'Văn hóa số' tác động mạnh đến văn hóa học đường

Văn hóa tiêu cực đang có chiều hướng lan rộng trong các nhà trường. Xuất hiện những hiện tượng bất thường như đổi tình lấy điểm, bạo lực học đường…

 

Nhiều hiện tượng bất thường nhân cách

Khi bạn đánh nhau thay vì can ngăn các em lại cổ vũ và  quay clip để tung lên mạng.

Nhóm nghiên cứu thuộc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh chỉ ra, thời gian qua một số vụ việc nổi cộm liên quan nhà giáo không chuẩn mực trong giao tiếp, có hành vi và thái độ xúc phạm tinh thần, thể chất, bạo hành học sinh có xu hướng gia tăng. Tình trạng chạy điểm, chạy hồ sơ, học bạ; người làm công tác giáo dục chưa thực hiện tốt văn hóa nêu gương... đã gây bức xúc lớn trong dư luận. Lý do học sinh đánh nhau vẫn bắt đầu từ những chuyện rất vụn vặt như “nhìn đểu”, không cho chép bài, bình luận, nói xấu nhau trên mạng xã hội nhưng mức độ đánh nhau ngày càng nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), cũng cho rằng: “Sự quan tâm đến văn hóa học đường hiện nay là chưa đủ. Chúng ta mới chỉ đang lấy điểm số, kết quả từ những kỳ thi để làm thành tích báo cáo, đánh giá chất lượng. Nếu bây giờ chúng ta cũng lấy thước đo văn hóa học đường của mỗi trường làm thành tích, thống kê về mức độ hài lòng của học sinh, của giáo viên... để đánh giá, so sánh, thì có lẽ sẽ có nhiều thay đổi”.

GS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP.HCM, lo lắng về các vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học, trong đó các vụ án hình sự ngày càng gia tăng. Đáng lo ngại là khi bạn đánh nhau, thay vì can ngăn, nhiều học sinh lại cổ vũ, quay video rồi tung lên mạng. GS Hồng cũng cho biết, khi khảo sát các trường học, vào trang web của nhiều trường phổ thông ở TP.HCM, ông chưa thấy các trường phổ thông xây dựng bộ tiêu chí văn hóa nhà trường.

GS Trần Ngọc Thêm, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng: “Ba căn bệnh: “bệnh thành tích”, “bệnh phong trào” và “bệnh đối phó” đang tồn tại ở cả người học, phụ huynh và nhà quản lý dẫn đến tật xấu thứ tư là “bệnh giả dối”. Lan tràn trong xã hội là vấn nạn học giả bằng thật, là nạn quay cóp trong thi cử ở bậc phổ thông; việc sao chép trong làm tiểu luận, viết luận văn luận án cũng gặp không ít ở bậc đại học và sau đại học. Giả dối có thể xem như một căn bệnh đặc thù”…

GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chia sẻ thông tin, theo thống kê của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), năm 2020 Việt Nam là 1 trong 20 nước có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới. Văn hóa học đường chịu ảnh hưởng bởi nhiều tác động, trong đó có văn hóa của Internet và văn hóa mạng. Bối cảnh chuyển đổi số cho thấy văn hóa số có những tác động rất sâu sắc đến văn hóa học đường…

*GS.TS Huỳnh Văn Sơn: Văn hóa học đường cần được xem xét, cải tiến

“Theo báo cáo của Microsoft năm 2020, chỉ số văn minh trên không gian mạng của Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia thấp nhất thế giới. Khảo sát của Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội năm 2017, các trường hợp phát ngôn gây thù ghét của người dùng mạng tại Việt Nam tập trung ở: Nói xấu, phỉ báng; vu khống, bịa đặt thông tin; kỳ thị dân tộc; kỳ thị giới tính... Đây là một trong những dữ liệu cho thấy thực trạng văn hóa học đường của Việt Nam cần được xem xét, cải tiến, nhất là sự quan ngại về tác động của thực trạng này đến trẻ em, học sinh vị thành niên”.

Cần xác định các giá trị, chuẩn mực, niềm tin

*Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: Văn hóa học đường trước hết bắt đầu từ thầy và trò

“Văn hóa học đường là vấn đề rất lớn, rất hệ trọng, rất nhiều việc phải làm phía trước. Trường học không phải là ốc đảo tách biệt, văn hóa học đường là một phần của văn hóa quốc gia, xã hội. Cho nên gây dựng, phát triển văn hóa học đường trước hết bắt đầu từ thầy và trò trong nhà trường nhưng có thành công hay không là chuyện của tất cả”.

TS Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), nhấn mạnh: “Cho đến nay, nhận thức về vai trò của văn hóa học đường trong việc nâng cao chất lượng giáo dục còn khá mờ nhạt. Ngay trong việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nói chung, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông nói riêng, khi bàn đến các nhiệm vụ và giải pháp, tuyệt nhiên không có nội dung nào liên quan đến việc xây dựng văn hóa học đường”. Ông cho rằng, để có những con người phát triển toàn diện, Việt Nam phải đặt giáo dục giá trị ngang hàng với giáo dục năng lực và được dạy xuyên suốt chương trình chứ không chỉ trong một vài môn học như hiện nay.

Theo PGS.TS Trần Huy Hoàng, Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam thì Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 chỉ mới triển khai một phần nhỏ giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh. “Nên chăng, chúng ta cần hình thành giá trị cốt lõi để các em thấy được giá trị đặc trưng của con người, công dân Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay” - TS Hoàng đề xuất.

Còn theo GS Trần Ngọc Thêm, trong cuộc khảo sát năm 2020 của đề tài cấp Nhà nước về triết lý giáo dục, trả lời câu hỏi về những tật xấu mà học sinh - sinh viên Việt Nam cần tránh thì “bệnh thụ động” đứng ở vị trí thứ tư (chiếm 67,3%); “thói dựa dẫm, ỷ lại” đứng thứ tám (chiếm 57,5%)... Theo GS Trần Ngọc Thêm, để có con người sáng tạo, cần coi trọng bản lĩnh, đề cao dân chủ trong giáo dục. Để phát triển năng lực sáng tạo và tư duy phản biện, cần chống việc nhồi nhét kiến thức, chống học thuộc lòng. Bên cạnh đó, cần chống bệnh thành tích, bệnh phong trào và bệnh đối phó. Các căn bệnh này có ở cả người học, phụ huynh và nhà quản lý. Trong quá trình đổi mới giáo dục đang triển khai, các bệnh này tiếp tục được thể hiện ở tâm lý nóng vội, muốn có kết quả nhanh bằng cách làm chắp vá theo kiểu “cuốn chiếu” (ví dụ cụ thể nhất là trong xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa…).

Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định: “Xây dựng văn hóa học đường, khắc phục tồn tại hạn chế, đẩy lùi bệnh thành tích, tôn vinh sự trung thực trong giáo dục, phấn đấu đạt mục tiêu: “Học thật, thi thật, nhân tài thật”. Bộ trưởng yêu cầu: “Điều đầu tiên là nhà trường, thầy trò cần củng cố và tuân thủ pháp luật, tuân thủ các nguyên tắc, hoàn thiện và triển khai tốt bộ quy tắc ứng xử trong trường học, có như vậy mới rõ ràng để thực thi, có chỗ để thưởng phạt, khen chê. Trường học ngay ngắn, thầy ra thầy, trò ra trò mới có thể nói tới các giá trị khác được”./.

 

Ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội: Nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn hiện nay

“Văn hoá học đường chính là vấn đề quan trọng thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, những con người có đủ đức, đủ tài đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới và xu thế hội nhập quốc tế. Đây là nhiệm vụ cấp bách và rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống, xã hội, trong đó có giáo dục và đào tạo”.

 

TS Phạm Đỗ Nhật Tiến: Cần xây dựng văn hóa mạng

          “Cùng với việc tổ chức thực hiện nghiêm túc Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, cần từng bước tiến tới xây dựng văn hóa mạng, trước hết là văn hóa mạng trong nhà trường. Trong phạm vi giáo dục nhà trường thì văn hóa mạng giờ đây có sự giao thoa với văn hóa học đường. Ngành giáo dục cần xác định các giá trị, chuẩn mực, niềm tin mà thầy và trò cùng chia sẻ, theo đuổi trong quan hệ ứng xử với không gian mạng, hướng đến văn hóa mạng tích cực đồng hành với văn hóa học đường…”.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận