Thêm một bộ sách có 'sạn'

Dư luận băn khoăn, liệu Bộ GD-ĐT đã có văn bản yêu cầu rà soát, điều chỉnh những nội dung không phù hợp trong 4 Bộ SGK lớp 1 còn lại hay chưa?

 

“Kết nối tri thức với cuộc sống” cũng nhiều “sạn”

Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Đoàn Phú Yên), cả 5 bộ SGK có vấn đề khác nhau, như về ngữ liệu, bản quyền, nếu chỉ rà soát một bộ sách là không công bằng.

Thực tế, mới đây, trên các trang mạng của giáo viên dạy sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” đã xuất hiện nhiều “tiếng than” của giáo viên vì sách nặng, khó dạy, ngữ liệu nhiều “sạn”, khó hiểu; nếu cho họ quyền tự điều chỉnh thời gian để dạy, họ cũng chịu, vì cấu trúc của sách rất nặng, không sửa được. Khá nhiều trang trong bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” “có vấn đề”, đơn cử, ở trang 115, bài “Cuộc thi tài năng trong rừng xanh” đã “nhồi” vào trí tưởng trượng non nớt của trẻ em một hình ảnh không có thật ngoài thiên nhiên: “Yểng nhoẻn miệng cười”. Để minh họa cho “nụ cười duyên” của yểng, trang 117 còn yêu cầu học sinh viết chính tả câu văn với hình ảnh con yểng há to mỏ. Tra từ điển, có thể thấy “nhoẻn” là động từ, có nghĩa “cười hé miệng”. Nếu trẻ hiểu “nhoẻn miệng cười” là há to miệng (mỏ) thì rất sai lệch.

 Ngoài ra, trong cuốn này còn có nhiều chi tiết được cho là phi lý khác. Bài trang 145 viết: "Ông mặt trời nhô lên từ biển. Mặt biển nhuộm một màu xanh biếc". Ông mặt trời nhô lên từ biển thì biển phải màu hồng chứ sao lại xanh biếc? Bài đọc trang 59 viết “chia dĩa” nhưng trên bàn thấy mấy cái đĩa rất to, dĩa thì phải căng mắt nhìn mới thấy. Giáo viên, phụ huynh người miền Nam cứ tưởng nói về những cái đĩa, vì tiếng Nam Bộ thì dĩa có nghĩa là đĩa.

Trang 147 cũng có 1 bài tập giải ô chữ gần kín cả trang, dài hơn 100 chữ, ngang với một bài tập đọc. Nhiều phụ huynh mệt nhoài theo con học cũng vì lý do này. Hay bài tập 2 (giải ô chữ) ở trang 167 còn có những câu bí hiểm hơn, ví dụ: “Ai ai cũng có/ Chẳng nặng là bao? Bạn ơi đi đâu/ Nhớ mang theo nhé (Là gì?)” Không biết cái mà “Ai ai cũng có, chẳng nặng là bao, đi đâu cũng mang theo” này là cái gì, gợi người ta suy diễn ra cái gì? Câu đố này, không hề có hình ảnh, chi tiết để trẻ em nhận dạng và liên tưởng đến vật dụng hay ngoài vật dụng nên mang theo mình thường xuyên. Ngữ liệu này cũng thể hiện sự cẩu thả, tùy tiện và gây khó cho giáo viên khi thực hiện bài học trên lớp. Những câu đố này được cho là tối nghĩa, nghèo nàn về hình tượng, cẩu thả trong biên soạn. Với những ngữ liệu này, không hiểu vì sao đến giờ bộ sách vẫn chưa được Bộ GD-ĐT yêu cầu sửa?

           Cần rà soát cả 5 bộ sách

 

Bên cạnh yêu cầu SGK Tiếng Việt 1 Cánh Diều chỉnh sửa, Bộ GD-ĐT đã có văn bản yêu cầu rà soát, điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp trong 4 Bộ SGK lớp 1 còn lại hay chưa?. Ngoài bộ “Cánh Diều” 4 bộ còn lại đều được dư luận, báo chí chỉ ra nhiều lỗi, trong đó có lỗi rất nghiêm trọng về Luật Sở hữu trí tuệ...” đại biểu QH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) - Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

        Xung quanh vấn đề tài liệu bổ sung, điều chỉnh ngữ liệu của sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 thuộc bộ sách Cánh Diều, nhiều chuyên gia, giáo viên cho rằng, nội dung chỉnh sửa SGK Tiếng Việt 1 Cánh Diều còn sơ sài, nhiều ngữ liệu vẫn chưa hợp lý, thậm chí vẫn sai.  PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Việt ngữ học, Trường Đại học KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: Qua những dữ liệu đưa ra để sửa, có thể nói người biên soạn tiếp tục mắc nhiều sai lầm. Cách chỉnh sửa SGK Tiếng Việt lớp 1 thuộc bộ sách Cánh Diều cho thấy những người biên soạn đang phá vỡ tính hệ thống của bộ sách. Trước hết, cần hiểu rằng, chức năng của một cuốn sách dạy Tiếng Việt không phải chỉ là dạy chữ, ghép vần một cách máy móc mà phải dạy Tiếng Việt có tính bài bản ngay từ đầu. Theo tinh thần đó thì việc đưa ra ngữ liệu chỉnh sửa như vừa rồi coi như là thất bại hoàn toàn. Càng sửa, càng thấy nhiều lỗ hổng trong tư duy của chính người biên soạn. Nói đơn giản là, đó là cách lấy cái sai này để thay thế cho cái sai khác. Trong khi đó, yêu cầu của việc dạy Tiếng Việt là phải đảm bảo tính chuẩn mực.

Còn chuyên gia giáo dục tiểu học Vũ Thu Hương cũng bày tỏ vẫn chưa thể yên tâm với tài liệu chỉnh sửa này. Bởi những phần chỉnh sửa, đính chính vẫn bị rối, đánh đố trẻ nhỏ vì vẫn phức tạp so với tầm nhận thức của trẻ em ở độ tuổi lên 6: "Việc thay thế từ câu chuyện này sang câu chuyện khác, từ từ này sang từ khác chỉ có thể giải quyết được những bức xúc. Ví dụ chữ “Quà quà” đã được thay thành “Quạ quạ” chỉ là an lòng dư luận, chứ chưa thực sự hiểu về tâm sinh lý trẻ em. Không ít ý kiến cho rằng, muốn dùng sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều thì phải biên soạn lại chứ không thể sửa kiểu “chắp vá” bởi những sai sót trong sách không thể coi là “sạn” mà là những lỗi sai cơ bản kể cả về phương pháp biên soạn, ngữ liệu, tri thức về ngôn ngữ học, về mục đích dạy Tiếng Việt.

Không chỉ có sách Cánh Diều, bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” mà kể cả những bộ sách còn lại, khi dư luận chưa nhắc đến không có nghĩa là đã tốt. Để đảm bảo công bằng minh bạch giữa các bộ SGK, theo các chuyên gia, đại biểu Quốc hội. thì Bộ GD-ĐT cần yêu cầu rà soát và công bố phương án điều chỉnh của những bộ sách còn lại, vì mục tiêu học sinh được học những bộ sách có chất lượng tốt nhất./.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận