'Nhà giáo số'- Lực lượng tiên phong thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục

Đại dịch Covid-19 đặt ra nhiều thách thức cho ngành giáo dục,tuy nhiên đây cũng là 'cú huých' để ngành dần trở thành lực lượng tiên phong trong chuyển đổi số.

 

Nỗ lực vượt “lối mòn”

Trước khi đại dịch bất ngờ xảy ra, giáo dục Việt Nam hầu như ít quan tâm đến giảng dạy trực tuyến (online). Bởi vậy các giáo viên (GV) ít được tập huấn và điều kiện cơ sở vật chất như: máy tính, mạng internet vẫn chưa đáp ứng được. Hơn ai hết, GV vẫn là những người vất vả nhất.

Thời lượng chương trình dạy học online dù đã được giảm tải đáng kể so với học trực tiếp nhưng cô Thu Hà, giáo viên một trường THPT ở Hà Nội vẫn làm việc từ sáng tới khuya. Trừ thứ bảy, chủ nhật, mỗi ngày trong tuần của cô thường bắt đầu tư 8h sáng đến 12h đêm, gồm: sáng dạy online, trưa soạn bài cho hôm sau, chiều, tối chấm bài, nhận xét bài cho học sinh (HS). Ngoài chấm bài, soạn bài, giảng bài còn phải lo hồ sơ sổ sách HS, chuyên đề, cập nhật danh sách HS ... "Công việc rất nhiều nên mỗi ngày trong tuần khi ít việc nhất thì tôi cũng chỉ được nghỉ vào lúc 10h đêm. Ngồi máy tính suốt mười mấy tiếng một ngày khiến GV trẻ như tôi cũng cảm thấy mệt mỏi, đau lưng và mờ cả mắt" - cô Hà bộc bạch.

Cô Dương Thị Ngọc Trang, Tổ trưởng chuyên môn Trường THCS Chu Văn An, Thủ Dầu Một, Bình Dương (GV tiêu biểu được vinh danh năm 2021), dù đã trên 50 tuổi nhưng vẫn tích cực tự học, nâng cao kỹ năng sử dụng các phần mềm học trực tuyến hiệu quả. Cô mày mò bằng cách lên các kênh youtube tìm hiểu thêm các trò chơi học tập để lớp học ảo trở nên sôi động, hấp dẫn HS, tăng cường sự tương tác trong giờ học, chứ không chỉ đơn thuần là hỏi- đáp để kiểm tra kiến thức HS. Là tổ trưởng chuyên môn, cô Trang thường xuyên tổ chức thao giảng, dự giờ cùng chia sẻ kinh nghiệm dạy học online với các thành viên trong tổ để nâng cao chất lượng môn học.

“GV dạy một tiết online vất vả gấp mấy lần dạy trực tiếp. Giáo án dạy cũng phải thay đổi, chỉnh sửa nội dung kiến thức, phương pháp, hình thức tổ chức lớp học thế nào cho phù hợp. Để soạn một bài giảng trực tuyến, GV phải đầu tư nhiều thời gian hơn so với dạy trực tiếp vì phải trau chuốt ngôn phong, suy nghĩ ra nhiều hình thức để làm mới bài giảng của mình. Vì HS không đi học trực tiếp, không có không khí bạn bè sôi nổi nên GV phải luôn tạo bất ngờ cho các con để HS hứng thú học”, cô Trang cho biết.

Cô Nguyễn Phương Hiền, Tổ phó chuyên môn Trường THCS chuyên Chu Văn An, Lạng Sơn chia sẻ: “Lúc đầu thầy trò cũng khó khăn một chút vì chưa quen với học online nên tôi phải hướng dẫn và tạo nền nếp học tập cho các con. Hầu hết các bài giảng tôi đều phải tự thiết kế lại cho phù hợp với việc dạy trực tuyến, đồng thời cũng giảm lượng kiến thức so với học trực tiếp. Chính vì thế ở thời điểm này những GV như tôi phải nỗ lực hơn, sáng tạo hơn và nâng cao khả năng tự học để đáp ứng yêu cầu của việc dạy học”.

 “GV phải làm việc qua nhiều kênh thông tin, tham gia các nhóm trao đổi trực tuyến nên họ cũng rất áp lực. Xã hội lo cho HS học trực tuyến sẽ bị ảnh hưởng về tâm lý cũng như hiệu quả tiếp nhận kiến thức, nhưng trong ngành thì mình thấy GV gánh quá nhiều áp lực. Một tiết học chỉ có 35 phút nhưng GV phải làm việc quá nhiều. Họ vừa phải soạn giảng như một tiết dạy trực tiếp vừa phải chuyển thiết kế bài giảng powerpoint, thiết kế các bài tập mang tính chất tương tác dưới dạng các trò chơi, lồng tiếng... Nhiều GV trường tôi phải làm việc đến 1-2 giờ sáng”, cô Nguyễn Thị An, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, Đà Nẵng cho biết.

Các thầy, cô bậc phổ thông tại TP.HCM chia sẻ, 2 tháng dạy online họ phải dành từ 12 đến 16 giờ mỗi ngày cho việc soạn giáo án, quay video, dạy trực tuyến, chấm bài... Cực nhất và tốn nhiều thời gian không kém công đoạn làm video dạy học là việc chấm bài của HS. Mỗi tuần một giáo viên chấm khoảng 1.000 bài tập của HS, bài tập được HS chụp ảnh gửi lên cho giáo viên. Dù có quy định về thời gian làm bài nhưng khi học online thì HS gửi bài chậm, không nộp bài, nộp bài lác đác, hình ảnh mờ, xiên xẹo, có HS 11 - 12 giờ đêm mới nộp bài khiến GV khá vất vả để chấm bài. Nhiều thầy cô thừa nhận khâu chấm bài của HS là một khâu đầy "áp lực" đối với GV khi dạy online. Chưa kể, một ngày, GV nhận hàng trăm tin nhắn cũng như các cuộc điện thoại của phụ huynh và HS, chủ yếu liên quan đến phần mềm học trực tuyến bị lỗi, không vào được hoặc đang làm kiểm tra thì bị mất kết nối…

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, có nhiều vấn đề mới nảy sinh với GV khi dạy học trực tuyến như duy trì kỷ luật lớp thông qua màn hình; “chật vật” với công nghệ, thích nghi với các ứng dụng mới như Zoom, Google Meet hay MS Teams… Đặc biệt để soạn được bài giảng trực tuyến, phải đầu tư nhiều thời gian hơn so với dạy trực tiếp. Ngoài việc dạy ra, GV cũng phải vững về công nghệ thông tin chứ nếu không thành thạo cũng không dạy được. Nhiều GV lớn tuổi vốn gắn bó với chiếc bảng đen thì việc làm quen với dạy học qua máy tính là rất khó khăn, nhất là GV ở các vùng nông thôn, miền núi.

Cô Dương Thị Ngọc Trang thường xuyên lên mạng tìm hiểu những trò chơi học tập để lớp học ảo trở lên hấp dẫn, lôi cuốn học sinh.

“Cú huých” thay đổi tư duy, phát huy sáng tạo

Xét ở góc độ tích cực, việc bất ngờ phải giảng dạy trực tuyến do dịch bệnh cũng là một cú hích để các GV hoàn thiện hơn nữa kỹ năng giảng dạy, kỹ năng tương tác trong lớp học ảo, tự khắc phục những lỗi kỹ thuật trong quá trình dạy học trực tuyến… Đây là những kiến thức chưa được đào tạo trong trường sư phạm. Trong quá trình giảng dạy họ phải chia sẻ, học hỏi lẫn nhau để có những cách làm hay, phát huy sáng tạo để có các bài giảng sinh động, hấp dẫn và bổ ích.

Cô Hà Thị Lan Hương, THCS Lê Quý Đôn, tỉnh Phú Thọ là một trong 6 GV Tiếng Anh được chọn dạy học trên truyền hình. Vừa dạy học truyền hình, cô vừa tiếp tục tìm hiểu các ứng dụng dạy học online khác để giúp HS đại trà được tham gia học tập được nhiều hơn, cho dù đó chỉ là giải pháp tạm thời. Cô tìm đến phần mềm zoom.us, google meet, Ms Teams, Olm.edu.vn, Shub,edu.vn, Quizizz, Google form … Tất cả các ứng dụng này đều yêu cầu HS phải có điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối mạng Internet. Cô chia sẻ: “Khó khăn lại đặt ra vì không phải mọi HS đều có thể tham gia được. Nhưng những em tham gia đều được tận hưởng không gian học tập rất riêng mà từ trước tới nay các em chưa từng thấy, chưa từng trải nghiệm. GV vẫn giảng bài, giao bài tập, chia nhóm hoạt động, kiểm tra online; HS tương tác, giơ tay phát biểu, trả lời, nhận xét, chữa bài cho bạn; được tham gia thi đấu qua các trò chơi trực tuyến”.

Cô Nguyễn Phương Hiền cho rằng: “GV hiện nay đã xác định rất rõ vai trò của mình trong nền giáo dục số. Khi mạng xã hội đang trở thành nguồn học tập vô tận, GV định hướng con đường cho HS tìm hiểu tri thức chứ không phải dạy và học theo kiểu “đọc - chép” hay máy móc như trước nữa. Trong bất kỳ một tiết học nào, chương trình học nào GV cũng có vai trò là người dẫn đường chỉ lối cho HS và sẽ kích thích được tính tích cực, sáng tạo của HS trong quá trình tìm hiểu tri thức, khả năng tự học của HS tăng lên nhiều. Việc học trực tuyến cũng có lợi thế rất lớn là có sự kết nối nền tảng tri thức số rất lớn ở trên mạng. Nguồn học liệu phong phú chính là lợi thế đối với GV trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, giúp HS tiếp cận với nền giáo dục hiện đại”.

Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho rằng: “Điều được nhất khi chuyển đổi số là sự thay đổi nhận thức của thầy cô, của cán bộ quản lý giáo dục. Sự thay đổi về nhận thức, tư duy, hành động đã thúc đẩy mục tiêu giáo dục của chúng ta phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn so với trước đây và đem lại nhiều lợi ích không thể phủ nhận. Đơn giản như, khi dạy trực tuyến GV có thể dạy bất cứ lúc nào, ở đâu và số lượng HS thì không bị khống chế. Đồng thời GV có thể tận dụng được nguồn học liệu số vô cùng phong phú để ứng dụng vào dạy học. Đáng mừng là, dạy và học trực tuyến cũng thúc đẩy chuyển đổi số trong trường học nhanh hơn, hiệu quả hơn trước đây. Đến nay hầu như các trường đã tổ chức tốt được trường học số, lớp học số, việc quản lý hồ sơ của GV, của HS hay kết quả kiểm tra đánh giá cũng đều được số hóa. Điều này giúp nhà trường điều hành quản trị hiệu quả hơn. Do sử dụng công nghệ số nên sự kết nối giữa phụ huynh - nhà trường - GV cũng nhanh chóng, tiện lợi hơn.

Cần sớm có chương trình đào tạo bài bản cho GV về công nghệ số

 GV tiên phong trong việc sử dụng công nghệ số, mở ra cơ hội cho HS được hưởng nền giáo dục hiện đại.

Kỷ nguyên số đặt ra những yêu cầu lớn về việc chuyển đổi vai trò của giáo viên. Trong giai đoạn hiện nay, GV là những người hướng dẫn, cố vấn và huấn luyện HS đào sâu các ý tưởng, giúp các em học và hiện thực hóa các ý tưởng ấy. GV sẽ tập trung hơn vào việc tạo ra môi trường học tập mà ở đó kích thích được sự sáng tạo, sự mày mò và động cơ học tập của HS. Tuy nhiên, sự thiếu thốn về cơ sở vật chất và sự hạn chế năng lực, tâm lý ngại đổi mới của GV là những khó khăn, thách thức không nhỏ của giáo dục Việt Nam trong thời đại 4.0.

Thầy Nguyễn Quốc Bình đánh giá, việc chuyển đổi số tác động vào đội ngũ GV rất mạnh mẽ. GV muốn tồn tại và phát triển thì phải tự nâng mình lên bằng cách tự học, tự bồi dưỡng chứ không thể thụ động như trước. GV phải tự nâng cao trình độ sử dụng công nghệ số, tận dụng nguồn tài nguyên phong phú phục vụ cho giảng dạy, đầu tư thời gian để chọn lọc nguồn học liệu phù hợp nhất với đối tượng HS của mình, với điều kiện giảng dạy của trường. Có thể kết nối với GV ở trường khác, tỉnh khác, thậm chí là nước khác để có điều kiện trao đổi chuyên môn, giao lưu văn hóa, nâng cao trình độ chuyên môn và hiểu biết, từ đó hướng tới GV toàn cầu. GV không thể mong đợi HS của mình trở thành những công dân toàn cầu trong khi bản thân họ chưa là một GV toàn cầu.

“Để thực hiện điều đó, trước hết cần có những cơ chế chính sách làm sao để GV có thể sống được bằng nghề, đợt dịch vừa qua khiến cuộc sống của GV gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là GV mầm non. Tiếp đến, cần tạo môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện để GV có thể phát huy sáng tạo, nâng cao trình độ chuyên môn. Muốn vậy, phải giảm những hoạt động thi đua mang tính hình thức để GV dành nhiều thời gian vào việc giáo dục - sứ mệnh chính của mình”, thầy Bình chia sẻ.

Cô Phương Hiền cũng cho rằng: “Trong thời đại 4.0, ngoài kỹ năng và tri thức GV cần phải có từ trước đến nay thì đòi hỏi khả năng tự học của GV rất nhiều. Chúng tôi chỉ mong sớm có chương trình đào tạo GV một cách hệ thống hơn, bài bản hơn về công nghệ số, chứ hiện nay GV mới chỉ dừng lại ở tập huấn kỹ năng thông thường đủ để đáp ứng bài giảng, còn nếu yêu cầu cao hơn thì GV lại phải tự mày mò, vất vả rất nhiều”. ./.

 

3 yêu cầu quan trọng đối với nhà giáo thời đại 4.0

Bà Tô Thụy Diễm Quyên, giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khẳng định: Có 3 yêu cầu quan trọng đối với GV thời đại 4.0. Đó là, phải hiểu biết về công nghệ, phải cập nhật kiến thức và phải có phương pháp sư phạm. Không có hiểu biết về công nghệ đồng nghĩa với việc GV không thể thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, và sẽ bị hạn chế về phương pháp dạy học. Đồng thời, HS cũng bị hạn chế cơ hội học tập, phát triển, khó có thể tiếp cận với tri thức, hệ thống học tập số hóa.

Một vấn đề bức thiết của thời đại công nghệ số chính là kiến thức nhanh chóng bị lạc hậu. Yêu cầu đặt ra cho GV là phải nhanh chóng bắt kịp những thay đổi, cập nhật kiến thức mới thường xuyên. Đó cũng là lý do chương trình giáo dục mới, GV không nên dạy học lệ thuộc hoàn toàn vào sách giáo khoa mà cần linh hoạt, chủ động trong việc tổ chức dạy học. Cùng với đó, phương pháp sư phạm nắm giữ vai trò rất quan trọng đối với người thầy trong việc chuyển đổi số. GV cần phải học phương pháp một cách bài bản, cần có những trải nghiệm để vận dụng phương pháp một cách thông minh nhất và hiệu quả nhất.

Theo bà Diễm Quyên, thách thức đối với những “nhà giáo số” là rất lớn: “Bản thân GV phải học tập, sáng tạo để mình trở thành một người thầy hiện đại và tiệm cận được với năng lực nhà giáo thế kỷ 21. GV phải là người tiên phong trong việc sử dụng công nghệ số. Mở ra cơ hội cho HS được hưởng nền giáo dục hiện đại. Người thầy phải dạy HS thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của thế giới; kiểm soát được công nghệ; tự nhận thức, tự quản lý bản thân và dạy HS chuẩn bị làm những ngành nghề chưa có trong hiện tại”./.                                                                                                                                                                                          Hoàng Dũng ghi

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận