'Với giáo dục đặc biệt phải giữ mình để không bị 'biến chất'

'Chính những đứa trẻ đã cho tôi cơ hội để trưởng thành về mặt nghề nghiệp và để cá nhân mình được nhìn lại xem mình có 'biến chất' hay không…?'.

 

TS. Phạm Thị Bền, Giảng viên Khoa Giáo dục đặc biệt, trường Đại học Sư phạm Hà Nội tâm sự.

“Tìm được giá trị sống cho bản thân mình”

Từ ngày quyết định từ bỏ “mối tình” văn chương đến với Khoa Giáo dục Đặc biệt (GDĐB) mà theo TS. Phạm Thị Bền đó là “duyên nghiệp” cũng ngót nghét 20 năm. “Lúc nào tôi cũng cảm thấy yêu nghề. Mỗi một đứa trẻ gặp khó khăn về ngôn ngữ hoặc phát âm chưa đúng đến với tôi để được hỗ trợ đã có thể bật âm thành từ có nghĩa, điều đó làm tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Nụ cười, niềm vui của bố mẹ các cháu, của chính đứa trẻ đã níu giữ tôi ở lại với nghề cho tới ngày hôm nay”.

TS. Phạm Thị Bền, Giảng viên Khoa Giáo dục đặc biệt, trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Tốt nghiệp bằng Giỏi, khoa Ngữ Văn hệ đào tạo chất lượng cao, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cô Phạm Thị Bền chỉ nghĩ đơn giản rằng khi ra trường sẽ trở về quê dạy ở trường làng, rồi mở lớp ôn thi đại học mà theo cô “ngày đó ôn thi đại học kiếm được rất nhiều tiền”.

Tuy nhiên, “người tính không bằng trời tính”, ngày cô Bền tốt nghiệp cũng là ngày Khoa GDĐB được thành lập (tháng 6/2001). Thời điểm đó, lãnh đạo khoa GDĐB bày tỏ mong muốn “giữ chân” cô ở lại để dạy tiếng Việt và văn học trẻ em. “Tôi thấy bộ môn này cũng thích hợp thế là tôi quyết định về khoa mà chẳng suy nghĩ gì nhiều hơn”.

“Ngày đầu về khoa, tôi rất sốc. Đó là khi tiếp xúc với những đứa trẻ khiếm thính không có mắt, chỉ có lớp da trùm kín hết mặt. Đó là các bé khuyết tật trí tuệ, các cháu rất lớn mà tôi không biết nên làm gì với những đứa trẻ như thế này. Với tôi đó là nỗi ám ảnh lớn khi vừa rời ghế nhà trường, những tiếp xúc đầu đời không thể nào quên, có hôm về nhà tôi không thể nào nuốt nổi cơm. Lúc đó, tôi mới thực sự hiểu ra rằng tính “mơ mộng” của văn chương và “thô ráp” của khoa GD ĐB là như thế nào?”, cô Phạm Thị Bền chia sẻ.

Mặc dù tính chất nghề nghiệp như vậy, nhưng cô vẫn tiếp tục công tác tại Khoa GDĐB bởi vì “có những cái chạm và làm thay đổi giá trị sống của tôi. Nếu như ở khoa Văn, tôi luôn mặc cảm về ngoại hình của mình và xem đó là điều không may mắn, nhưng khi về đây khi tận mắt chứng kiến những đứa trẻ lớn mà không nói được thì tự nhiên suy nghĩ trong tôi dần thay đổi, hiểu chính mình hơn, lạc quan hơn bởi xung quanh cuộc sống còn nhiều điều bất hạnh hơn”.

Từ con số 0 trở thành chuyên gia về âm ngữ trị liệu

Với tình yêu dành cho trẻ khuyết tật và nội lực lớn, cùng với tinh thần ham học hỏi, cô Bền tiếp tục theo học văn bằng 2 Khoa GDĐB (2003). Trong quá trình học, cô lại đăng ký học thêm tiếng Anh. Năm 2005, thi đỗ IELTS và nhận được học bổng Eramus Mundus. Năm 2006, cô Bền tốt nghiệp Thạc sĩ GD ĐB tại Trường Đại học Roehampton, London, Vương quốc Anh. Năm 2018, cô nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Charles Sturt Australia theo Học bổng Chính phủ Australia.

Cô Bền tâm sự vui rằng: “Tôi thường nói đùa với cha mẹ học sinh rằng, tôi thực sự cảm ơn các cháu khuyết tật, nhờ các cháu mà tôi được đi nước ngoài”.

TS. Phạm Thị Bền đã có 8 bài báo quốc tế về ngôn ngữ trị liệu; các công trình nghiên cứu về công cụ đánh giá chuẩn phát triển của lời nói...

Cho đến thời điểm hiện tại, cô Bền vẫn cần mẫn dậy từ 4h sáng tham gia khóa học online với chuyên gia ở Mỹ. Cô quan niệm rằng “Bản thân mình hướng dẫn sinh viên, hướng dẫn cho giáo viên của mình, sau đó lại hướng dẫn cho trẻ và phụ huynh của trẻ, vì thế phải không ngừng học hỏi. Bởi về mặt khoa học luôn có sự thay đổi từng ngày, mà ngành GDĐB là nghề rất vất vả, nếu không tiếp thu cái mới sẽ dễ nhàm chán và khó tìm ra phương pháp hỗ trợ trẻ”.

Nói về giảng viên Phạm Thị Bền, TS. Hoàng Thị Nho – Phó Khoa GDĐB, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: “Là một người đồng nghiệp, tôi thấy ở cô Bền có sự nhiệt tâm và nhiệt thành với nghề. Bằng sự cố gắng và tình yêu đặc biệt dành cho đối tượng yếu thế, mỗi một công trình nghiên cứu của cô Bền và cộng sự góp phần đem lại nguồn tài liệu phong phú cho quá trình giảng dạy và các công trình áp dụng thực tiễn đạt kết quả cao.

Hiện tại, cô là đại diện của Việt Nam tham gia đề tài nghiên cứu về “Đạo đức hành nghề” trong đào tạo ngôn ngữ trị liệu do Hiệp hội Trị liệu Australia tài trợ để xây dựng những bộ tài liệu giúp các nhà chuyên môn khi làm việc nhằm đảm bảo quyền lực đạo đức nghề nghiệp. Làm việc với các nhà chuyên môn Đại học Santiago của Mỹ về sự phát triển ngôn ngữ và đọc viết của trẻ em để nhận diện, hỗ trợ cho trẻ có rối loạn về ngôn ngữ áp dụng cho các bé bắt đầu đi học mầm hon đến học sinh lớp 1, lớp 2”.

Bằng những nghiên cứu tích cực, TS. Phạm Thị Bền đã có 8 bài báo quốc tế về ngôn ngữ trị liệu; các công trình nghiên cứu về công cụ đánh giá chuẩn phát triển của lời nói: thứ nhất là đánh giá lời nói Việt (VSA), tiêu chuẩn đánh giá lời nói của trẻ em; Thứ 2 là bộ sàng lọc ngôn ngữ Việt để nhận diện trẻ đang gặp khó khăn về ngôn ngữ. Ngoài ra cô còn biên dịch 5 công cụ đánh giá ngôn ngữ của nước ngoài và đã chuẩn hóa 2 công cụ áp dụng thực tế vào trẻ em Việt Nam, đó là tính dễ hiểu của lời nói và đánh giá về kết quả giao tiếp của trẻ dưới 6 tuổi.

Giáo dục đặc biệt vừa là khoa học, vừa là nhân đạo

20 năm gắn bó với khoa GDĐB, TS. Phạm Thị Bền thấy rằng: “Giáo dục đặc biệt vừa là khoa học, vừa là nhân đạo. Từ ngày về khoa, tiếp xúc với người yếu thế, làm việc với người yếu thế và bản thân mình cũng về đội của những con người yếu thế. Vì vậy, tôi luôn nỗ lực tìm mọi cách hỗ trợ chính đáng tới người yếu thế”.

Bây giờ GDĐB là ngành “trăm hoa đua nở”, mọi người nghĩ rằng đây là nghề kiếm tiền rất dễ nên nhảy vào. Với cô Bền, đây là ngành không hề dễ nếu như làm việc bằng trách nhiệm lớn. “Bởi có những ca rất khó và chính mình cũng không biết sẽ phải hỗ trợ cho đứa trẻ đó như thế nào và bản thân mình chỉ nghĩ phải nỗ lực hết sức bởi đó là cả một chặng đường dài.

Khuyết tật là ảnh hưởng suốt đời, mỗi một giai đoạn phát triển của đứa trẻ kéo theo là một loạt các khó khăn. Với người trục lợi, họ đưa ra những lời hứa phản khoa học, nhằm thực hiện chiêu bài đánh bóng, còn người làm chuyên môn thực sự, họ sẽ chẳng đưa ra những lời có cánh như thế. Theo tôi, với giáo dục đặc biệt phải giữ mình để không bị “biến chất””.

20 năm gắn bó với khoa GD ĐB, TS. Phạm Thị Bền thấy rằng: “Giáo dục đặc biệt vừa là khoa học, vừa là nhân đạo.

Cũng theo TS. Phạm Thị Bền: “Hiện nay, tôi thấy ai cũng có thể trở thành chuyên gia, ai cũng trở thành thầy, nhưng độ sâu về chuyên môn còn hạn chế, chưa có cơ quan nào để kiểm định, sàng lọc những nhà chuyên môn này được đào tạo như thế nào… Tuy nhiên do nhu cầu quá lớn, phụ huynh không biết dựa vào đâu để con được đánh giá đúng. Bản thân họ đã quá khó khăn với đứa trẻ, bây giờ thêm việc thẩm định chuyên gia thì quá ư là ngặt nghèo…”.

Ngoài giảng dạy chuyên môn tại trường, cô Bền còn mở dịch vụ sau giờ học để hỗ trợ trẻ chậm nói, trẻ rối loạn âm lời nói, trẻ rối loạn ngôn ngữ, trẻ nói khó, trẻ rối loạn phổ tự kỷ, khiếm thính, khuyết tật trí tuệ, bại não....Theo cô, mỗi cháu là một trường hợp khác nhau, nặng nhẹ theo từng mức độ. Ngay lúc này, biện pháp đầu tiên là hỗ trợ tâm lý cho cha mẹ học sinh. “Tôi không nói dối cha mẹ về tình trạng của con họ mà tôi nói thật, nhưng không nói hết cùng một lúc mà để họ chấp nhận dần dần. Nếu như phụ huynh mà sốc về tâm lý thì sẽ rất khổ cho đứa bé đó. Đó là cách mà tôi đang làm với hầu hết các cha mẹ có con khuyết tật nặng”, cô Bền chia sẻ./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận