Người thầy chắp cánh ước mơ sáng tạo cho học sinh miền núi Sơn La

Nhờ tận tâm, tận lực, tích cực sáng tạo, thầy giáo trẻ An Văn Thái đã chắp cánh cho nhiều ý tưởng nghiên cứu khoa học của học sinh vươn tới tầm quốc gia.

 

Sinh ra, lớn lên tại huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, năm 2003 khi 21 tuổi, thầy giáo trẻ An Văn Thái lên đảm nhận việc giảng dạy tại một trường học ở tỉnh miền núi Sơn La. Suốt những năm sau đó, nhờ tận tâm, tận lực, tích cực sáng tạo, thầy đã chắp cánh cho nhiều ý tưởng nghiên cứu khoa học của học sinh vươn tới tầm Quốc gia.

Thầy giáo An Văn Thái hiện là giáo viên giảng dạy môn Hóa học, trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn, thành phố Sơn La. Những năm trước đây, thầy giảng dạy tại trường Trung học cơ sở thị trấn Bắc Yên, huyện Bắc Yên (Sơn La). Đây là huyện vùng cao, đa phần học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, trình độ hạn chế, nên thầy luôn đau đáu làm thế nào để khơi dậy sự ham học và giúp các em nắm chắc được kiến thức qua từng tiết giảng.

Chắp cánh ước mơ sáng tạo của các em học sinh, giúp các em thêm yêu trường, yêu lớp.Sau nhiều đêm trăn trở, thầy đã nghĩ ra cách áp dụng lý thuyết vào thực tế, bằng việc khơi dậy và cùng các em thực hiện các mô hình nghiên cứu khoa học, qua đó đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các đồng nghiệp trong trường, cùng các em học sinh. 

Thầy giáo An Văn Thái chia sẻ: "Ở đây kiến thức là kiến thức tổng hợp, nó có thể liên quan đến nhiều bộ môn, do vậy có những lúc chính bản thân mình cũng còn thấy khó khăn, vì vậy mình cũng phải tìm hiểu thêm, rồi mình lại hỏi thêm các thầy cô đồng nghiệp phụ trách các bộ môn khác trong nhà trường để làm sao cộng đồng trách nhiệm, đưa được kiến thức đầy đủ nhất cho học sinh, giúp các em hoàn thành tốt dự án của mình".

Qua gần 20 năm công tác, thầy Thái đã khơi dậy và giúp đỡ các em học sinh thực hiện thành công hàng chục mô hình nghiên cứu khoa học, có tính thực tế cao, đạt được nhiều giải trong Hội thi khoa học kĩ thuật cấp thành phố, cấp tỉnh và cấp Quốc gia. Điển hình như: Mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ nguồn vi sinh vật sẵn có và phụ phẩm nông nghiệp của địa phương đã được nhiều hộ làm nông nghiệp áp dụng; Bộ thiết bị phân hủy dung dịch đa năng đạt giải nhất cấp thành phố, giải nhì cấp tỉnh, giải đặc biệt cấp Quốc gia phục vụ cho việc giảng dạy và học tập; hay như Lò đốt rác chạy bằng năng lượng mặt trời đạt giải nhì cấp thành phố, giải 3 cấp tỉnh và hiện đang dự thi giải sáng tạo khoa học thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc…

Là cán bộ cốt cán bộ môn Hóa học của thành phố Sơn La.Qua các mô hình nghiên cứu khoa học kĩ thuật thiết thực, thầy giáo Thái đã trở thành cầu nối giữa lý thuyết và thực hành, chắp cánh ước mơ sáng tạo cho các em học sinh, giúp các em thêm yêu trường, yêu lớp, phấn đấu học tập và rèn luyện.

Em Điêu Thị Minh Thu, học sinh lớp 9A, trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn, thành phố Sơn La cho biết: "Được tham gia dự án khoa học cùng với thầy Thái em thấy rất vui, vì em có cơ hội được mang những kiến thức ra thực hành. Những kiến thức trên lớp em được áp dụng vào thì em cảm thấy dễ hiểu hơn. Chứ không còn là những kiến thức hàn lâm, những bài tập vận dụng nữa, em hiểu được bản chất thật sự của vấn đề; nhờ vào đó việc làm bài trên lớp của em sẽ tốt hơn".

Thầy giáo An Văn Thái cùng các em học sinh bên công trình nghiên cứu khoa học Máy rèn, duỗi kim loại và hợp kim.Từ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, thầy An Văn Thái còn được nhà trường, ngành giáo dục thành phố tin tưởng giao công tác ôn thi học sinh giỏi môn Hóa học. Chỉ tính riêng từ năm học 2015 – 2016 đến nay, đã có 22 em học sinh của thầy đạt giải học sinh giỏi cấp thành phố và 31 em đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Hóa học lớp 9.

Thầy An Văn Thái cho biết, ngoài nỗ lực giúp các em học sinh xây dựng các mô hình nghiên cứu khoa học kĩ thuật, trong công tác giảng dạy, thầy luôn trau dồi kiến thức, kĩ thuật dạy học và đạo đức nhà giáo nhằm đưa đến cho các em học sinh nhiều kiến thức, kĩ năng, giúp các em hình thành năng lực cần thiết trong cuộc sống.

Thầy An Văn Thái nhấn mạnh: "Một số hình thức dạy học mới mình hay sử dụng, như là dạy học trải nghiệm. Tức là sẽ đưa các kiến thức thực tiễn để giúp các em dùng kiến thức lý thuyết giải quyết các vấn đề thực tiễn đó, từ đó khơi gợi cho các em nhu cầu tìm hiểu về khoa học. Có nhu cầu tìm hiểu khoa học thì các em sẽ có nhu cầu biết sử dụng những kiến thức mình đã học để phục vụ cho việc tìm hiểu đó".

Với những nỗ lực của bản thân, thầy giáo An Văn Thái đã 2 lần đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cùng nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh Sơn La và ngành giáo dục. Tuy nhiên, niềm vui lớn nhất với thầy là khi được chắp cánh cho những ước mơ sáng tạo của học sinh, áp dụng kiến thức nhà trường vào thực tế cuộc sống, trở thành con ngoan, trò giỏi, xứng đáng là những mầm non tương lai của đất nước./.

Trấn Long/VOV-Tây Bắc

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận