Chọn sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6: Tránh xáo trộn trong dạy và học

Thời gian để triển khai sách giáo khoa (SGK) cho năm học mới không còn nhiều, nhưng việc lựa chọn SGK lớp 2, lớp 6 lại đang có nhiều băn khoăn…

 

Thời gian để triển khai sách giáo khoa (SGK) cho năm học mới không còn nhiều, nhưng việc lựa chọn SGK lớp 2, lớp 6 lại đang có nhiều băn khoăn…

Góp ý của giáo viên có được tiếp thu?

Ngày 5/4 là hạn chót mà Bộ GD-ĐT mong muốn các địa phương sẽ chọn xong SGK mới lớp 2 và lớp 6 cho năm học tới, có như vậy mới đủ thời gian cho việc tập huấn, in ấn phát hành SGK mới. Tuy nhiên đến nay, chỉ một số địa phương công bố hoàn thành việc lựa chọn SGK. Đầu tháng 3, qua nhiều trường mới chỉ được tiếp cận với phiên bản SGK điện tử, chưa có bản SGK giấy. Các nhà xuất bản (NXB) chỉ gửi tài liệu phiên bản điện tử, sách giáo viên và video clip giới thiệu, dạy mẫu để giáo viên đọc, xem và đánh giá. Vậy việc nghiên cứu bộ sách chủ yếu trên bản mềm với nhiều đầu sách liệu có ảnh hưởng tới giáo viên và chất lượng lựa chọn SGK?

Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết, do NXB kêu trục trặc mạng nên từ bản mềm của SGK mới tới tay giáo viên khá chậm. Giáo viên sẽ chỉ có khoảng 10 ngày để nghiên cứu các đầu sách và gửi ý kiến về trường. Cũng theo ông Thành, khi tập huấn trực tuyến, sự tương tác giữa các tác giả biên soạn sách với giáo viên có phần hạn chế. Cách tiếp cận, truyền được hồn cốt của bộ sách sẽ khó khăn hơn so với trực tiếp nhưng ưu điểm là nhiều giáo viên tiếp cận được để nghiên cứu. Nhằm sát với thực tế hơn, khi có SGK, giáo viên các trường cũng được hướng dẫn thiết kế bài dạy thử. Từ đó, giáo viên được giảng viên trường sư phạm tư vấn, rút kinh nghiệm thêm.

Đại diện lãnh đạo một trường Tiểu học ở Hà Nội, nói: “Có nhiều đầu sách cũng khiến giáo viên khó nghiên cứu chuyên sâu và kỹ lưỡng. Thực tế vẫn xảy ra chuyện đường truyền không tốt, giáo viên đọc được 1 đầu sách mất rất nhiều thời gian. Theo đánh giá ban đầu, có sách lạm dụng kênh hình, nội dung yêu cầu của một số môn hơi cao so với học sinh lớp 2. Chúng tôi mong những ý kiến đóng góp trên đến được những tác giả để có chỉnh sửa kịp thời trước khi bộ SGK đến tay học sinh trong năm học sắp tới".

Một chuyên gia giáo dục tiểu học cho rằng, việc nhiều giáo viên dạy cùng một cuốn sách thì khi tìm hiểu lựa chọn phải được “mục sở thị”, chứ không thể nghiên cứu SGK dưới dạng “ảo” được.

Đối với SGK lớp 6, số lượng đầu sách nhiều, có những môn học mới, tích hợp như Khoa học tự nhiên (tích hợp các mạch kiến thức của môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) hay hai môn Lịch sử và Địa lý tích hợp thành một môn Lịch sử và Địa lý. Bởi vậy, nhóm giáo viên cùng dạy tích hợp phải ngồi lại xem SGK phần mình giảng dạy đến đâu, nội dung được tinh giản, tích hợp như thế nào với môn học khác và dạy như thế nào... Việc chậm in SGK cũng là điều tất yếu của các NXB, bởi vì họ cần chỉnh sửa lại bản thảo và thăm dò thị trường trước khi in và phát hành rộng rãi. Trong trường hợp này các cơ quan chức năng Nhà nước phải vào cuộc, tháo gỡ cho họ. Hơn nữa, đây là lần thứ hai làm SGK, thì khó có lý do thuyết phục về sự chậm trễ và không chu đáo như thế được.

Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống của NXB Giáo dục Việt Nam. (Ảnh; Hà nguyên)Năm đầu tiên thực hiện đổi mới, chương trình SGK từ lớp 1 do các trường chọn sách; đến năm nay, SGK lớp 2, lớp 6 lại do UBND tỉnh, thành phố lập hội đồng lựa chọn. Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, khi thay đổi thẩm quyền lựa chọn SGK, rất khó để không gây xáo trộn. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT đã chủ động có hướng dẫn rất rõ, trong đó phát huy vai trò nhà trường, giáo viên và phụ huynh trong việc chọn sách. “Đây là quy trình nhằm bảo đảm triển khai thực hiện lựa chọn SGK, cố gắng hạn chế thấp nhất sự xáo trộn. Hy vọng địa phương tôn trọng sự lựa chọn của các trường để có quyết định đúng đắn nhất với hệ thống SGK được lựa chọn”, bà Hoa nói.

Tránh xáo trộn trong dạy học

Theo công bố của Bộ GD-ĐT, trong số 5 bộ SGK đã được Bộ phê duyệt khi triển khai chương trình GDPT mới, thì tới đây chỉ còn 3 bộ được phê duyệt, gồm 2 bộ của NXB Giáo dục Việt Nam (Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo) và 1 bộ sách của NXB ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh và NXB ĐH Sư phạm Hà Nội (Cánh Diều). Hai bộ SGK không được tiếp tục phát hành ở lớp 2 là Cùng học để phát triển năng lựcVì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục (đều của NXB Giáo dục Việt Nam). Sự thay đổi bất ngờ này khiền thầy cô băn khoăn liệu có phải là do chất lượng và những vấn đề bất cập về ngữ liệu, tiêu chí... hay lý do gì khác mà 2 bộ sách bỗng “bốc hơi”, khiến cho thầy và trò ở các trường đã lựa chọn 2 bộ sách trên để giảng dạy lớp 1 và giờ lúng túng không biết phải thích nghi và tiếp nhận bộ sách mới như thế nào?.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ. (Ảnh: KT)

“Mặc dù SGK đã được phê duyệt nhưng nếu giáo viên, các trường phát hiện những điểm không phù hợp, những vấn đề khiến giáo viên, học sinh có thể gặp khó khăn khi thực hiện, Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu các đơn vị xuất bản giải thích hoặc điều chỉnh khi cần thiết. Việc này sẽ tránh được tình trạng khi đã bước vào năm học, sách được sử dụng mới nảy sinh những vấn đề như đã xảy ra với SGK lớp 1…”.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ

Mới đây trong cuộc làm việc của lãnh đạo Bộ GD-ĐT với tỉnh Tuyên Quang về việc chuẩn bị thực hiện lựa chọn SGK lớp 2, lớp 6, một số trưởng phòng GD-ĐT băn khoăn có được bảo lưu kết quả chọn SGK lớp 1 từ năm trước theo thông tư 01?!. "Khi chọn sách lớp 1 thẩm quyền quyết định do hiệu trưởng nên trong cùng một trường có thể chọn sách ở nhiều bộ khác nhau. Nhưng với thông tư 25, tỉnh quyết định chọn sách. Có thể chỉ chọn một bộ sách đầy đủ của một NXB sử dụng toàn tỉnh. Chúng tôi không hiểu trong trường hợp đó các trường có được bảo lưu kết quả chọn sách trước đó không? Vì sách lớp 1 đã chọn, trường đã được tập huấn, làm quen trong một năm học. Nếu thay đổi sẽ có xáo trộn?" – đại diện lãnh đạo Phòng GD-ĐT Sơn Dương (Tuyên Quang) bày tỏ.

Trước những băn khoăn này, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học cho rằng, nếu việc chọn lại sách của đơn vị khác vất vả hơn cho giáo viên trong việc tiếp cận thì các địa phương có thể giữ nguyên sách lớp 1 đã chọn, theo nhu cầu của các trường để đảm bảo tính ổn định. "Riêng SGK lớp 1 năm tới đây sẽ vẫn phải tái bản đủ 5 bộ, đảm bảo đủ cung ứng cho các nhà trường theo yêu cầu", ông Tài chia sẻ.

Đề cập đến việc Bộ GD-ĐT phê duyệt, SGK lớp 2, lớp 6 chỉ còn 3 bộ (do NXB Giáo dục Việt Nam hợp nhất 4 bộ sách thành 2 bộ), chuyên gia Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Quốc gia đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học cho rằng, việc hợp nhất này không đúng với khoa học SGK, gây khó khăn, bất an trong cha mẹ học sinh và làm xáo trộn trong xã hội. Thực chất, mỗi bộ SGK có một giá trị, một cách tiếp cận khác về nội dung và về phương pháp trình bày. Để có được bộ SGK, những người làm sách đã mất công nhiều tháng trời hội thảo, trăn trở tìm ra cơ sở lý luận và thực tiễn của bộ sách, để rồi xây dựng bài học mẫu trước khi dạy thử nghiệm. Ngay trong cuốn sách “Đổi mới và hiện đại hóa Chương trình và SGK” của NXB Giáo dục Việt Nam cũng ghi SGK cần sử dụng lâu dài. Không thể để giáo viên và cha mẹ học sinh hụt hẫng khi họ mất công cùng nhau suy nghĩ chọn ra bộ SGK mà chỉ dùng được một năm; còn thư viện nhà trường năm tới phải bỏ đi hàng vạn cuốn sách lớp 1.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa.

“Thông qua giám sát của đơn vị cho thấy, trong quá trình triển khai còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn như thay đổi về thẩm quyền lựa chọn SGK, chương trình tổng thể còn chậm trễ nên khoảng thời gian xây dựng bộ SGK bị ngắn lại, ảnh hưởng đến chất lượng SGK hay cơ sở vật chất, đội ngũ chưa đảm bảo để triển khai chương trình…”.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa

Làm sao để tránh tình trạng phải chỉnh sửa một số nội dung ở bộ SGK lớp 1 khi đã đi vào giảng dạy thì với bộ SGK lớp 2 và lớp 6 nên triển khai như thế nào- là câu hỏi được nhiều giáo viên, phụ huynh quan tâm. Theo chuyên gia Đặng Tự Ân, SGK xã hội hóa trong cơ chế thị trường phải được giám sát chặt chẽ hơn từ các cơ quan chuyên môn của Bộ GD-ĐT. Không thể để các NXB vì lợi nhuận mà bỏ qua những nguyên tắc khoa học và sự yên dân, cũng như vi phạm quyền lợi của học sinh và phụ huynh. Cùng với đó cần sự hỗ trợ kịp thời những khó khăn bất khả kháng mà các NXB gặp phải trong quá trình làm SGK. Cùng với đó, việc tập huấn cho giáo viên thời gian quá ngắn, bản thảo SGK dạy thực nghiệm sơ sài... cũng là những vấn đề cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong lần triển khai này./.

Thu Hằng

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận