Trăn trở của những thầy cô bám bản 'gieo chữ'

'Điều kiện vật chất thiếu thốn đủ đường nhưng các giáo viên ở đây vẫn cố gắng công tác tốt ….'- đó là chia sẻ của một cô giáo gần 10 năm gieo chữ nơi vùng cao

 

Dạy chữ trong điều kiện thiếu thốn đủ đường

Tại buổi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gặp mặt 63 gương giáo viên dân tộc thiểu số được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô", khi tâm sự về những khó khăn, vất vả trong sự nghiệp “trồng người” nơi vùng cao, cô giáo Vàng Ha De bật khóc nói: “Do nhận thức còn hạn chế, nên nhiều phụ huynh ở địa phương chưa thật sự quan tâm đến việc học của con em. Những năm trước đây, ngày nào các thầy cô giáo cũng phải đến các bản, vận động từng học sinh tới trường. Lớp học của cô trò chúng tôi dựng bằng ván gỗ, điều kiện vật chất thiếu thốn đủ đường, nhưng tôi và các đồng nghiệp vẫn cố gắng vừa công tác tốt, vừa thay phụ huynh chăm lo cho học sinh từ việc giặt giũ đến vệ sinh cá nhân. Nhiều lúc, tôi chỉ thầm ước điểm trường được xây dựng kiên cố hơn, có nhà vệ sinh để cô trò bớt khó khăn...".

Cũng trong buổi gặp mặt tại Bộ GD-ĐT mới đây, cô Phùng Thị Thủy (người dân tộc Thái) gắn bó 5 năm với giáo dục vùng cao cũng bộc bạch: "Tôi công tác tại Điểm trường Mầm non xã Pa Thơm, là điểm trường xa nhất tại huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Điểm trường chưa có sóng điện thoại, chưa có điện, cho nên thường chỉ vào dịp cuối tuần, tôi mới được liên lạc về gia đình một lần".Trước đây, điểm trường của chúng tôi được phụ huynh học sinh góp sức trát bùn làm vách đất, mái cũng chỉ lợp lá, ngày mưa giáo viên muốn tới trường phải đi bộ hơn bốn giờ. Đến nay, dù cơ sở vật chất đã cơ bản được cải thiện, nhưng điểm trường vẫn chưa có điện. Trời lạnh đến mấy, cô trò cũng đều dựa vào nguồn điện năng lượng mặt trời ít ỏi để sinh hoạt mỗi ngày".

Cô Trần Thị Bích Thu, người dân tộc Cơ Tu, hiện giảng dạy tại một trường mầm non thuộc xã Hòa Bắc, Hòa Vang (Đà Nẵng) cũng nêu, khó khăn lớn nhất  đối với giáo viên là học sinh dân tộc thiểu số có vốn tiếng Việt hạn chế, chưa mạnh dạn khi giao tiếp; chưa tham gia sôi nổi các hoạt động và mức độ tiếp thu kiến thức không cao.Bên cạnh đó, hầu hết trẻ dân tộc thiểu số có thể trạng nhỏ bé, bởi đa số cha mẹ trẻ làm nương rẫy, điều kiện khó khăn, chưa thường xuyên tổ chức được bữa ăn đủ dinh dưỡng cho trẻ tại nhà. “Đây là vấn đề tôi trăn trở và rất mong trẻ dân tộc Cơ Tu nói riêng, trẻ em vùng kinh tế khó khăn nói chung được hỗ trợ để có thể nâng cao thể trạng, từ đó phát triển tốt hơn”, cô Thu.

Nhiều thầy cô cũng bày tỏ trăn trở khi khó khăn cả về cơ sở vật chất, điều kiện sống, môi trường dạy học vùng cao… dẫn đến chất lượng giáo dục cho trẻ dân tộc thiểu số còn hạn chế và mong muốn Chính phủ, Bộ GD-ĐT quan tâm nhiều hơn. Không ít ý kiến thầy cô đề xuất: Bộ GD-ĐT cần khảo sát thực tế để xây dựng đề án, phương án hoặc kế hoạch cụ thể trong công tác giảng dạy và học tập ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho phù hợp, mục đích là nâng cao chất lượng học tập của các em, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các em được học tập, nâng cao kỹ năng sống, để các em có kiến thức cơ bản khi bước vào đời. Vấn đề nữa là nên ưu tiên đưa giáo viên người dân tộc thiểu số của địa phương nào thì về dạy học tại địa phương đó - đây là phương án tối ưu nhất trong giai đoạn hiện nay. Vì giáo viên người địa phương họ am hiểu phong tục tập quán, văn hóa, tâm lý và các mối quan hệ gắn kết cộng đồng của học sinh là điều kiện thuận lợi nhất trong công tác giảng dạy và học tập.Có như vậy mới nâng cao được chất lượng dạy và học nơi vùng cao.

Biến“5 điều ước”của thầy cô thành hiện thực

Chia sẻ với những khó khăn vất vả của các thầy, cô giáo, Phó Thủ tướng ghi nhận và gửi lời cảm ơn các thầy cô giáo, trong đó có các thầy cô người dân tộc thiểu số, vượt qua rất nhiều khó khăn để chăm lo cho các em học sinh thân yêu, cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

Qua những tâm tư, nguyện vọng của các thầy, cô giáo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, sẽ vận động các cấp, các ngành và toàn xã hội chung tay hỗ trợ, cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, đời sống sinh hoạt, tinh thần của giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. “5 điều ước” được các thầy cô nhắc đến nhiều nhất đó là, các trường, điểm trường chưa có điện sẽ có điện, dù là điện lưới hay điện mặt trời; được phủ sóng điện thoại để tạo điều kiện cho các thầy cô sử dụng, cập nhật bài giảng, kiến thức giảng dạy mới; hỗ trợ học sinh ở các điểm trường xa có bữa ăn trưa; có đủ sách vở đồ dùng dạy học, nhất là bằng tiếng dân tộc; xây dựng nhà vệ sinh hợp vệ sinh.

Phó Thủ tướng mong muốn 63 thầy cô giáo dự cuộc gặp mặt sẽ trở thành những đại sứ đầu tiên của phong trào “5 điều ước”. Phong trào này sẽ trở thành một phân hệ của Đề án Hệ tri thức Việt số hóa, qua đó tất cả các trường, trước hết ở những vùng khó khăn, nói lên những “điều ước” rất cụ thể dựa trên điều kiện thực tế tại đơn vị mình, từ đó có cơ chế kết nối với những sự hỗ trợ nhằm biến “5 điều ước” trở thành hiện thực.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn các thầy, cô giáo được tuyên dương dịp này tiếp tục phát huy trí tuệ, bản lĩnh, luôn là tấm gương sáng trong ngành giáo dục, kiên trì trong vận động đồng bào dân tộc thiểu số đưa con em tới trường, duy trì việc học tập./.

 

 “Phát triển giáo dục thì đất nước mới phát triển. Đảng, Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác giáo dục-đào tạo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và các đối tượng diện chính sách” Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận