Quy định sinh viên được chuyển ngành, chuyển trường: Có khả thi?

Theo Quy chế đào tạo trình độ đại học được Bộ GD-ĐT mới ban hành, sinh viên trường này sẽ được học môn học của trường khác để tích lũy tín chỉ.

 

“Chọn nhầm ngành” có thể chọn lại?

Thực tế hiện nay, có nhiều sinh viên lựa chọn ngành nghề theo cảm tính, không xác định rõ ràng được ngành học phù hợp khi trúng tuyển. Dẫn đến việc khi vào đại học (ĐH) rồi mới nhận ra lựa chọn của mình chưa thực sự đúng. Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn tâm lý (Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội), có đến 65,4% sinh viên năm thứ nhất tại một số trường đại học (ĐH) chưa hiểu hết về mục đích, ý nghĩa của ngành mình học; 50,8% không biết học xong sẽ làm việc gì và nơi nào tuyển dụng họ. Khi được hỏi về mức độ thỏa mãn với nghề đã chọn, có đến 75,6% sinh viên cho biết họ ít thỏa mãn với sự lựa chọn của mình, "vào học rồi mới biết mình không hợp"; 32,4% sinh viên muốn được thi lại vào năm sau... Kết quả này cho thấy có nhiều bạn trẻ không chọn đúng nghề như mong muốn.

Theo Quy chế tuyển sinh 2021, Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh nếu cảm thấy sự lựa chọn của mình chưa hợp lý sẽ được chuyển trường, chuyển ngành học.Theo đó, các cơ sở đào tạo được công nhận lẫn nhau về quy trình đào tạo, nội dung đào tạo và giá trị của tín chỉ.Trên cơ sở đánh giá và công nhận lẫn nhau, sinh viên của cơ sở đào tạo này có thể đăng ký  học một số học phần tại cơ sở đào tạo khác nếu được hiệu trưởng của hai cơ sở đồng ý với số lượng tín chỉ mà sinh viên tích lũy tại cơ sở đào tạo khác không vượt quá 25% tổng khối lượng của chương trình đào tạo.

Nguyễn Vân Anh, sinh viên năm thứ 3 ở Hà Nội cho rằng: “Quy định này phù hợp cho những bạn cảm thấy mình học sai ngành có thể đổi lại. Đương nhiên là sinh viên này phải đủ điều kiện “đầu vào”, nếu không thì không ai cần ôn thi cả, chỉ cần một năm theo học ngành thấp điểm rồi chuyển qua ngành cao hơn. Với quy định năm thứ nhất và năm thứ tư không được chuyển, phải chăng vì lo sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của trường cũ?”

Có thể nói quy định với nội dung mới này thật sự có lợi cho sinh viên và khá giống việc đào tạo ĐH tại các nước phát triển. Chẳng hạn, tại Mỹ, sinh viên có thể đăng ký học bất kỳ môn học nào tại các trường ĐH khác trường mình đang học. Trường ĐH mà sinh viên đang học có trách nhiệm xem xét và công nhận các tín chỉ này. Như vậy, sinh viên sẽ được tự do lựa chọn môn học có giảng viên, cách đào tạo... mà mình thích để học. PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân cho hay, việc cho sinh viên chuyển ngành đảm bảo quyền lợi cho sinh viên, bởi trong năm thứ nhất chủ yếu các em học môn đại cương, các ngành có sự tương đồng. Chính vì vậy, sang năm thứ hai, việc học tập ngành mới sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều. Còn theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM thì, thời gian trước, ngay khi Dự thảo Quy chế đào tạo ĐH ban hành đã nhận được nhiều ý kiến băn khoăn từ lãnh đạo các trường ĐH. Muốn thực hiện điều này, sinh viên phải được sự đồng ý của lãnh đạo 2 trường ĐH. Với tình hình hiện nay thì rất khó. "Ngoài ra, hiện nay, các trường ĐH có mức học phí tính trên tín chỉ khác nhau. Nếu tất cả sinh viên các trường có học phí cao đổ xô sang các trường có mức học phí thấp thì không ổn. Vì vậy, cần có một cách vận dụng phù hợp đối với quy định này" - tiến sĩ Nhân nhận định.

Tuy nhiên, theo TS Lê Viết Khuyến, Nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) thì, vấn đề này đã được bàn lâu rồi nhưng việc 2 trường thỏa thuận đồng ý cho sinh viên chuyển đi-chuyển đến là rất khó. Liệu trường này có muốn cho sinh viên của mình đến trường khác hay không khi mà lúc tuyển sinh trường nào cũng lo lấy đủ chỉ tiêu, thậm chí vượt chỉ tiêu để thu tiền, giờ sinh viên lại chuyển đi sẽ ảnh hưởng đến “nồi cơm” của họ. Về phía trường tiếp nhận sinh viên, họ có thiện chí tiếp nhận hay không cũng là một vấn đề lớn. Nhất là khi thực hiện kỳ thi 3 chung thì trường top trên lại càng e ngại chất lượng. Nếu sinh viên từ trường top dưới “chạy” lên trường top trên thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, cũng như hạ thấp thương hiệu của họ.

Quy định này giúp sinh viên chọn sai ngành có thể đổi lại ngành học…

Làm sao để chuyển trường, chuyển ngành thế nào?

Quy định này khiến nhiều sinh viên vui mừng, tuy nhiên vẫn còn không ít băn khoăn. Nguyễn Tuấn Anh, sinh viên năm thứ 2 nêu: “Em học công nghệ thông tin năm thứ nhất thì năm thứ 2 có thể chuyển qua các ngành kinh tế trường khác được không?”. Hay có sinh viên hỏi: “Em thi được 22 điểm, em học 1 năm ngành đó rồi chuyển sang ngành lấy 27 điểm đầu vào được không?”.

Trong Quy chế đào tạo ĐH cũng có quy định rõ về việc cho phép sinh viên chuyển trường, chuyển ngành. Cụ thể, sinh viên được xét chuyển trường nếu đáp ứng các yêu cầu: xin chuyển đến trường có cùng ngành hoặc thuộc cùng nhóm ngành với ngành đào tạo mà sinh viên đang học, được sự đồng ý của trường xin chuyển đi và trường xin chuyển đến, không thuộc một trong các trường hợp không được phép chuyển trường quy định.

Sinh viên sẽ không được phép chuyển trường nếu không đáp ứng điều kiện trúng tuyển của ngành học hoặc chương trình đào tạo tương ứng của trường xin chuyển đến, không thuộc diện bị xem xét buộc thôi học và còn đủ thời gian học tập, là sinh viên năm thứ nhất và năm cuối khóa. Ngoài ra, cơ sở đào tạo có sinh viên xin chuyển đến quyết định việc học tập tiếp tục của sinh viên, công nhận các học phần được chuyển đổi kết quả và số học phần phải học bổ sung, trên cơ sở so sánh chương trình đào tạo của trường sinh viên xin chuyển đi và trường xin chuyển đến.

Sinh viên cũng được xem xét chuyển ngành đào tạo, chuyển sang một phân hiệu khác của trường (hoặc từ phân hiệu về trụ sở chính) nếu không đang là sinh viên năm thứ nhất hoặc năm cuối, không thuộc diện bị xem xét buộc thôi học và còn đủ thời gian học tập, được sự đồng ý của người đứng đầu các đơn vị chuyên môn phụ trách chương trình, ngành đào tạo, người phụ trách phân hiệu hoặc của hiệu trưởng cơ sở đào tạo nơi chuyển đi và chuyển đến.

Bên cạnh đó, đối với phương thức đào tạo theo tín chỉ, sinh viên có thể đăng ký học thêm các học phần của một chương trình khác, ngành khác khi điều kiện của cơ sở đào tạo cho phép, nhưng chỉ được hưởng các quyền lợi chính thức và được xem xét công nhận tốt nghiệp chương trình thứ hai khi đã đăng ký thành công học chương trình thứ hai theo quy định.

Sinh viên được đăng ký học chương trình thứ hai sớm nhất khi đã được xếp trình độ năm thứ hai của chương trình thứ nhất. Tại thời điểm đăng ký, sinh viên phải đáp ứng 1 trong 2 điều kiện là có học lực tính theo điểm trung bình tích lũy xếp loại khá trở lên và đáp ứng ngưỡng bảo đảm chất lượng của chương trình thứ hai trong năm tuyển sinh; hoặc học lực tính theo điểm trung bình tích lũy xếp loại trung bình và đáp ứng điều kiện trúng tuyển của chương trình thứ hai trong năm tuyển sinh.../.

 
“Quy định này muốn khả thi thì cần phải có sự can thiệp của Nhà nước. Ví dụ, trong hệ thống cao đẳng cộng đồng quy định các trường top trên phải nhận bao nhiêu phần trăm sinh viên trường top dưới chuyển lên, chứ ít trường tự nguyện. Nhưng nếu can thiệp quá thì các trường sẽ phản ứng ngay vì ảnh hưởng đế quyền tự chủ của họ. Việc này nếu không quy định rõ sẽ có thể nảy sinh tiêu cực khi một sinh viên trường top dưới muốn chạy về trường top trên”, TS Lê Viết Khuyến.
 

Bình luận

    Chưa có bình luận