'Sạn' sách giáo khoa làm sao 'nhặt' hết?

Với quy trình thẩm định sách giáo khoa (SGK) như vừa qua thì việc 'nhặt sạn' không chỉ dừng ở 1 cuốn sách.Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần công khai rộng rãi để 'nhặt sạn'.

 

Không chỉ sách Cánh Diều bị “lỗi”

Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu nhà xuất bản và tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính, tuy nhiên vẫn còn nhiều băn khoăn thắc mắc xung quanh quá trình thẩm định SGK, với lo ngại những “hạt sạn” không chỉ dừng lại ở 1 cuốn SGK(Bộ GD-ĐT phê duyệt 5 bộ SGK lớp 1). Hiện có tới 49 cuốn được sử dụng trên toàn quốc và chưa rõ quá trình thực nghiệm được tiến hành ra sao, bởi việc này được phó mặc cho tác giả và các đơn vị kinh doanh SGK. Không ít giáo viên (GV), chuyên gia giáo dục đều nhận xét nội dung kiến thức trong cả 5 bộ SGK là quá nặng với học sinh (HS) vừa bước qua tuổi mẫu giáo.

 

Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Hà Nội cũng thẳng thắn cho rằng, nếu “nhặt” thì cả 5 bộ sách trên đều có “sạn” và quá tải, chứ không chỉ có sách Cánh Diều. Nhiều phụ huynh, GV cũng chỉ ra nhiều "sạn" ở các cuốn sách Tiếng Việt khác, đơn cử như sách Tiếng Việt 1 - bộ "Cùng học để phát triển năng lực" của NXB Giáo dục Việt Nam. Trong cuốn sách này, nhiều truyện dân gian, thơ, câu đố bị cắt xén tùy tiện. Ví dụ trang 109, sách dẫn truyện "Tấm Cám" như sau: "Tấm mồ côi mẹ, phải ở với mẹ kế là mẹ của Cám. Tấm rất chăm chỉ. Ngày ngày, Tấm mò cua, bắt cá, chăn trâu, cắt cỏ... Còn Cám ham chơi, chả chịu làm gì. Có lần, cả hai đi bắt cá. Cám nghĩ kế lấy hết cá ở giỏ của Tấm để mẹ khen".Trên thực tế, đây chỉ đoạn mở đầu của truyện "Tấm Cám". Cắt ra một mẩu mà lấy tên truyện là "Tấm Cám" thì rõ ràng tác giả sách đã không chuẩn. Tại trang 139 bài tập đọc có đoạn: "Tròn vành vạnh, trắng phau phau/ Ăn no tắm mát rủ nhau đi nằm", bên cạnh là bức tranh vẽ 6 cái bát.  Một GV chia sẻ, sách dạy như thế này thì HS không thể biết được là cái bát hay nhiều cái bát. Mà thực tế, bát cũng không chuẩn vì chỉ có đĩa mới "tròn vành vạnh". Cũng trong sách này, các tác giả cũng tự chỉnh sửa nhiều tác phẩm theo ý mình.

Trong quá trình lựa chọn SGK, đã có không ít trường “nhặt sạn” trong các bộ sách, tuy nhiên nó có được công khai hay không lại là chuyện khác. Bởi hầu hết các lỗi trong bộ SGK lớp 1 chỉ được cư dân mạng phát hiện ra, còn những người đứng lớp trực tiếp hầu như  không lên tiếng. Hơn nữa từ trước đến nay họ mặc nhiên coi “SGK là pháp lệnh”.  Mới đây tác giả Phan Tuyết (Bình Thuận) có viết bài “Dư luận bàn tán ầm ầm về Tiếng Việt 1 Cánh Diều, vì sao GV im lặng?”,trong đó nêu: “Ai ra lệnh cho giáo viên im lặng thì không biết, chỉ biết rằng trong các cuộc họp hội đồng, người thường xuyên nhắc nhở giáo viên không được chia sẻ, like, bình luận vào những bài viết về những tiêu cực của ngành giáo dục là những hiệu trưởng các trường học”. Thực tế, nếu GV có phản biện, cũng đành giấu tên tuổi, địa chỉ công tác để tránh rắc rối.

Nội dung bài học nào cũng nặng

Ở bộ sách “Cùng học để phát triển”, sách Tiếng Việt có lượng âm vần trong từng bài không vừa sức với đối tượng HS lớp 1. Bắt đầu từ bài 5, rất nhiều bài dạy 3 vần mới, kể cả những vần khó “iêu, yêu, ươu”, “up, ươp, iêp”, “iêc, uôc, ươc”, “oac, oăc, oach”... sẽ là quá nặng cho dạy và học. Tập 2, phần luyện tập tổng hợp dạy ngay từ tuần 19, nội dung bài nào cũng quá nặng, yêu cầu dạy viết chữ hoa lúc này là quá sớm.

Bộ sách “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong trường học” cũng rơi vào tình trạng tương tự lượng âm vần trong từng bài quá nhiều. Ví dụ, bài 11, dạy 3 âm mới: “h-k-kh” và đã dạy HS về các bộ phận của câu qua các câu hỏi Ai? Có gì?. Đây là dạng bài học ở lớp 2 trong chương trình hiện hành...

Bộ Sách “Chân trời sáng tạo” cấu trúc mỗi chủ điểm có 5 bài. Cách đặt tên bài theo thứ tự trong từng chủ điểm như vậy không phù hợp. GV sẽ khó khăn khi hướng dẫn HS mở sách học bài cũng như dặn dò HS chuẩn bị bài, ôn luyện bài khi ở nhà. Lượng âm vần trong từng bài không vừa sức. Mỗi tuần có 4 bài, nội dung các phần trong 1 bài sẽ rất khó khăn cho GV trong việc phân phối chương trình các tiết học của 12 tiết Tiếng Việt/1 tuần.

Sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”, sách tập 1, các bài ôn tập đều quá nặng đối với HS lớp 1. Bài 29, luyện tập chính tả, Phân biệt “c với k”, “g với gh”, “ng với ngh”. Đây là dạng bài tập của lớp 2 hiện hành và cũng không thể phân biệt đến 3 cặp âm đầu được...

Cô Phan Tuyết cho biết, từ kinh nghiệm dạy học của mình ngoài thực tế, tất cả GV chúng tôi cùng có chung một nhận xét nội dung kiến thức trong những bộ SGK mới là quá nặng với HS vừa bước qua tuổi mẫu giáo. Nhiều bài tập đọc nội dung dài, có những bài của lớp 2 được đưa xuống làm tư liệu học cho HS lớp 1.

Công khai rộng rãi để “nhặt sạn”

Thực tế, năm học này SGK không còn là “pháp lệnh”, đã đến lúc có cái nhìn khách quan, sách cũng do con người viết, có thể đúng, có thể sai. Thấy có “sạn” phải nhặt để tránh dạy những kiến thức sai cho học trò, chứ không phải cứ “nhắm mắt” và coi SGK là pháp lệnh như trước.  Năm sau, quyền chọn sách giáo khoa do Ủy ban nhân dân tỉnh, khi đó số thành viên chọn sách sẽ rất ít so với năm học 2020 – 2021. Ít người liệu có thấy hết “sạn” mà tránh? Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần có giải pháp công khai SGK điện tử, xã hội hóa chuyện nhặt sạn SGK trước khi phê duyệt, “đông người nhặt thì sạn sẽ bớt đi”. SGK là hàng hóa đặc biệt, không thể chấp nhận hàng lỗi. Vì thế, cần có cơ chế xử phạt đặc biệt với những bộ sách, cuốn sách có “nhiều sạn" để những người viết sách, nhà xuất bản mới có trách nhiệm “nhặt sạn” trước khi xã hội “nhặt” giùm.

Để tránh những "sạn" như SGK Tiếng Việt 1 được dư luận phản ánh thời gian qua, tới đây Bộ GD-ĐT sẽ thắt chặt hơn nữa việc thẩm định sách lớp 2 và lớp 6.Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ sẽ thực hiện 3 điều chỉnh quan trọng trong công tác thẩm định SGK lớp 2 và 6. Thứ nhất, thực hiện kiểm soát chặt chẽ quá trình thực nghiệm SGK. Bộ GD-ĐT sẽ trực tiếp tham gia chỉ đạo, phối hợp các nhà xuất bản, tác giả tổ chức việc thực nghiệm (trước đây là nhà xuất bản và tác giả tự tổ chức thực nghiệm SGK lớp 1). Thứ hai, cần tăng cường việc thẩm định nội bộ tại các nhà xuất bản để nâng cao chất lượng bản mẫu SGK trước khi gửi lên Bộ thẩm định. Hội đồng quốc gia thẩm định SGK sẽ đánh giá, nhận xét, góp ý để tác giả tiếp tục hoàn thiện bản mẫu SGK. Thứ ba, Bộ GD-ĐT sẽ mở rộng thêm đối tượng góp ý cho bản mẫu SGK, có thể bằng cách đăng lên mạng bản mẫu SGK dạng PDF để xin ý kiến góp ý, nắm bắt kênh thông tin trên diện rộng, đa chiều từ giáo viên, cán bộ quản lý, các nhà khoa học và người dân. Trên cơ sở các ý kiến phản ánh, Bộ sẽ nghiên cứu để kịp thời đề ra các giải pháp bổ sung trong quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Hiện Bộ GD-ĐT đang yêu cầu nhà xuất bản và tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính, gửi Hội đồng thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét phê duyệt nội dung chỉnh sửa trước ngày 15/11. Mặc dù vậy, không phải ai cũng thỏa mãn với việc sửa đổi, điều chỉnh SGK vì cho rằng nó không giải quyết tận gốc sự việc. Điều khiến nhiều phụ huynh lo lắng là chương trình, SGK môn Tiếng Việt có vẻ trái ngược với tinh thần giảm tải khiến cho cả GV và HS đều đang vất vả làm quen./.

“Rút kinh nghiệm việc chỉ đạo biên soạn, tổ chức thẩm định SGK lớp 1 mới, yêu cầu các thành viên Hội đồng thẩm định cần nắm chắc, bám sát chương trình tổng thể, chương trình từng môn học, lưu ý việc bảo đảm độ tương đồng giữa SGK và chương trình. Bên cạnh tính tinh giản, kế thừa, các thành viên khi thẩm định cần xem xét kỹ về ngữ liệu, ngôn ngữ của từng bản mẫu SGK, có trách nhiệm cùng với bộ trong việc giải trình trước xã hội. Bởi vậy, mong rằng các thành viên tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm việc nghiêm túc, chặt chẽ, khoa học, khách quan, góp phần mang tới những cuốn SGK lớp 6 chất lượng tốt nhất. Hiện có 40/46 cuốn SGK lớp 6 được tiếp tục thẩm định ở vòng 2.”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ.

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận