Có nên thiết kế riêng khung chương trình học trực tuyến?

Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành phố đã triển khai dạy học trực tuyến ngay từ đầu năm học.

 

Dù bước sang năm thứ 2 học theo hình thức này, nhưng cả giáo viên, học sinh và phụ huynh vẫn gặp không ít khó khăn.

Học sinh ngủ gật, vừa học vừa ngáp uể oải trước màn hình máy tính, cả nhà loay hoay chật vật vì đang học lại lỗi mạng internet, nhiều buổi học, khi mạng hết lỗi, giáo viên vừa kịp vào bài giảng chưa được bao lâu thì đã hết giờ... là những chuyện thường thấy trong mùa học trực tuyến.

Học sinh không thể đến trường, nhưng cũng không thể ngừng học, bởi vậy học trực tuyến là giải pháp được cho là khả quan nhất trong mùa dịch. Song làm thế nào để học trực tuyến thực sự hiệu quả lại không hề dễ.

Cần khảo sát từng địa phương, điều chỉnh nội dung, phương thức giảng dạy

Chuyên gia giáo dục Nguyễn Sóng Hiền, thành viên Liên đoàn giáo dục độc lập Australia cho rằng, trong bối cảnh này, việc lựa chọn một phương thức học vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả thầy lẫn trò, vừa đảm bảo cả chất lượng dạy và học là một thách thức lớn đối với ngành giáo dục. Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, việc lựa chọn hình thức dạy và học online là một phương án tối ưu nhất. Để việc tổ chức dạy và học theo hình thức trực tuyến phi truyền thống này đạt hiệu quả cao nhất và hạn chế được những bất cập, có lẽ cần có những đánh giá và nhìn nhận một cách khách quan, khoa học và thực tế.

Trong bối cảnh đại dịch toàn cầu có xu hướng diễn biến phức tạp và khó lường, ngành giáo dục cần phải chủ động định hình một tầm nhìn chiến lược trong việc xây dựng và ban hành khung chương trình giáo dục hình thức học online cho giai đoạn 5 năm tới đây. Đây là điều kiện tiên quyết để ngành giáo dục có thể đảm bảo được các mục tiêu giáo dục đề ra.

Để làm được điều này trước hết, tôi cho rằng Bộ cần xây dựng cơ sở dữ liệu dựa trên thăm dò và khảo sát tình hình thức tế hình thức dạy online ở các địa phương. Trên cơ sở đó, sẽ có những điều chỉnh về mặt nội dung, phương pháp, thời gian giảng dạy và chuẩn đầu ra phù hợp với từng độ tuổi, từng lớp học, cấp học, sát với điều kiện, và tình hình thực tế của từng vùng miền và địa phương”, ông Hiền nêu ý kiến.

Chuyên gia này cũng cho rằng, Bộ GD-ĐT không chỉ phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong tổ chức hoạt động giáo dục mà cần tiến tới trao quyền tự chủ hoàn toàn cho các trường trong các hoạt động giáo dục để tiến tới hình thành các mô hình trường học tự chủ phù hợp với xu thế phát triển của các nền giáo dục tiến bộ và thích ứng với những biến động khó lường của thế giới hiện nay.

Lấy ví dụ như tại Australia, ông Nguyễn Sóng Hiền cho biết, hệ thống giáo dục nước này cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch gây ra. Hình thức học online đã trở thành một mô hình giáo dục phổ biến đối với các bậc học phổ thông và đại học. Lợi thế của Australia là có nền tảng khoa học, công nghệ và kỹ thuật số phát triển, vì vậy nhiều nền tảng học trực tuyến được thiết kế hỗ trợ cho hệ thống giáo dục. Quốc gia này cũng có hẳn những chương trình và hệ thống học liệu được thiết kế riêng cho hình thức học online.

“Với hình thức học này, ngoài bất cập là hạn chế các hoạt động vui chơi và có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ nếu như duy trì việc ngồi máy quá lâu thì nó giúp trẻ xây xựng và hình thành nên thói quen tự học, cách sử dụng và ứng dụng công nghệ số trong việc tìm kiếm và kiến tạo tri thức vì được tiếp cận với khối lượng tri thức khổng lồ của nhân loại chỉ bằng cú click chuột. Bên cạnh đó, vì các trường học tương đối tự chủ cho nên tùy vào tình hình dịch bệnh của mỗi vùng mà các trường tự quyết định việc cho trẻ đến trường hay không trên cơ sở đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cả thầy và trò”, ông Nguyễn Sóng Hiền cho biết.

Chuyên gia giáo dục Nguyễn Sóng Hiền cho rằng cần có khung chương trình giáo dục riêng với hình thức học online.

Sở GD-ĐT nên tập trung giáo viên giỏi quay video phát trên youtube

Trực tiếp tham gia giảng dạy nhiều năm, thầy Hồ Như Hiển, giáo viên trường liên cấp Tiểu học-THCS-THPT Đông Bắc Ga (Thanh Hóa) cho rằng, dạy và học trực tuyến không phải là hình thức mới ở Việt Nam, hình thức dạy và học này đã được triển khai hơn 10 năm với nhiều trang học trực tuyến, có số lượng lên đến hàng triệu học sinh. Tuy nhiên, với phần đông giáo viên, đây vẫn là hình thức dạy học mới, khó tiếp cận bởi nhiều vấn đề thuộc về nội dung, khó khăn chung về cơ sở vật chất, kỹ thuật, trình độ công nghệ thông tin và cả phương tiện học của học sinh.

Là một giáo viên phổ thông, đã và đang dạy trực tuyến nhiều năm qua, với số lượng học sinh lên đến hàng ngàn em mỗi năm, thầy Hồ Như Hiển cho rằng, sẽ rất khó nếu cả giáo viên và học sinh không có sự chuẩn bị đầy đủ, chu đáo và quyết tâm, cố gắng cao độ khi học trực tuyến.

Giáo viên này cho biết, trước đây, một số sở GD-ĐT đã tổ chức quay bài giảng và phát sóng trên truyền hình để học sinh học trực tuyến, tuy nhiên lại gặp phải những bất cấp lớn về khung giờ phát sóng và tổ chức học sinh, giáo viên bộ môn không nắm được quá trình học của học sinh.

Từ thực tế này, thầy Hồ Như Hiển cho rằng, thay vì giao cho các trường tự tổ chức dạy và học trực tuyến qua các phần mềm, các sở GD-ĐT có thể tổ chức dạy và học theo cách thức khác: “Sở GD-ĐT tập trung và điều động các giáo viên giỏi chuyên môn, giáo viên cốt cán và có năng lực sư phạm tốt, mỗi môn từ 3-5 người, tập trung thành các tổ chuyên môn, tổ chức quay video bài giảng tập trung hoặc tự quay theo nhóm, các tổ bộ môn tự phân công giáo viên quay, Sở sẽ hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật, phương tiện...Tập trung quay cuốn chiếu theo từng lớp, từng bài.

Các bài giảng sau khi quay sẽ được sở GD-ĐT biên tập, giám sát nội dung lại, gửi cho các trường tổ chức học thông qua nền tảng chia sẻ video trực tiếp của mỗi trường. Mỗi trường nên có một kênh youtube riêng để đăng tải các bài giảng này, giáo viên bộ môn các trường chịu trách nhiệm trước nhà trường về quản lý, đôn đốc, giám sát, kiểm tra học sinh thông qua nhóm Zalo. Báo cáo tiến độ về nhà trường qua từng tuần học”.

Theo thầy Hồ Như Hiển, với cách làm trên có thể khắc phục hạn chế về nguồn lực con người, các giáo viên bộ môn có thể tập trung thời gian vào quản lý học sinh, kiểm tra, đôn đốc... Khắc phục hạn chế về phương tiện dạy và học, nhiều giáo viên và học sinh chưa đủ điều kiện để mua sắm các phương tiện dạy và học, hạn chế sự cố nghẽn mạng.

Thầy Hồ Như Hiển, giáo viên trường liên cấp Tiểu học-THCS-THPT Đông Bắc Ga (Thanh Hóa).

“Thông qua nhóm Zalo, giáo viên gửi video bài giảng cho học sinh, thực hiện kiểm tra và giám sát đảm bảo học sinh đều tiếp cận video. Những học sinh không có phương tiện có thể học nhóm với bạn trên cơ sở giáo viên và phụ huynh giám sát. Thêm nữa, với việc tổ chức dạy và học như trên, có thể đảm bảo tính đồng nhất về thời gian, kiến thức, kỹ năng cho học sinh toàn tỉnh, sở GD-ĐT có thể nắm được toàn bộ quá trình triển khai dạy học. Kinh phí để tổ chức không lớn, tiết kiệm hơn rất nhiều so với việc để các trường, các giáo viên tự chủ dạy học”, thầy Hồ Như Hiển lý giải./.

Nguyễn Trang/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận