ hợp đã có môn Lịch sử, trường giữ nguyên do Lịch sử trở thành môn bắt buộc, tổ hợp từ 5 môn tự nhiên sẽ thành 4 môn. Đối với các tổ hợp chưa có Lịch sử, trường phải rút bớt một môn ở tổ hợp lựa chọn.Để chuẩn bị, trường Lômônôxốp sẽ tham khảo ý kiến HS và phụ huynh trong hai buổi gặp mặt vào ngày 23-24/7. Sau đó, nhà trường sẽ rút một môn phù hợp với nguyện vọng của HS và phụ huynh.

Các chuyên gia lo ngại, trong vòng khoảng 2 tháng, rất khó để Bộ GD-ĐT và các chuyên gia có thể biên soạn được nội dung phù hợp với HS đại trà.Bên cạnh đó, toàn bộ sách giáo khoa môn Lịch sử đã in và phát hành, nếu giờ phải sửa lại nội dung thì số sách giáo khoa này sẽ được xử lý lại như thế nào.

 

“Việc thay đổi môn Lịch sử thành môn học bắt buộc đã tác động nhiều đến các trường, như việc xây dựng tổ hợp môn, kế hoạch giảng dạy, thời khóa biểu... Chính vì thế, Sở đã quán triệt tinh thần các trường phải tập trung nghiên cứu để đưa ra giải pháp điều chỉnh sao cho đáp ứng yêu cầu của Bộ. Hiện tại, Sở vẫn chưa có hướng dẫn thêm nào cho các trường vì còn chờ chỉ đạo của Bộ…”. Bà Hà Thị Khánh Vân, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Lạng Sơn

Cần hướng dẫn sớm để các trường kịp triển khai

Đổi mới cách dạy học môn Lịch sử là “mấu chốt” chứ không phải cứ là môn học bắt buộc thì HS sẽ thích.

Mong muốn nhất hiện nay của các trường là Bộ GD-ĐT sẽ có thêm những hướng dẫn cụ thể về việc triển khai dạy môn Lịch sử bắt buộc như thế nào để các trường làm căn cứ lên kế hoạch, xây dựng các mô hình lớp phù hợp, đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. Bà Hà Thị Khánh Vân, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Lạng Sơn cho rằng, việc thay đổi này đã tác động nhiều đến các trường THPT trên địa bàn toàn tỉnh.Toàn bộ công tác xây dựng thời khóa biểu, thiết kế chương trình học Lịch sử nói riêng và các môn học khác nói chung phải chờ hoàn thành kế hoạch tập huấn thì Sở mới có căn cứ để triển khác các khâu tiếp theo.Ngoài ra, Sở đã quán triệt tinh thần toàn bộ giáo viên bộ môn Lịch sử từ đại trà đến chuyên sâu đều phải được tập huấn chương trình sách giáo khoa mới.“Hy vọng, Bộ sẽ sớm ban hành những chỉ đạo tiếp theo để Sở hướng dẫn cho các trường được cụ thể, chính xác và đồng bộ”, bà Vân nhấn mạnh.

Còn ông Lê ViệtDương, Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng cho biết, từ tháng 5 trường đã công bố 6 tổ hợp trên trang web của trường nhưng mới đây có quyết định môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc thì trường sẽ phải xây dựng lại các tổ hợp. Tuy nhiên đến nay Bộ và Sở chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc triển khai như thế nào nên trường đành chờ, chưa thể sắp xếp được các tổ hợp. Lãnh đạo một số trường cũng lo lắng, khi xây dựng các tổ hợp môn, tình trạng có môn được chọn nhiều, có môn ít hoặc không HS nào đăng ký; thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở từng trường sẽ xảy ra, buộc các trường phải cân đối và định hướng thêm cho HS dựa trên khả năng thực tế. Còn các giáo viên dạy Lịch sử cũng băn khoăn, việc cấp tập điều chỉnh nội dung chương trình, tập huấn, in tài liệu hướng dẫn toàn bộ giáo viên, các trường trên cả nước liệu có đạt hiệu quả như mong đợi?

Tránh“nhồi nhét” kiến thức, đổi mới cách dạy

Theo các chuyên gia giáo dục, việc Lịch sử là môn học bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học không phải là nặng nhưng mấu chốt ở đây là việc đổi mới cách giảng dạy chứ không phải cứ là môn học bắt buộc thì HS sẽ thích.

Chị Quỳnh Nga, một phụ huynh ở Hà Tĩnh cho rằng: “Quan trọng là chắt lọc lại nội dung học và thời lượng của từng môn cho phù hợp. Không có môn học nào là khô khan cả. Điều quan trọng nhất để HS ham học là truyền bá được tư tưởng học để làm người cho mỗi học sinh. Khi các emnhận thức rõ được điều đó thì kể cả Lịch sử, Địa lý hay Giáo dục công dân... đều là các môn học hay và hứng thú”.

Là một trong những giáo viên lên tiếng mạnh mẽ đề nghị Lịch sử là môn học bắt buộc, thầy Lê Đình Hiển, giáo viên Trường Tiểu học, THCS & THPT Đông Bắc Ga (Thanh Hóa) cho rằng, ở đây không phải vấn đề có nhiều tiết dạy Lịch sử là HS sẽ được học nhiều và biết nhiều về Lịch sử, mà muốn môn Lịch sửtrở thành môn học mà HS không còn “sợ” nữa thì phải tinh gọn chương trình và giảm tải kiến thức cho các em.

Với khối lượng công việc, thời gian cũng như kế hoạch thực hiện dạy môn Lịch sử vừa được Bộ ban hành liệu việc triển khai có đảm bảo chất lượng, là vấn đề khiến dư luận băn khoăn!.

 
“Việc đưa môn Lịch sử trở thành môn bắt buộc là việc đương nhiên cần làm với một môn học có vị thế đặc biệt. Đối với Lịch sử trong chương trình bắt buộc 52 tiết không nên nặng nề về kiến thức chiều rộng mà chỉ cần cho các em hiểu những kiến thức căn bản về Lịch sử. Đi sâu vào một số ít nội dung cụ thể của lịch sử Việt Nam…”. Thầy Lê Đình Hiển, giáo viên Trường Đông Bắc Ga (Thanh Hóa)

Bộ GD-ĐT xây dựng, lựa chọn, điều chỉnh, thẩm định chương trình Lịch sử cấp THPT phần bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học. Cùng đó, biên soạn, thẩm định tài liệu tập huấn thực hiện chương trình Lịch sử bắt buộc; Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán của các Sở GD-ĐT về hướng dẫn thực hiện chương trình Lịch sử. Bộ yêu cầu Vụ Giáo dục Trung học thành lập Ban phát triển chương trình Lịch sử cấp THPT và thực hiện nhiệm vụ xây dựng, rà soát, điều chỉnh chương trình; biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình. Thời gian hoàn thành các việc này trước ngày 25/8/2022.

Thành lập và tổ chức thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình Lịch sử cấp THPT phần bắt buộc đối với lớp 10, lớp 11, lớp 12. Thời gian hoàn thành trước ngày 15/8/2022.


 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận