Tự chủ giáo dục đại học: Nhiều 'điểm nghẽn'

Thực tế hiện nay khoảng cách về nhận thức và sự thiếu đồng bộ trong thể chế tự chủ đại học đã cản trở sự phát triển của loại hình đại học này.

 

Tự chủ là điều kiện cần thiết để nâng cao chất lượng.

Khoảng cách lớn giữa chính sách và thực thi

Việt Nam hiện có 23 trường đại học (ĐH) thí điểm thự chủ. Từ góc nhìn của cơ quan lập pháp, giám sát, ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định, tự chủ ĐH là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị ĐH tiên tiến nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, từ quy định chính sách đến thực tiễn thi hành cũng còn nhiều rào cản cần phải tháo gỡ, còn khoảng cách cần phải thu hẹp.Tự chủ ĐH còn nhiều vướng mắc, hoạt động của một trường ĐH được điều chỉnh bởi nhiều luật khác nhau, ví dụ về nhân sự sẽ được điều chỉnh bởi Luật Viên chức; tài chính tài sản thì phụ thuộc vào Luật Ngân sách, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý tài sản công; nghiên cứu khoa học thì phụ thuộc Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ. Theo ông Phạm Tất Thắng, tháo gỡ khó khăn không thể một sớm một chiều, cần sự vào cuộc của tất cả chúng ta và nhận diện được khó khăn về mặt thể chế, đề ra giải pháp tháo gỡ cho tự chủ ĐH.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, trong thời gian vừa qua, đổi mới GD-ĐH theo hướng tự chủ có thể nói là bước chuyển mang tính lịch sử. Quá trình tự chủ ĐH bắt đầu từ khi Thủ tướng Chính phủ có chủ trương thành lập hai ĐH Quốc gia ở Hà Nội và TP.HCM, với tinh thần tự chủ ĐH. Vì vậy, hai cơ sở này thành lập theo nghị định của Chính phủ và có dấu quốc huy.Sau đó, khái niệm quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của GD-ĐH lần đầu được đưa vào Luật Giáo dục năm 1998. Năm 2005, Chính phủ chỉ đạo thí điểm tự chủ ĐH nhưng còn gặp nhiều vướng mắc, trong đó có vấn đề tài chính. Những năm tiếp theo đã có sự thay đổi là các dự án thành lập trường ĐH xuất sắc như: ĐH Việt Đức, ĐH Việt Pháp, ĐH Việt Nhật, nhằm xây dựng những mô hình quản trị ĐH theo hướng tự chủ. Trong nước còn có những mô hình của một số trường ĐH ngoài công lập và trường công lập như: Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Kinh tế quốc dân và hai ĐH Quốc gia...

Nhằm luật hóa tinh thần tự chủ ĐH, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2018 ra đời. Chất lượng giáo dục ĐH có những cải tiến rõ rệt khi nhiều trường ĐH nằm trong tốp 1.000 trường ĐH hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, tại Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2020 “Tự chủ trong giáo dục đại học - từ chính sách đến thực tiễn”, lãnh đạo các cấp và đại biểu trong nước và quốc tế tham dự hội thảo đều thừa nhận, quá trình tự chủ ĐH tại Việt Nam đang có những “điểm nghẽn”. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, quản trị giáo dục ĐH ở Việt Nam bị phân mảnh trên nhiều bình diện, có nhiều khoảng cách giữa chính sách và thực thi, các cơ chế giải trình chưa hoàn thiện, các kết nối giữa cơ sở đào tạo và thị trường hạn chế, quản lý nhân sự học thuật bất cập.

“Mặc dù chính sách tự chủ ĐH đã được các cấp lãnh đạo cao của Đảng và Nhà nước đề xuất và đưa vào hệ thống luật lệ về giáo dục, nhưng nhận thức về chính sách này vẫn còn khoảng cách giữa cấp đề xuất và cấp áp dụng chính sách, cũng như giữa các cấp khác nhau thực thi chính sách trong thực tiễn. Chính điều này đã cản trở sự phát triển của loại hình đại học này”, Giáo sư Lâm Quang Thiệp.

Hội đồng trường phải có thực quyền 

Đề cập đến một “điểm nghẽn” của các trường trong quá trình tự chủ, bà Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội thẳng thắn cho rằng, có lẽ do quá quen thuộc với việc được “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn chi tiết, ám ảnh bởi cơ chế xin-cho và có lẽ cả lo sợ bị làm sai, phải chờ hướng dẫn cụ thể nên giờ đây, khi các cơ hội được tự chủ, tự quyết định và tự nắm vận mệnh của chính mình đang mở ra thì một số cơ sở GD-ĐH vẫn còn dè dặt và chờ đợi sự hướng dẫn từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

Còn ông Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng học viện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến vướng mắc là do cơ quan chủ quản của trường còn tâm lý “ôm”, chưa sẵn sàng giao tự chủ, trong khi nhiều trường vốn quen được ngân sách “nuôi”, nay phải gánh hai chữ “tự chủ” nên chưa sẵn sàng nhập cuộc...

Ông Phạm Tất Thắng khẳng định, nếu không làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý trực tiếp, nếu Hội đồng trường không được giao thực quyền, chế độ minh bạch thông tin chưa được thiết lập, thì hiệu quả quản trị nhà trường, chất lượng ĐH và công bằng xã hội khó có thể được cải thiện, thậm chí công sản đã đầu tư vào các ĐH công lập có nguy cơ bị khai thác vì lợi ích riêng.

Xung quanh vấn đề tự chủ ở ĐH Tôn Đức Thắng là bài học đối với nhiều trường, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, có hai điểm cần nhìn nhận rõ về tự chủ ĐH: Thứ nhất, phải quan niệm đúng về tự chủ ĐH. Tự chủ ĐH là được quyền quyết định căn cứ theo quy định pháp luật mà không phải theo cơ chế xin – cho, nhưng không phải tự do mà phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Một trường ĐH còn phải chịu sự chi phối của nhiều luật.Thứ hai, các trường thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Đương nhiên, để thực hiện tốt vai trò này thì các trường phải xây dựng tốt thiết chế Hội đồng trường. Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng có thiết chế Hội đồng trường nhưng có những vấn đề xảy ra gần đây xuất phát từ hai điểm nêu trên.

Trước những bất cập trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, có 2 việc rất quan trọng để thực hiện tự chủ theo đúng hướng và đúng quy luật. Thứ nhất, phải có Hội đồng trường thực quyền theo đúng quy định của pháp luật. Hoạt động theo cơ chế tập thể, Hội đồng trường sẽ ngăn chặn được những ý kiến cực đoan, nguy cơ sai phạm trong quá trình thực hiện tự chủ ĐH. Thứ hai, các trường đều phải xây dựng một bộ quy chế hoạt động đầy đủ, chi tiết theo quy định của pháp luật giống như “một bộ luật của trường” và phải công khai cho sinh viên, giáo viên, người dân quan tâm có thể cho ý kiến và giám sát như một số trường đã làm.

Chính phủ sẽ chắt lọc và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục điều chỉnh về hành lang pháp lý, cơ chế chính sách, tổ chức kiểm tra giám sát trong quá trình thực hiện tự chủ ĐH, đẩy nhanh việc điều chỉnh, sửa đổi những bất cập, hạn chế trong các văn bản dưới luật…/.

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận