17 năm thắp sáng ước mơ cho trò vùng cao

Hơn 17 năm miệt mài gắn bó với nghề, cô giáo dân tộc Nùng Lê Thị Thu Trang trở thành tấm gương sáng về tinh thần xung phong "gieo" tình yêu văn nơi vùng cao...

 

 
Cô Lê Thị Thu Trang là 1 trong 63 giáo viên được tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 tổ chức vào trung tuần tháng 11/2020. Đây là chương trình nhằm tôn vinh và tri ân những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ của các giáo viên người dân tộc thiểu số đang trực tiếp dạy học ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Sáng ngày 16/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã gặp mặt 63 thầy cô tại Trụ Sở Chỉnh phủ. 

Cơm ăn không đủ no, vẫn “cháy bỏng” ước mơ nghề giáo

Dù trải qua tuổi thơ cơ cực nhưng với nghị lực và ý chí kiên cường, cô giáo Lê Thị Thu Trang đã đạt được những thành tích đáng khâm phục. Sinh ra ở huyện vùng cao duy nhất của tỉnh Thái Nguyên, nơi có tỉ lệ hộ nghèo cao, thu nhập cá nhân trung bình thấp, tuổi thơ của cô Trang hng ngày gắn với việc chăn trâu, cắt cỏ, mò cua, bắt ốc... Có những hôm Trangchỉ mơ được 1 bữa cơm trắng no bụng. Suốt những năm tuổi thơ và nhiều năm sau đó, Trang không có cuộc sống đủ đầy, thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần vì bố mẹ đi làm xa khi cô mới 2 tuổi. Hai chị em Trang phải ở với ông bà nội, ngoại, nhiều lúc chỉ có 2 chị em ở với nhau. Mẹ đi cả mấy tháng mới về một lần nên dù còn bé cô đã phải thay mẹ chăm sóc cho đứa em trai nhỏ. Rồi một ngày mưa phùn, gió bấc, hai chị em Trang phải theo mẹ gói ghém đồ đạc đi vào huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên để sinh sống. Đây là một nơi heo hút, dân cư thưa thớt, không có điện lưới, không nước sạch, không trạm xá và trường học. Nhà của gia đình được dựng tạm từ cỏ tranh và tường tre trát đất ở bên một quả đồi.

Ngay từ khi còn nhỏ tuổi Trang đã thấu hiểu được hoàn cảnh khó khăn của gia đình mình, ngày ngày cùng mẹ chăm chỉ cuốc đất trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn để ổn định cuộc sống và được đến trường như các bạn. Năm học mới đến, hai chị em mua được sách vở và bút, đựng trong túi ni lông vì nhà nghèo không có tiền mua cặp sách. Từ hồi lớp 1, khi học ở trên Khuẩy Chao, huyện Định Hóa, Thái Nguyên cô bé Trang phải đi đường rừng, lội suối để đến trường. Lên cấp 2, trường cô học cách nhà khoảng 20 km, nhưng đi đường rừng, lội suối nước chảy xiết rất nguy hiểm nên đến năm lớp 7 cô buộc phải ở trọ lại trường. Nhưng có những lần, nhớ nhà không chịu nổi cô lại lặn lội về thăm mẹ, thăm em.

Cũng từ chính những tháng ngày gian khó đã“nảy mầm” ước mơ trở thành cô giáo dạy chữ cho trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số để cuộc sống các em đỡ thiệt thòi. Xác định ước mơ, Trang càng cố gắng vượt qua khó khăn, quyết chí học hành. Suốt những năm học tiểu học và trung học, cô đều đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. Đặc biệt, vào tháng 7 năm 1995, vinh dự được chọn là đại biểu thiếu nhi xuất sắc của tỉnh Phú Yên đi dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc tại thủ đô Hà Nội. Đó là niềm tự hào và nguồn động lực để cô tiếp tục phấn đấu học tập và thực hiện ước mơ.

Mùa hè năm 1997, khi vừa tốt nghiệp THCS cho đến suốt những năm học cấp 3, cô xung phong tham gia Chiến dịch Thanh niên tình nguyện xoá mù chữ do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Phú Yên tổ chức. Cô rong ruổi đến các buôn làng dạy thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số biết đọc, biết viết, cô được cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với bà con buôn làng với bao kỷ niệm và cảm xúc không thể phai nhòa. Có lẽ những tháng ngày ấy đã góp phần “hun đúc”, truyền thêm sự kiên định để cô hiện thực hóa ước mơ cao đẹp: cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” nơi gian khó.

Trang chia sẻ: “Ngay từ hồi còn nhỏ xíu em đã ước mơ làm cô giáo bởi nhìn trong buôn làng thấy tụi trẻ con không được học hành gì rất tội, trong khi mình vẫn may mắn được đi học. Em chỉ mong mang được con chữ cho trẻ em nơi đây để giúp các em thay đổi cuộc sống...”. Năm lớp 12, là người dân tộc được học cử tuyển nhưng Trang đã chọn đi thi và đỗ vào trường ĐH Phú Yên, ngành Sư phạm Ngữ văn. Năm 2015 cô tiếp tục học cao học và tốt nghiệp thủ khoa Thạc sĩ Khoa học Giáo dục, chuyên ngành Giáo dục và Phát triển cộng đồng, ĐH Sư phạm Hà Nội. Gặp bao khó khăn, vất vả, cơ cực là vậy nhưng Trang đã vượt qua bởi luôn tâm niệm: “Sống là phải nỗ lực vươn lên không ngừng”.

Gieo mầm” tình yêu văn học

Tháng 10/2003, Trang được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Hinh phân công dạy học tại Trường Phổ thông cấp 2-3 Tân Lập, xã EaBar (nay là trường THPT Tôn Đức Thắng). Sau đó, cô được điều động đến dạy học tại trường THCS EaLy vào năm 2012 và chuyển đến giảng dạy tại trường TH và THCS EaTrol từ năm 2014 cho đến nay.

Trong 17 năm làm nghề, tất cả những ngôi trường Trang đã và đang công tác đều ở trên địa bàn xã nghèo, vùng sâu, vùng xa của huyện Sông Hinh. Học sinh theo học tại các ngôi trường này chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số người Êđê, Bana, Dao, Nùng… nên thường có tâm lý ngại giao tiếp, ít cởi mở, ít hòa đồng, ít dám thể hiện mình trước tập thể. Các em học sinh mặc dù biết tiếng phổ thông, đọc viết được nhưng để hiểu sâu về văn học thì cực kỳ khó khăn dẫn đến chất lượng dạy ngữ văn ở đây chưa được đảm bảo. Cô Lê Thị Thu Trang chia sẻ: “Thật lòng cũng có lúc tôi cảm thấy nản vì nhiều khi mình giảng phân tích các vấn đề văn học mà học trò cứ ngơ ngác không hiểu gì. Những lúc ấy tôi cảm thấy vô cùng bất lực, có những lúc rơi nước mắt nhưng vì lòng say nghề, yêu trẻ nên lại cố gắng vượt qua. Tôi luôn nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học làm cho học sinh thích môn của mình, bởi có thích thì các em mới học được. Tôi cố gắng khơi gợi cảm xúc về một tác phẩm văn học đến các em một cách chân thực nhất. Đến khi các em biết viết một đoạn văn hoặc một bài văn theo cảm xúc của mình mà không cần theo khuôn mẫu nào là tôi đã mừng rơi nước mắt”.

Bên cạnh đó, do mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán, nét sinh hoạt văn hóa riêng nên việc giảng dạy và học tập cũng gặp không ít khó khăn. Có những năm tỷ lệ học sinh bỏ học khá cao, bởi có những phụ huynh và học sinh cho rằng đi học là vì mục đích để sau này làm cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; còn nếu học xong lỡ không xin được việc làm trong nhà nước mà về làm rẫy thì không cần học để làm gì.Cũng có những hộ gia đình quá khó khăn về kinh tế nên không muốn cho con đi học, để ở nhà làm rẫy, chăn bò. Chính vì vậy mà hằng năm luôn có học sinh bỏ học giữa chừng. Trước tình hình đó, cô Trang không nề hà đường xá xa xôi, trời mưa hay nắng, đến từng nhà để tuyên truyền vận động phụ huynh thay đổi nhận thức về việc cho con đi học, đồng thời dốc lòng yêu thương, dạy dỗ, trao truyền cho học sinh kiến thức, truyền lửa cho các thế hệ học trò về nghị lực, lòng kiên trì vượt khó để nuôi dưỡng, đạt được ước mơ, hoài bão giống như mình hiện tại. Nhờ vậy tỉ lệ học sinh bỏ học của trường giảm dần theo từng năm.

 

Nỗ lực thắp sáng ước mơ cho trò

Cô Lê Thị Thu Trang chia sẻ: “Hơn 17 năm trời gắn bó với học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôi thấy vấn đề giảng dạy của giáo viên và chất lượng học tập của các em học sinh dân tộc thiểu số còn nhiều vấn đề đáng suy nghĩ và trăn trở. Chính vì thế, tôi đã nỗ lực đổi mới, sáng tạo phương pháp riêng để kèm cặp học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi và bước đầu đã đạt được hiệu quả đáng kể...”. Năm học 2007 – 2008, 5 em học sinh lớp 9 được Trang bồi dưỡng đều đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, trong đó có 1 học sinh đạt giải Ba, 2 học sinh đạt giải Khuyến khích cấp tỉnh. Từ đó đến nay, rất nhiều học trò của Trang cũng đã giành giải học sinh giỏi môn ngữ văn cấp huyện, cấp tỉnh. “Nhìn thấy cuộc sống của học sinh mình ngày càng thay đổi theo chiều hướng tích cực, nhiều em thành đạt trở thành bác sĩ, giáo viên, công an, quân đội... hoặc có em chỉ làm công việc bình thường nhưng làm người đàng hoàng, sống có ích tôi đã cảm thấy vô cùng mãn nguyện và càng thêm yêu nghề”.

Không chỉ làm tốt công việc ở trường, Trang còn phải chăm lo cho tổ ấm, nơi có mẹ chồng già hay đau yếu và con nhỏ cần chăm sóc. Chồng thường xuyên đi công tác, bồi dưỡng chuyên môn nên mọi việc lớn nhỏ trong nhà gần như một bàn tay cô lo liệu. Dù vậy, cô vẫn nỗ lực hoàn thành vai trò người mẹ, người vợ và người giáo viên tận tâm với học trò suốt hơn 17 năm qua. Cô trải lòng: “Những năm đầu, tôi gặp rất nhiều khó khăn do nhà cách xa trường đến 30 km. Hôm nào cũng đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về đến nhà. Có thời gian, con nhỏ nên trưa nào tôi cũng tất tả phóng xe về chăm con, xong vội quay trở lại trường. Hồi đó, mỗi ngày phải chạy xe cả trăm cây số, tôi chả khác gì “anh hùng xa lộ”. May mắn là chồng tôi luôn ủng hộ, chia sẻ và hỗ trợ tôi rất nhiều nên tôi đã vượt qua được mọi khó khăn...”.

Với những nỗ lực không mệt mỏi trong sự nghiệp trồng người, đóng góp cho ngành giáo dục tại địa phương, cô Lê Thị Thu Trang đã vinh dự nhận Bằng khen của UBND tỉnh Phú Yên, Sở GD-ĐT Phú Yên, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi” cấp huyện, cấp tỉnh, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, Giấy khen của Phòng GD-ĐT... Tuy nhiên cô tâm sự: “Gắn bó với nghề sư phạm, tôi luôn rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức; luôn tự học hỏi, bồi dưỡng thêm về chuyên môn nghiệp vụ, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, truyền lửa thắp sáng ước mơ cho học trò vùng cao, vùng dân tộc thiểu số để xứng đáng là nhà giáo như lời Bác Hồ dạy: “… Người thầy giáo tốt là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không có trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh…”.

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận