Tuyển sinh 2022: Lọc ảo chung - khó cho trường và thí sinh

Việc chờ đợi để cùng lọc ảo chung cho tất cả các phương thức khiến cả thí sinh và các trường đều gặp khó.

 

Theo dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ lọc những thí sinh ảo chung cho tất cả phương thức tuyển sinh của các trường đại học sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, hiện mỗi trường đại học đều áp dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, tuyển sinh nhiều đợt, nên việc chờ đợi để cùng lọc ảo chung cho tất cả các phương thức khiến cả thí sinh và các trường đều gặp khó.

Dịch COVID-19 khiến kết quả học cả năm lớp 11 và lớp 12 của Nguyễn Trung Hiếu, học sinh Trường THPT Phan Bội Châu (Hà Nội) bị ảnh hưởng không nhỏ. Để chắc chắn có một suất vào đại học nên Hiếu đã đăng ký xét tuyển học bạ trước vào một số trường đại học. Thế nhưng, thay vì biết kết quả có trúng tuyển hay không ngay sau mỗi đợt xét tuyển như năm ngoái, thì có thể em vẫn phải chờ đến khi thực hiện lọc ảo xét tuyển đợt 1 đào tạo chính quy cho tất cả các phương thức tuyển sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong dự thảo quy chế mới năm nay.

Hiện mỗi trường đại học đều áp dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, tuyển sinh nhiều đợt, nên việc chờ đợi để cùng lọc ảo chung cho tất cả các phương thức khiến cả thí sinh và các trường đều gặp khó.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến triển khai lọc ảo chung cho tất cả các phương thức xét tuyển của các trường đại học được nhận định là có thể thuận lợi cho các trường top trên, nhưng sẽ là khó cho các trường top giữa và top dưới. Bởi nếu như những năm trước, với phương thức xét học bạ, các trường có thể chủ động xác định tỷ lệ trúng tuyển từ sớm, nhưng việc phải chờ lọc ảo chung một đợt muộn như năm nay thì sẽ khó khăn hơn. Ông Dương Trung Kiên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện Lực cho biết: “Sau khi xét rồi thì vẫn phải chờ lọc ảo của phía Bộ. Do đó nên sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch cũng như gây khó khăn cho công tác dự kiến kế hoạch, cũng như phương án xây dựng điểm chuẩn của các trường, ví dụ như trường ở top 2 và các trường ở top thấp hơn thì tôi nghĩ còn khó khăn hơn nữa”.

Không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ và kế hoạch tuyển sinh của nhiều trường mà việc hệ thống lọc ảo chung cho tất cả các phương thức xét tuyển sẽ thực hiện như thế nào, quá trình lọc ảo ra sao, cần có sự thay đổi gì trong cách thức đăng ký xét tuyển của thí sinh để lọc ảo chung hay không thì các trường hiện vẫn chưa có thông tin. Cùng với đó, nếu thực hiện lọc ảo chung thì đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các trường, cũng như các thí sinh trong việc thống nhất cách thức đăng ký cho từng nguyện vọng và từng phương thức để tránh nhầm lẫn. Ông Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ và ông Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu ý kiến: “Chúng tôi đang chờ quy chế tuyển sinh chính thức cũng như hệ thống phần mềm lọc ảo của Bộ. Thời điểm này chắc cũng sẽ mất thời gian và cũng sẽ làm cho các trường có thể là việc điều chỉnh lùi kế hoạch xét chuyển sớm một thời gian. Đối với cán bộ làm công tác tuyển sinh của các trường đại học cũng như tập huấn cả đối với thí sinh, để làm sao thí sinh hiểu được rất rõ khi đưa ra quyết định xác nhận nhập học, không bị làm lại mà không có sự nhầm lẫn. Bởi vì khi các em đã tích nhập học ở trương này thì các em không được quyền đăng ký nhập học ở trường khác nữa”.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, hiện các trường đại học đang triển khai hơn 20 phương thức xét tuyển, mỗi phương thức xét tuyển lại có thời gian, tiêu chí và điều kiện xét tuyển khác nhau ở mỗi trường, nên ảo trong tuyển sinh là tất yếu. Thực tế từ những năm trước, các trường đã có kinh nghiệm để xử lý vấn đề thí sinh ảo ở mỗi phương thức xét tuyển. Vì thế, trong khi thay đổi vừa gây phiền hà cho các thí sinh, các trường mà Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tự làm khó chính mình, thì việc tuyển sinh nên để các trường đại học được tự chủ./.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận