Tắc trách của Học viện Múa Việt Nam đẩy hơn 300 học sinh vào bế tắc

Sự tắc trách của lãnh đạo Học viện Múa Việt Nam đã đẩy hàng trăm học sinh của Học viện này đối diện với nguy cơ không bằng cấp, không thể kiếm việc làm…

 

Hàng trăm phụ huynh có con học tại Học viện Múa Việt Nam đã có đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng và báo chí vì con em họ tốt nghiệp ra trường nhưng không được cấp bằng nghề lẫn bằng văn hóa. Trong khi ngoài việc học chuyên ngành múa, con em họ hàng ngày vẫn học các môn theo đúng chương trình PTCS, PTTH, cũng có các kỳ kiểm tra, thi học kỳ văn hóa đều đặn từ lớp 6 đến lớp 12. Thế nhưng khi tốt nghiệp học sinh không được cấp bằng PTCS, PTTH và không được cấp bằng nghề.

Bà Phạm Thị Thúy ở (Hà Nội) cho biết con bà vừa tốt nghiệp Học viện múa và đã trúng tuyển ĐH Sân khấu Điện ảnh, tuy nhiên trường Đại học Sân khấu điện ảnh trả lại hồ sơ vì không có bằng tốt nghiệp PTCS, PTTH, khiến gia đình bà không biết xoay sở ra sao:

“Nếu nhà trường minh bạch, nhà trường phải thông báo cho chúng tôi nếu các con vào học văn hóa ở trường này sẽ không có bằng phổ thông cơ sở, PTTH, thì chúng tôi sẵn sàng cho con vào học văn hóa ở các trường bên ngoài và học chuyên môn tại học viện Múa. Nhưng điều đấy không xảy ra, nhà trường không hề thông báo gì cả, đấy chính là cái mập mờ của nhà trường về đào tạo văn hóa”.

Phụ huynh, học sinh của Học viện Múa Việt Nam kêu cứu.Sau khi đào tạo gần 7 năm chuyên ngành múa, các em cũng không được cấp cả bằng nghề, vì vậy cơ hội làm việc với chuyên ngành múa cũng khép lại. Bằng PTCS, PTTH cũng không có đồng nghĩa với việc không còn cơ hội học các trường Trung cấp, Cao đẳng hay Đại học, thậm chí không còn cả cơ hội làm công nhân, vì nơi nào cũng đòi hỏi bằng cấp. 325 học sinh của Học viện Múa Việt Nam đang không biết đi đâu về đâu khi tương lai mờ mịt.

Học sinh Vũ Mai Quỳnh Anh hoang mang: “Ra trường mình mà không có bằng cấp nếu không theo được múa thì cũng không làm được nghề gì khác nữa. Em lo lắng và em mong được cấp bằng hẳn hoi để nếu mình không xin được việc này mình có thể ra trường học trường khác".

Điều khiến cho phụ huynh bức xúc đó là khi tuyển sinh và giấy báo trúng tuyến của Học viện Múa đều thể hiện học sinh vừa học văn hóa, vừa được học chuyên ngành múa. Chỉ khi học sinh đã học xong 6-7 năm ra trường, và hàng loạt học sinh quay trở lại trường thắc mắc vì bị các trường Đại học trả lại hồ sơ do không có bằng THCS và THPT thì Học viện này mới thông báo đến phụ huynh. Bà Cung Thị Hải (quận Hoàng Mai, Hà Nội phụ huynh của học sinh Nguyễn Hữu Quỳnh bức xúc:

“Sau khi các con thi tốt nghiệp tháng 1/2021 nhà trường mới mời họp mới vỡ lẽ là tất cả không có một bằng gì, kể cả bằng chuyên môn cũng không được cấp. Khóa của con tôi là chịu nặng nề nhất, hoàn toàn sau 6 năm rưỡi học ra hoàn toàn tay trắng, trình độ chỉ dừng ở lớp 6. Chúng tôi đã gặp thầy giám đốc – thầy Hải để xin đặc cách cho các con, nhưng thầy bảo cái đó rất khó. Nhà trường đưa ra sáng kiến là cho các con học lại. Như khóa của con tôi các con 19 tuổi, chẳng lẽ giờ lại học lại từ lớp 7?”.

Phóng viên đã liên hệ nhiều lần để đăng ký làm việc với Ban Giám đốc Học viện Múa Việt Nam về nguyên nhân và phương hướng giải quyết, tuy nhiên các nhân viên văn phòng chỉ hứa sẽ có một buổi họp có báo chí tham gia để nhà trường trao đổi thông tin nhưng chưa xác nhận vào thời gian nào. Còn số máy di động của Giám đốc Học viện Trần Văn Hải luôn trong tình trạng "ngoài vùng phủ sóng".

Được biết, trước đó ngày 16/1/2021, Học viện Múa Việt Nam đã triệu tập đại diện phụ huynh tới họp và cho biết theo giấy chứng nhận Đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và xã hội) cấp năm 2017, Học viện Múa Việt Nam chỉ được đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp chuyên ngành múa.

Điều đáng nói là Học viện Múa Việt Nam không thông báo kịp thời tới phụ huynh và cũng không tổ chức liên kết với các cơ sở đào tạo văn hóa để học sinh theo học mà vẫn tự đào tạo các môn như trước đây. Sự tắc trách này đã dẫn tới hậu quả toàn bộ học sinh phổ thông học tại Học viện Múa Việt Nam không có mã định danh trong phần mềm quản lý giáo dục của Sở Giáo dục và đào tạo thành Phố Hà Nội, do vậy học sinh trường này không được cấp bằng tốt nghiệp THCS, THPT. Khi không có bằng THCS, THPT cũng đồng nghĩa học sinh không đủ điều kiện để được cấp bằng Trung cấp chuyên nghiệp hoặc Cao đẳng chuyên nghiệp như thông tin đăng ký thi tuyển đầu vào của Học viện Múa Việt Nam. Vậy là 300 học viên và gia đình họ vẫn đang "dở đi mắc núi, dở lại mắc sông", hoang mang trước ngưỡng cửa vào đời.

Nguyên Nhung/VOV1
Ảnh: Dân Việt, Tiền Phong

 

Bình luận

    Chưa có bình luận