Nhà giáo giỏi sẽ là tài sản vô giá của giáo dục nghề nghiệp

'Chúng ta sẽ hoàn thiện chế độ đãi ngộ để khuyến khích nhà giáo yên tâm gắn bó với nghề, thu hút được người có trình độ trở thành nhà giáo giáo dục nghề nghiệp'

 

Ngày 17/11, tại hội thảo “Xây dựng và phát triển đội ngũ Nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025”, PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và nhất là sự dịch chuyển lao động buộc các giáo viên dạy nghề không chỉ đạt chuẩn về chuyên môn mà phải đổi mới phương pháp giảng dạy để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

“Chuyển đổi số đặt ra cho các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp không chỉ là công nghệ mà còn về tư duy thiết kế bài giảng, về các điều kiện để thích ứng với liên thông trong đào tạo” - PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, hiện cả nước có 86.910 nhà giáo đang giảng dạy ở 2.957 cơ sở Giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 51% nhà giáo vừa dạy được lý thuyết vừa dạy được thực hành. Có những nhà giáo dạy lý thuyết nhưng hạn chế về kỹ năng nghề và ngược lại nhiều giáo viên dạy thực hành tốt lại hạn chế kiến thức về chuyên môn.

PGS.TS Cao Văn Sâm, nguyên phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp khẳng định, chất lượng đội ngũ nhà giáo có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực, thậm chí mang tính quyết định đến chất lượng đào tạo. Do vậy, để nâng tầm nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cần phải giải quyết ba vấn đề: Đào tạo bồi dưỡng, sử dụng - đãi ngộ và tôn vinh tạo vị thế cho nhà giáo.  

"Chính sách, đãi ngộ nhà giáo dù đã được cải thiện nhưng trong lĩnh vực nghề nghiệp mức thu nhập còn hạn chế và trở thành rào cản để họ tâm huyết phục vụ nghề. Chúng ta không chỉ cải thiện thu nhập mà cần phải thường xuyên tuyên dương giáo viên giáo dục nghề nghiệp ở các cấp để tạo vị thế cho nhà giáo” - PGS.TS Cao Văn Sâm nêu ý kiến.

Không chỉ vậy, ông Sâm cũng đề nghị cần hoàn thiện tiêu chí, quy trình xét Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo Nhân dân trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp với những tính chất đặc thù của nghề nghiệp.

Để nâng tầm nhà giáo, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025, 100% nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp phải đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ giảng dạy các ngành, nghề trọng điểm quốc gia, quốc tế và Asean, 70% giáo viên dạy các trường nghề được nâng cao năng lực ngoại ngữ và năng lực hội nhập quốc tế...

Đặc biệt, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển đội ngũ nhà giáo. Trong đó sẽ có cơ chế đãi ngộ thu hút đội ngũ kỹ sư, cử nhân, nghệ nhân, người có kỹ năng cao đã làm việc tại doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trở thành nhà giáo giáo dục nghề nghiệp. Bởi như khẳng định của PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương, những nhà giáo giỏi sẽ là tài sản vô giá của hệ thống Giáo dục nghề nghiệp./.

Theo Bá Duy/VOV2

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận