Bạo lực tại các giải giao hữu!

Đầu tháng 6/2019 có thể xem là quãng thời gian rất đẹp của túc cầu giáo nước nhà.

 

Đầu tháng 6/2019, cả hai tập thể: U23 và Tuyển Việt Nam đều có được những thành tích rất đáng ghi nhận: Tại King’s Cup, thầy trò ông Park Hang Seo đã vượt qua “đại kình địch” Thái Lan (giành Huy chương Bạc chung cuộc), còn trên sân Việt Trì, những “của để giành” cho SEA Games 30 (diễn ra vào cuối năm nay) cũng làm nức lòng khán giả khi hạ gục U23 Myanmar 2-0.

Không khó để nhận thấy, bên cạnh kết quả, cả hai trận cầu nói trên còn giống nhau ở điểm có thừa… bạo lực. Trong 90 phút thư hùng trên xứ Chùa Vàng, nếu Thái Lan mất điểm nghiêm trọng bởi các pha bóng ác ý thì các học trò của vị chiến lược gia người Hàn Quốc cũng cho thấy họ “không phải dạng vừa đâu”, mà bằng chứng chính là pha bóng đầy tiểu xảo của Duy Mạnh (dẫm vào người đối thủ) hay những bận tranh cướp trên mức quyết liệt của Quế Ngọc Hải, Văn Hậu…

Chiến thắng của “đàn anh” trước đó một ngày vô tình đã tạo sức ép rất lớn cho “đàn em”. Trong trạng thái “căng cứng tâm lý”, thật bất ngờ là Thanh Thịnh, Trọng Huy, Việt Hưng, Thái Quý, Hoàng Đức, Tiến Linh, Trọng Hùng cùng đồng đội lại dùng… bạo lực để giải tỏa. Chưa kể tình huống đội khách phải nhận thẻ vàng thứ hai (tương đương thẻ đỏ) do bị cầu thủ của chúng ta gây ức chế, chỉ riêng tình huống kê bóng của Trọng Huy ở những phút cuối trận đã khiến chiến thắng của thầy trò ông Kim Han-yoon ít nhiều bị lu mờ.

Để trở thành đội bóng lớn, bên cạnh thành tích, còn phải biết xây dựng hình ảnh một tập thể fair-play

Dĩ nhiên, giới “quần đùi áo số” có cái lí của kẻ đi chinh phục. Đã tham dự cuộc chơi, có ai không muốn giành chiến thắng, dù chỉ là trong một trận đấu giao hữu. Đáng nói hơn, đằng sau 3 điểm giành được trước người Thái còn là danh hiệu không chính thức: “Vua khu vực”!. Đó là chưa kể trước thời điểm trọng tài nổi hồi còi khai cuộc, truyền thông và các diễn đàn mạng đã không ngừng đẩy tính chất trận đấu lên cao quá mức cần thiết khiến cầu thủ nhập cuộc trong tâm thế cay cú, quyết “ăn thua đủ”.

Đúng là xem đội tuyển Việt Nam (cả hai cấp độ) thi đấu và giành chiến thắng, người hâm mộ đều có cảm giác rất “đã mắt”. Cái “đã mắt” trước hết đến từ những tập thể đang vào độ “chín”, luôn nhập cuộc với tinh thần khát khao, máu lửa cho đến khi tàn cuộc (đây cũng là điều mà người hâm mộ cả nước muốn nhìn thấy ở lớp lớp thế hệ cầu thủ nước nhà). Thứ hai, như đã đề cập, quan trọng nhất là tỉ số cuối cùng. Nói như comment của một khán giả trên diễn đàn nọ: Việt Nam thắng, dù thắng trong một trận đá tập vẫn thấy sướng! Tuy nhiên, chứng kiến cầu thủ của chúng ta chơi “ăn miếng trả miếng” thì cảm giác “đã mắt” đã giảm đi không ít.

Một thực tế không thể phủ nhận là để trở thành đội bóng lớn, bên cạnh thành tích, còn phải biết xây dựng hình ảnh một tập thể fair-play.

Mà để trở thành một tập thể fair-play, nên chăng cần định hình cho cầu thủ “tư duy bóng đá giao hữu”: Quyết liệt, cống hiến nhưng đừng ham bóng đến mức “quên” cả sự an toàn của đối phương!

Thanh Hà

 

Bình luận

    Chưa có bình luận