Phát triển và lan tỏa văn hóa đọc trong thời đại số

Những hoạt động khuyến đọc, định hướng cho học sinh trong việc đọc sách cần được tổ chức thường xuyên, không chỉ trong Tháng hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc.

 

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ với nhiều phương tiện nghe nhìn và các trang mạng xã hội đã lấy đi khá nhiều thời gian của mỗi người, làm phai nhạt thói quen đọc sách của rất nhiều người. Làm sao để khơi dậy tình yêu đối với sách, nhất là đối với những người trẻ để họ có được sự nhìn nhận đúng đắn về giá trị của những cuốn sách in trong kỷ nguyên số? Đây là trăn trở và nỗ lực của nhiều trường học và ban, ngành Thành phố Hải Phòng.

Câu chuyện về anh hùng Phạm Ngọc Đa, liệt sĩ thiếu niên trong kháng chiến chống Pháp, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và cũng là người con của quê hương Hải Phòng được học sinh trường Tiểu học Lê Hồng Phong (TP Hải Phòng) thể hiện hết sức sinh động dưới hình thức sân khấu hóa. Hóa thân vào nhân vật, các em phần nào cảm nhận sâu sắc hơn về tác phẩm, dễ dàng ghi nhớ các chi tiết và "thấm" hơn ý nghĩa của câu chuyện. Những cuộc thi sân khấu hóa tác phẩm văn học, giới thiệu về cuốn sách em yêu.... được các trường học tại Hải Phòng tổ chức thường xuyên, giúp các em học sinh càng thêm yêu thích những cuốn sách và tự tin thể hiện tri thức từ sách.

Đặc biệt, trong tháng 4 này, nhiều hoạt động khuyến đọc được tổ chức sôi nổi và thiết thực trên toàn địa bàn thành phố Hải Phòng. Các trường học đều giới thiệu, trưng bày sách với chủ đề "Sách cho tôi, cho bạn"; tổ chức các ngày hội "Siêu đọc sách"; giao lưu, hướng dẫn cách đọc sách hiệu quả...

Nguyễn Ngọc Minh (lớp 9 trường THCS Đồng Thái, huyện An Dương, Hải Phòng) cảm nhận sau khi tham gia Ngày hội đọc sách: "Hiện nay, chúng em có thể tiếp cận thông tin từ rất nhiều nguồn, nhiều phương tiện thông tin khác nhau; thậm chí, chỉ cần 1 chiếc điện thoại thông minh, có thể vừa đọc sách, vừa giải trí... Những cuộc tọa đàm, giao lưu về sách hay hội sách giúp chúng em hiểu rõ vai trò của việc đọc sách, cũng như phải lựa chọn sách như thế nào cho phù hợp".

Mô hình Xe thư viện lưu động thu hút và hấp dẫn nhiều học sinh trên địa bàn Hải Phòng.Điểm nhấn trong chuỗi hoạt động hưởng ứng ngày ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại thành phố Hải Phòng năm nay là tọa đàm với chủ đề "Đọc sách trong kỷ nguyên số" do Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Thành đoàn Hải Phòng tổ chức. Hàng trăm học sinh, giáo viên tại trường THCS Hòa Nghĩa (quận Dương Kinh, TP Hải Phòng đã được giao lưu với nhà văn Nguyễn Đình Tú, Trưởng ban sáng tác Tạp chí Văn nghệ quân đội và cùng thảo luận về phương pháp chọn sách in và sách online, cách đọc sách hiệu quả, phương pháp sử dụng kiến thức từ sách vào việc làm bài thi, vào hoạt động thực tiễn...

Thầy giáo Nguyễn Đức Nam, Hiệu trưởng trường THCS Hòa Nghĩa (quận Dương Kinh, TP Hải Phòng) cho biết: Thời gian qua, nhà trường đã có nhiều hình thức nhằm khuyến khích học sinh đọc sách cũng như đầu tư hệ thống phòng đọc, số lượng đầu sách phong phú phục vụ các em. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc cần thiết là cung cấp cho các em phương pháp đọc thông minh, lựa chọn sách phù hợp, đưa sách đến gần hơn với các em.

Thầy giáo Nguyễn Đức Nam chia sẻ: "Hiện nay, việc đọc sách trong nhà trường đang có chiều hướng phát triển nhưng cũng đang bị ảnh hưởng, hạn chế liên quan đến thông tin số hóa. Đây cũng là điều mà nhà trường trăn trở, tuyên truyền cho học sinh làm sao đọc sách trong giai đoạn này kết hợp đọc sách in trực tiếp với đọc sách trên nền tảng số. Nhà trường cũng khuyến khích mỗi lớp xây dựng một góc thư viện nhỏ, trong đó đặt sách báo phục vụ công tác dạy và học của học sinh và thầy cô".

Phong phú các hoạt động khuyến đọc để sách trở thành người bạn thân thiết của các em học sinh, nhưng cũng cần nhìn nhận thực tế là hiện nay, bên cạnh sách giấy còn một kho tư liệu khổng lồ là sách điện tử để có định hướng phù hợp thói quen đọc sách cho học sinh. Đây cũng là ý kiến của ông Lê Văn Kiên, Phó GĐ Sở Thông tin - Truyền thông Hải Phòng. Ông Lê Văn Kiên cũng cho rằng, khơi gợi tình yêu với sách trong học sinh, sinh viên không chỉ là việc làm của thầy cô, nhà trường mà cần xây dựng, lan tỏa phong trào đọc sách trong toàn xã hội, trong đó quan trọng hơn phải hình thành thói quen đọc sách trong từng gia đình.

Ông Kiên nói: "Trên địa bàn TP Hải Phòng, Sở TTTT đã phối hợp với Sở GD-ĐT, Thành đoàn và các cơ quan liên quan đã tổ chức rất nề nếp, định kỳ, góp phần hình thành phong trào đọc sách, cũng như đẩy mạnh văn hóa đọc. Bên cạnh những cuốn sách truyền thống, được in ấn đẹp thì chúng ta đang có thêm 1 nguồn sách là sách online. Nhưng các thức như thế nào, tiếp cận với sách trong kỷ nguyên số thế nào? Cách thức, phương pháp lựa chọn sách, cách đọc sách cho hiệu quả, cách chúng ta thu thập thông tin từ những cuốn sách là chủ đề rất thú vị.

Tri thức từ sách là vô tận, nhưng tình yêu đối với sách, thói quen đọc sách không phải có thể hình thành trong ngày một ngày hai. Những hoạt động khuyến đọc, định hướng cho học sinh trong việc lựa chọn và đọc sách cần được tổ chức thường xuyên, không chỉ trong tháng 4 - Tháng hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam./.

Thanh Nga/VOV-Đông Bắc

 

Bình luận

    Chưa có bình luận