Cao Bằng: Thiếu giáo viên, giật gấu vá vai

Năm học 2021-2022, tỉnh Cao Bằng vẫn thiếu hàng nghìn cán bộ, giáo viên tại các trường học, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học của địa phương.

 

Bảo Lâm là huyện khó khăn nhất của Cao Bằng. Theo biên chế được giao năm 2021, huyện sẽ có gần 1.300 giáo viên cho 45 cơ sở giáo dục, nhưng vào đầu năm học, toàn huyện vẫn còn thiếu tới hơn 100 giáo viên và hơn 20 cán bộ trường học.

Năm học này, với 1 điểm trường chính và 3 điểm trường lẻ, trường Phổ thông cơ sở Thái Sơn (huyện Bảo Lâm) có tổng số học sinh 2 cấp là 520 em, 21 lớp học với 25 giáo viên và vẫn thiếu tới thiếu 8 biên chế. Giải pháp khắc phục vẫn là thuê giáo viên hợp đồng thời vụ nhưng môn tin học, ngoại ngữ, thể dục vẫn chưa tìm được giáo viên. Thiếu giáo viên cũng buộc nhà trường phải rút các em khối lớp 3 ở điểm trường về học tại trường chính.

Thầy giáo Lã Xuân Hải, Hiệu trưởng Trường PTCS Thái Sơn, huyện Bảo Lâm cho biết: "Hiện nay, giáo viên để phục vụ cho chương trình giáo dục phổ thông mới thì nhà trường thiếu rất nhiều, khối tiểu học thiếu 3 biên chế, THCS có 8 lớp mà 6 giáo viên biên chế, còn lại là hợp đồng cho nên rất khó khăn cho thực hiện chương trình. Môn ngoại ngữ thì dạy tràn từ tiểu học lên, môn tin học thì triển khai chương trình giáo dục mới, hiện nay vẫn đang bị treo".

Tại các điểm trường ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng thường mỗi lớp học chỉ có khoảng 10 học sinh.

Bước vào năm học 2021-2022, Cao Bằng có 526 trường học, khoảng 850 điểm trường và hơn 11.200 cán bộ, giáo viên. Địa phương đang thiếu tới 82 cán bộ quản lý, 662 biên chế giáo viên và 935 cán bộ hỗ trợ… Để giải quyết tình trạng này, Cao Bằng đã quyết định tuyển bổ sung 290 biên chế giáo viên và hiện nay các địa phương đang thực hiện nhận hồ sơ dự tuyển. Còn gần một nghìn cán bộ trường học và một số giáo viên khác đến thời điểm này vẫn chưa có kế hoạch cụ thể.

Giải pháp trước mắt của địa phương là tuyển giáo viên hợp đồng thời vụ cho các trường. Tuy nhiên, nhiều trường vẫn thiếu nguồn giáo viên của các môn như ngoại ngữ, tin học. Ông Vũ Văn Dương, Giám đốc Sở GD&ĐT Cao Bằng cho biết thêm, năm học 2019-2020 Cao Bằng không tuyển dụng viên chức ngành giáo dục và những năm qua địa phương tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế nên số giáo viên đứng lớp chưa đảm bảo số lượng. Ông Vũ Văn Dương nói: "Đáp ứng được nhu cầu giáo viên cũng như cán bộ hỗ trợ trường học còn thiếu, kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ xem xét bổ sung nhu cầu cần thiết về số lượng người làm việc tại trường học còn thiếu theo quy định. Định biên biên chế Cao Bằng cần nhiều như vậy do số học sinh một lớp của Cao Bằng không thể nhiều như ở miền xuôi, có lớp chỉ 15 - 16 em, cá biệt có lớp chỉ 6 - 7 học sinh vẫn phải thành lập lớp. Do khoảng cách giữa nhà đến điểm trường chính rất xa, nếu chúng ta xóa điểm trường cũng sẽ dẫn tới học sinh bỏ học".

Dù phần lớn chỗ trống đã được bổ sung bằng những giáo viên hợp đồng thời vụ, nhưng giải pháp mang tính tạm thời này khó có thể khiến các nhà trường, phụ huynh an tâm về chất lượng, đồng thời, bản thân các thầy, cô giáo hợp đồng cũng không thể an tâm công tác. Do đó, Cao Bằng cần sớm có giải pháp bổ sung số giáo viên cũng như cán bộ làm công tác hỗ trợ còn thiếu nhằm nâng cao chất lượng dạy và học tại tỉnh miền núi còn đầy khó khăn này./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận