Học sinh căng thẳng, thầy cô khủng hoảng tâm lý mùa dịch

Không chỉ học sinh, mà chính giáo viên cũng đang gặp không ít khó khăn, áp lực tâm lý khi dạy học mùa dịch, đặc biệt là những nơi đang dạy học trực tuyến.

 

Sau gần 3 tuần bước vào năm học mới, đây cũng là năm thứ 2 triển khai dạy và học trực tuyến, nhưng vẫn không ít phụ huynh, học sinh phàn nàn về những khó khăn, vất vả khi học theo phương thức này. Không chỉ học sinh, bản thân nhiều thầy cô giáo cũng gặp không ít khó khăn, căng thẳng khi dạy học mùa dịch.

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một số clip quay lại cảnh giáo viên quát mắng học sinh trong giờ học trực tuyến bằng những lời gay gắt với tâm trạng bực tức, căng thẳng vì học sinh không hiểu bài, thiếu tập trung… Ngay sau đó, những giáo viên này cũng đã lên tiếng xin lỗi về hành động của bản thân. Một số chuyên gia tâm lý cho rằng, đằng sau những lời lẽ thiếu kiềm chế đó có thể là sức chịu đựng quá giới hạn, công việc quá tải của giáo viên trong mùa dịch khi chuyển sang học trực tuyến, từ đó cũng đặt ra câu hỏi làm sao để giáo viên vơi bớt những áp lực tâm lý.

“Có khi đang hăng say giảng bài, nhìn vào màn hình lại thấy các con đang ngáp, đang chat nói chuyện riêng, có em vừa học vừa ăn, vừa chơi game. Việc chuyển đổi hình thức giảng dạy cũng yêu cầu giáo viên cần thay đổi giáo án, bởi vậy số lượng công việc cũng nhiều hơn. Với những học sinh nhỏ tuổi, việc học online lại càng khó khăn hơn. Nhiều khi giảng mãi các em vẫn không hiểu, cộng thêm những áp lực công việc khác khiến giáo viên căng thẳng, dễ nổi nóng nhưng vẫn phải kiềm chế. Nhiều khi những cảm xúc tiêu cực trên trường lớp khiến bản thân trở nên gắt gỏng hơn với gia đình, con cái khi về nhà”.

Cô Lưu Thị Lập Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, bước sang năm học đặc biệt thứ 2, trước sự tàn phá của đại dịch, lo lắng, căng thẳng, áp lực, thậm chí khủng hoảng về mặt tinh thần là vấn đề chung của nhiều giáo viên.

“Mỗi thầy cô là mỗi hoàn cảnh sống, mỗi cảm xúc khác nhau. Khi dạy học trong mùa dịch, thầy cô không chỉ lo lắng về đường truyền internet, kỷ luật của học sinh khi học mà còn rất áp lực về chất lượng giáo dục, làm sao để dạy trực tuyến nhưng vẫn hiệu quả. Bản thân nhiều thầy cô có những người thân bị mắc Covid-19, thậm chí tử vong do dịch bệnh… Tất cả những lo lắng đó phần nào tạo nên những áp lực, căng thẳng về mặt tâm lý cho giáo viên”, cô Lập chia sẻ.

Thầy Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hội Hợp B (Vĩnh Phúc) cho rằng, trong mùa dịch, giáo viên cũng gặp rất nhiều áp lực tâm lý, áp lực đó có thể đến từ các cấp quản lý, từ cha mẹ học sinh và từ chính bản thân các thầy cô giáo.

Thời điểm đầu năm học, không chỉ giáo viên vùng dịch mà cả giáo viên ở những địa phương đang thực hiện mục tiêu kép vừa giãn cách lớp học đảm bảo an toàn, vừa học kiến thức. Khi đó trách nhiệm của mỗi giáo viên là rất lớn.

“Có giáo viên nói rằng mùa dịch, thầy cô như chiếc radio, bật từ sáng đến tối không lúc nào ngừng nghỉ. Bản thân là cán bộ quản lý, tôi cũng thấy rõ được những áp lực mà thầy cô đang gặp phải. Bởi vậy, trường Hội Hợp B luôn áp dụng công thức 3 làm gồm: hướng dẫn giáo viên làm, tạo điều kiện giáo viên làm và tạo động lực giáo viên làm. Bản thân mỗi hiệu trưởng cần cùng đồng hành, lắng nghe giáo viên. Giáo viên phải hạnh phúc thì học sinh mới có thể hạnh phúc và có trường học hạnh phúc”, thầy Mạnh chia sẻ.

Để giảm những áp lực cho giáo viên, thầy Đào Chí Mạnh cho biết, trường Tiểu học Hội Hợp B cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cha mẹ học sinh hiểu rằng học trực tuyến rất khác với hình thức học trực tiếp, để phụ huynh hiểu và cùng đồng hành với nhà trường, chia sẻ với thầy cô.

Đưa ra lời khuyên cho giáo viên, vị hiệu trưởng này cũng cho rằng bản thân mỗi giáo viên hãy tăng cường kết nối với các đồng nghiệp để trao đổi giáo án, tài liệu giảng dạy cũng như chia sẻ những áp lực. Bên cạnh đó, giáo viên cũng nên mạnh dạn bày tỏ tâm tư nguyện vọng và những đề xuất với ban giám hiệu để được hỗ trợ tốt nhất trong công tác giảng dạy.

Làm gì để giải tỏa căng thẳng mùa dịch?

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục (ĐH Giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, trong mùa dịch, tỷ lệ người mắc các chứng lo âu, trầm cảm đã tăng 5-7 lần so với bình thường. Đại dịch kéo dài cũng gây ra những tổn thương nghiêm trọng về mặt tinh thần.

học trực tuyến áp lực tâm lý giáo viên căng thẳng khi dạy trực tuyến áp lực tâm lý mùa dịch của giáo viên.

“Khi bị cách ly khỏi lịch sinh hoạt thường ngày từ 14 ngày trở lên, chúng ra sẽ có những biểu hiện như mất các khái niệm về thời gian. Các hoạt động để cân bằng cuộc sống như vận động, giải trí hàng ngày cũng không thể thực hiện, mỗi người bị cô lập trong những không gian nhỏ hẹp và phải làm việc liên tục. Những điều này khi kéo dài quá lâu sẽ khiến mỗi người cảm thấy quá tải, bản thân các giáo viên cũng có thể mất đi tâm thế dạy học, giảm khả năng tập trung vào bài giảng, PGS.TS Trần Thành Nam cho biết.

Chuyên gia tâm lý này cũng cho biết, một số dấu hiệu cho thấy mỗi người đang kiệt sức hoặc gặp các vấn đề về tâm lý trong mùa dịch như thường xuyên chán ăn, mất ngủ, mất tập trung, tự cô lập bản thân khỏi gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, thường không nghỉ giải lao theo giờ quy định khi làm việc, không hứng thú, dễ khó chịu với những người tương tác trên mạng, không giữ được cảm xúc bình tĩnh như trước đây với cả gia đình, con cái hay cảm thấy lo lắng thường xuyên, bồn chồn, thường xuyên đau đầu…

PGS.TS Trần Thành Nam cho biết thêm, trong quá trình làm việc có tham gia hỗ trợ 1 số giáo viên ở vùng dịch, nhiều thầy cô có học sinh là F0 hoặc chính người thân đang mắc Covid-19 khiến họ rơi vào tình trạng lo âu, thậm chí sang trấn tâm lý.

“Hàng ngày thầy cô không chỉ tiếp xúc với những thông tin dịch bệnh tiêu cực xung quanh mình mà còn là những thông tin tiêu cực từ phía học sinh… nhiều khi giáo viên không thể tự dứt khỏi những lo lắng, áp lực về mặt cảm xúc. Những cảm xúc này khi dồn nén, quá tải sẽ gây ra những hành vi mất kiểm soát như cáu giận với học sinh, khó đưa ra cách xử lý phù hợp trong các tình huống sư phạm, khó chịu với cả người thân, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của giáo viên”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.

Để giải quyết những vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, mỗi người nói chung và bản thân giáo viên nói riêng cần có những thủ thuật quản lý thời gian hiệu quả để tránh quá tải công việc trong mùa dịch, hạn chế tiếp xúc với quá nhiều với những thông tin tiêu cực. Mỗi ngày chỉ nên dành một khoảng thời gian nhất định để cập nhật thông tin trên các trang chính thống. Giáo viên cũng nên trao đổi với phụ huynh để có khung giờ giải đáp những thắc mắc, phản hồi về việc học. Bản thân mỗi thầy cô cũng cần tranh thủ, sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, cân bằng cuộc sống.

PGS.TS Trần Thu Hương, chuyên gia tâm lý (ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, những cảm giác lo âu, căng thẳng trong mùa dịch là điều bình thường, một trong những cách để giải tòa tâm lý này là hít thở sâu để giảm dần những khó chịu về mặt cảm xúc, tránh việc trút giận sang người khác. Nếu không đủ bình tĩnh, có thể tham khảo những giải pháp khác. Lấy ví dụ như tại Nhật, giáo viên thường tự trang bị một góc riêng trong nhà để xả những cảm xúc khó chịu. Một cách khác là có thể ngồi nói chuyện chia sẻ với người khác để giải tỏa những áp lực tâm lý./.

Nguyễn Trang/VOV.VN
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận