Nhiều trường THPT ở Hà Nội khó đảm bảo giãn cách khi học sinh đi học trở lại

Hiện nhiều trường vẫn còn những lo ngại nhất định về đảm bảo an toàn cho học sinh quay lại trường học trực tiếp…

 

Theo thông báo của UBND TP Hà Nội, từ ngày 6/12, các trường THPT, Trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp tại các đơn vị xã /phường/thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã có mức độ dịch cấp 1, cấp 2 trong vòng 14 ngày tính đến ngày 30/11 không có các ca F0 trong cộng đồng, sẽ được tổ chức dạy học trực tiếp tại trường.

Trao đổi với VOV.VN sáng nay (3/12), ông Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Hồng Thái (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, trường vẫn đang đợi hướng dẫn cụ thể từ Sở GD-ĐT Hà Nội và UBND quận Ba Đình, tuy nhiên, xét theo cấp độ dịch, thì trường THPT Phạm Hồng Thái sẽ nằm trong nhóm được tổ chức dạy học trực tiếp từ ngày 6/12.

Trường THPT Phạm Hồng Thái có 1.888 học sinh, trong đó chủ yếu là học sinh các quận Ba Đình và Tây Hồ, một số ít các em đến từ các quận, huyện khác. Ngay khi nhận được kế hoạch về tổ chức dạy học trực tiếp, trong sáng nay, trường đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm các lớp rà soát, nắm tình hình dịch tễ của từng học sinh, phân loại, lập danh sách những em đủ điều kiện đến trường và những em tiếp tục học trực tuyến. Bên cạnh đó, trường cũng khẩn trương tổ chức dọn vệ sinh trường lớp.

Trường THPT Phạm Hồng Thái tiến hành vệ sinh trường lớp chuẩn bị đón học sinh trở lại trường.

Ông Nguyễn Hồng Sơn cho biết, thời gian qua, dù học sinh không đến trường, nhưng nhà trường luôn trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng để có thể đi học trở lại bất cứ lúc nào, cơ sở vật chất vẫn thường xuyên được vệ sinh, khử khẩn.

Nói về việc tổ chức dạy học trực tiếp, ông Nguyễn Hồng Sơn cho hay: “Hiện nay trường có 2 học sinh là F0, 1 học sinh F1. 100% giáo viên, cán bộ toàn trường đã được tiêm 1 mũi vaccine phòng Covid-19 và 99% đã tiêm mũi 2, chỉ còn 1-2 giáo viên chưa tiêm mũi 2 do đang có vấn đề về sức khỏe. Với học sinh, toàn trường có 1.888 em, thì đã có 95,7% học sinh đã tiêm mũi 1, một số học sinh chưa tiêm do có cơ địa dị ứng, mắc bệnh nền và một số em còn lo lắng nên quyết định chưa tiêm.

Tổ chức dạy học trực tiếp trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi cũng rất lo lắng, trường đóng tại địa bàn phường Cống Vị đang ở cấp độ 2 về dịch, nhưng học sinh đến từ nhiều phường, thậm chí từ nhiều quận khác nhau, nên việc đảm bảo an toàn là nỗi lo lớn của nhà trường. Trước mắt, giải pháp tốt nhất là đẩy mạnh tuyên truyền để phụ huynh và học sinh tự ý thức trong công tác phòng chống dịch, khi học sinh đến trường cũng sẽ tiến hành phân luồng, tuy nhiên cũng rất khó để đảm bảo giãn cách”, ông Sơn cho ngại.

Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Hồng Thái cho biết thêm, mỗi lớp hiện có 45 học sinh, diện tích mỗi phòng là 54m2, ngay cả khi kê sát bàn vào các góc phòng để tăng khoảng cách thì cũng sẽ không đáp ứng yêu cầu về giãn cách, trước mắt nhà trường sẽ yêu cầu học sinh đeo khẩu trang trong suốt quá trình từ nhà đến trường và trong lớp học. Các hoạt động tập thể như chào cờ, thể dục giữa giờ cũng sẽ được tổ chức ngay tại lớp để hạn chế việc tụ tập đông người. Nếu chỉ tổ chức học trực tiếp với 50% sĩ số thì mới có thể đáp ứng yêu cầu về khoảng cách.

Ông Nguyễn Hồng Sơn cho biết thêm, trong các kịch bản mà trường xây dựng cũng đã tính đến trường hợp có thể có một số phụ huynh chưa muốn cho con đi học trực tiếp do lo ngại về dịch bệnh, trường sẽ lắp đặt hệ thống camera tại các lớp để học sinh học trực tuyến cùng các bạn.

Khu vực bồn rửa tay được vệ sinh sạch sẽ, đẩy đủ nước rửa tay, sát khuẩn.

Ông Đặng Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng cho biết, trường đang đợi chỉ đạo cụ thể từ Sở GD-ĐT cũng như UBND quận Hoàng Mai về việc tổ chức dạy học trực tiếp. Bên cạnh đó, Trường THPT Trương Định cũng đang gấp rút làm vệ sinh trường lớp, chuẩn bị các điều kiện cần thiết, lên danh sách học sinh đủ điều kiện đến trường học trực tiếp.

Kết quả rà soát cho thấy, trong tổng số 2.060 học sinh, hiện có 1 học sinh là F0 và 9 học sinh F1. Giáo viên chủ nhiệm các lớp vẫn đang tiếp tục rà soát các trường hợp học sinh đủ điều kiện đến trường. Trường hợp học sinh không thể đến trường học trực tiếp, nhà trường cũng tính đến phương án sẽ gộp những học sinh này theo từng khối lớp và tổ chức cho các em học trực tuyến qua camera gắn lại lớp học.

Về việc tiêm phòng vaccine Covid-19, trường THPT Trương Định còn khoảng hơn 100 học sinh chưa tiêm do có cơ địa dị ứng, đang trong thời gian cách ly…

Nói thêm về việc đón học sinh trở lại trường, ông Đặng Văn Dũng vẫn còn những băn khoăn: “Sở GD-ĐT yêu cầu các trường phải đảm bảo an toàn khi học sinh trở lại trường, nhưng trong các tiêu chí về an toàn có việc giãn cách học sinh sẽ rất khó thực hiện. Toàn trường có 48 lớp, mỗi lớp có sĩ số từ 40-46 học sinh, bàn dài 1,2m. Trường phải chia làm 2 ca, lớp 12 và một nửa khối lớp 10 học buổi sáng, lớp 11 và một nửa còn lại lớp 10 học buổi chiều. Như vậy mỗi ca học có 24 lớp đã được xếp kín vào 24 phòng học hiện có, trường chưa tính được phương án nào để có thể giãn cách đảm bảo theo yêu cầu.

Bên cạnh đó, hiện nay hầu hết học sinh trên toàn thành phố mới được tiêm 1 mũi vaccine phòng Covid-19, vậy giả sử trong trường hợp xấu nhất, có học sinh mắc Covid-19 thì việc tiêm chủng này đã đủ để giảm bớt nguy cơ diễn biến bệnh nặng cho các con hay chưa. Là thầy giáo, đồng thời là một phụ huynh có con nhỏ đi học, bản thân tôi cũng có rất nhiều lo lắng khi cho các con đi học trong khi hàng ngày vẫn có các ca mắc trong cộng đồng”.

Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định cho rằng, việc học tập quan trọng, nhưng việc đảm bảo sức khỏe cho học sinh còn quan trọng hơn nữa. Do đó, có thể cân nhắc tổ chức dạy, học trực tiếp theo lộ trình với học sinh cuối cấp, hoặc tổ chức dạy học trực tiếp sau khi tiêm vaccine mũi 2.

Đánh giá việc tổ chức dạy học trực tiếp hiện nay là điều không dễ dàng, ông Đặng Việt Dũng cho rằng, để đảm bảo an toàn cho học sinh, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và phụ huynh.

“Tại trường THPT Trương Định đã xảy ra trường hợp phụ huynh đang cách ly và sau đó trở thành F0 nhưng không báo lại nhà trường, vẫn để học sinh tự đến trường và tham gia tiêm vaccine cùng các bạn khác. Đến khi chính học sinh này trở thành F0 thì gia đình mới báo lại. Trường hợp này rất may mắn đã khoanh vùng cách ly kịp thời, hiện nay các F1 sức khỏe vẫn ổn định và chưa phát hiện F1 trở thành F0.

Hay năm 2020, có trường hợp học sinh bị sốt nhiều ngày nhưng bố mẹ vẫn cho con đi học, dặn con không được báo cáo với thầy cô việc bị ốm vì sợ sẽ phải nghỉ học, bị hổng kiến thức. Đến khi giáo viên phát hiện, học sinh mới nói thật đã bị sốt vài ngày nay. Trường hợp này may mắn học sinh chỉ bị sốt virus thông thường” ông Dũng cho biết.

Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định cho rằng, nhiều học sinh, phụ huynh, đặc biệt với những lớp cuối cấp rất lo lắng về việc học và thi cử. Song việc thi sẽ được triển khai phù hợp với điều kiện dạy và học trực tuyến dài ngày. Do đó, học sinh và phụ huynh không nên quá lo lắng, đặc biệt khi học sinh đi học trực tiếp cần sự phối hợp chặt chẽ với nhà trường, đảm bảo nguyên tắc 1 cung đường, 2 điểm đến.

Ông Hoàng Đức Thuận, THPT Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho biết trường vừa tiến hành vệ sinh trường lớp, vừa đợi quyết định của UBND quận Thanh Xuân về việc tổ chức dạy học trực tiếp.

“Trường THPT Khương Đình nằm tại vùng vàng nhưng học sinh lại đến từ nhiều quận như Thanh Xuân, Đống Đa, Cầu Giấy… Hiện chúng tôi đã lên các phương án dự phòng, rà soát phân loại học sinh, khi có quyết định từ UBND Quận, trường sẽ tiến hành theo từng kịch bản. Trong ngày mai, trường cũng sẽ tổ chức cho giáo viên diễn tập lại tình huống khi phát hiện học sinh F0 để đảm bảo sẵn sàng ứng phó”, ông Thuận cho biết./.

Theo Nguyễn Trang/VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận