Người truyền lửa then ở thành phố mang tên Bác

Trong một chuyến đi công tác, tôi nhận được lời giới thiệu rất trân trọng của một người bạn rằng:'Anh muốn em gặp một người phụ nữ đặc biệt'.

 

Người đàn bà ấy đang múa then trước mặt tôi - chính xác là nhập then.

Đôi mắt nhắm nghiền, đôi tay vươn lên, múa những động tác theo lời then vang ra từ chiếc máy tính samsung để trên bàn làm việc. Cả người má rung theo điệu then, nhập hồn trong tiếng đàn tính và những điệu Hoa xuân.

Má Ngọc Thanh!

Sinh năm Tân Tỵ - 1941, trải qua gần 80 mùa xuân với những thăng trầm của số phận, thấu hiểu mọi lẽ trên cuộc đời, nhưng như má bộc bạch: Không thể lý giải được má đến với then hay then đã chọn má như là một mối duyên tiền định?

Bao năm qua, má ôm ấp hồn then trong người, như lời má nói, nó cứ lủng củng trong người, buộc phải thốt nên những lời ca then. Viết lời cho then như là một cách để má tỏ bày, tri ân với đất nước, với cuộc sống con người, với những ân tình, ân nghĩa mà má đã may mắn được gặp.

Và câu chuyện cuộc đời má phải lần lại những kỷ niệm, để có thể lý giải được câu hỏi: Tại sao, một Việt kiều Pháp, sinh ra và lớn lên ở miền Nam, mấy chục năm chưa từng sống một ngày ở Việt Bắc, tâm hồn lại chứa chan mạch nguồn trong trẻo để khi có cơ duyên là chắp cánh lời thơ cho những điệu then bay lên, với hoa đào, hoa mai, hoa cúc, với đàn ca non nước ngọt ngào sâu lắng bát ngát xuân tình?

Một sớm mùa xuân bên bờ sông Sài Gòn đầy nắng, dưới tán của cây mai vàng và giàn bông giấy rực rỡ, nghe tiếng gió mặn mòi mùi phù sa thổi qua vòm lá, má kể lại cho tôi những khúc quanh định mệnh, những ngọt ngào lẫn đắng cay, tình yêu lứa đôi, nỗi thất vọng về hạnh phúc, con đường chông gai vất vả khi rời quê hương ra đi và ngày quay lại Việt Nam. Tất cả sống động như một cuốn phim tài liệu.

Má Thanh quê gốc ở Thanh Hóa, sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Tiền Giang, từng là cô giáo dạy Văn ở trường Minh Đức (TP.HCM). Năm 1964, cô gái Ngọc Thanh kết duyên với tài tử điện ảnh Trần Quang.

Năm 1974, cuộc hôn nhân tan vỡ khi Ngọc Thanh vừa sang tuổi 33. Một mình nuôi 4 đứa con, người mẹ trẻ xinh đẹp ấy đã phải chịu đựng bao vất vả gian nan, bao cám dỗ trong cuộc mưu sinh để đến hôm nay, má ngẩng cao đầu vì đã kiên cường làm việc và nuôi dạy các con mình sống ngay thẳng, tình nghĩa, học hành tử tế nên người. Những bi kịch của cuộc sống dường như giờ đây không còn để lại chút dấu vết gì trên gương mặt người mẹ này, khi má chìm vào những điệu then, gương mặt sáng rỡ một niềm hạnh phúc.

Mối duyên của má Ngọc Thanh với hồn then cũng thật tình cờ. Sau 15 năm định cư ở Pháp, cuộc sống ổn định, các con của má cũng định cư ở Pháp và Mĩ, nhưng má nhất định trở về Việt Nam.

Má Thanh lưu trữ nhiều nhạc cụ trong nhà.

Năm 2001, doanh nhân Ngọc Thanh trở về đầu tư ở quê nhà và gặt hái được nhiều thành công. Một lần ra miền Bắc, lên Cao Bằng, thăm những di tích lịch sử ở chiến khu Việt Bắc, tại đây, lần đầu tiên, má được nghe đàn tính - hát then của người Tày Nùng. Ngay lập tức, má bị cuốn hút bởi những làn điệu trữ tình, mượt mà, sâu lắng của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Mối duyên với hát then - đàn tính được bén rễ. Gần 20 năm trôi qua, má Thanh trở thành người đàn bà then, say mê, lặn lội khắp các tình miền núi, kết nối với các nghệ nhân, các đơn vị văn hóa để tìm hiểu những giá trị của loại hình âm nhạc dân gian độc đáo này. Đồng thời, má bắt đầu hành trình mang then vào “định cư” ở thành phố mang tên Bác.

Trong quãng gần 20 năm, tình yêu với hát then - đàn tính được má Ngọc Thanh nhân lên thành ngọn lửa, cháy sáng và lan tỏa ấm áp đến những người xung quanh. Má đã âm thầm gây dựng, kết nối, vận động và tập hợp bên mình những thành viên tâm huyết để cho ra đời CLB hát then - đàn tính Ngọc Xanh với 27 thành viên, tại khu phố 3, phường An Phú Đông, quận 12, TP.HCM.

Từ một doanh nhân, với tình yêu đàn tính - hát then, má Ngọc Thanh đã trở thành một nhà thơ của Then. Những lời thơ của má giản dị mộc mạc, cất lên từ cuộc đời của một người đàn bà qua bao chìm nổi đắng cay, chứa đựng tình cảm sâu nặng với đất nước, quê hương.

          Năm 2010, trong dịp Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, CLB Hát then - đàn tính Ngọc Xanh đã vinh dự được TP.Hà Nội mời ra tham gia chương trình biểu diễn phục vụ nhân dân Thủ đô. CLB Ngọc Thanh đã trình diễn nhiều bài then cổ của đồng bào dân tộc Tày và một số bản then hiện đại của má Ngọc Thanh do Hoàng Quân phổ nhạc như: Mây núi rừng then, Hoa xuân, Mùa xuân hát mãi câu then và Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Lời then dâng Bác, Trăng soi đường Bác, Nhớ ơn Bác Hồ , Theo Bác trồng cây...

Tiếng lành đồn xa, CLB Ngọc Xanh đã được mời đi biểu diễn và gây được ấn tượng ở nhiều tỉnh, thành phía Nam, nơi có nhiều đồng bào dân tộc Tày, Nùng sinh sống như: Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Đắk Nông, Đắk Lắk. Những bản then cổ được phổ lời thơ Ngọc Thanh đã đi sâu vào tâm hồn những người yêu then ở miền Nam Tổ quốc. Từ một CLB, giờ đây, tại TP.HCM có rất nhiều CLB đàn tính - hát then. Trong những CLB ấy, nhiều nghệ nhân đã trưởng thành từ mái nhà Ngọc Xanh. Má Ngọc Thanh chỉ tiếc một điều, các con của má chưa có mối duyên với đàn tính - hát then để má giao truyền tiếp nối.

Má Thanh không biết má chọn then hay then chọn má.

          Tại nơi sinh sống má Ngọc Thanh dựng một ngôi nhà cổ bằng gỗ để các nghệ nhân của CLB Ngọc Xanh lấy đó làm chỗ gặp gỡ. Trên tất cả các cánh cửa của ngôi nhà bằng gỗ đó đều chạm khắc những lời thơ phổ then của má về Bác Hồ. Những dòng thơ ấy là niềm tôn kính, ngưỡng mộ của một người mẹ Việt Nam với Chủ tịch Hồ Chí Minh; là niềm tin vào tương lai của đất nước, là tình cảm với đàn tính - hát then - tinh hoa của núi rừng Việt Bắc.

          Sức sống của di sản then trong đời sống hôm nay không chỉ được đảm bảo bởi các cá nhân, gia đình, cộng đồng người dân tộc thiểu số, mà còn do những người như má Ngọc Thanh. Từ niềm say mê của mình, má đã đem loại hình nghệ thuật này đến thành phố hiện đại nhất của đất nước, nơi tưởng như không có chỗ cho nghệ thuật dân gian thiểu số Việt Nam. Má đang góp phần xóa đi khoảng cách văn hóa mà chiến tranh đã gây ra cho người Việt, lan tỏa tình yêu quê hương đất nước một cách bình dị, nối liền Nam - Bắc, để tất cả thấy mình trong tên gọi Tổ quốc Việt Nam./.

Gần 20 năm trôi qua, má Thanh trở thành người đàn bà then, say mê, lặn lội khắp các tình miền núi, kết nối với các nghệ nhân, các đơn vị văn hóa để tìm hiểu những giá trị của loại hình âm nhạc dân gian độc đáo này. Đồng thời, má bắt đầu hành trình mang then vào “định cư” ở thành phố mang tên Bác.

Ngọc Thanh

 

Bình luận

    Chưa có bình luận