Vẽ tranh con giáp: Đưa công chúng gần hơn với mỹ thuật truyền thống

Một nhóm các hoạ sĩ trẻ từ Trường ĐH Mỹ thuật VN đã tổ chức thường niên các khóa hướng dẫn người dân trải nghiệm và vẽ tranh con giáp tương ứng với mỗi năm.

 

Đặc biệt, các hoạt động này được nhóm hoạ sỹ tổ chức tại đình Nam Hương - một không gian cổ kính giữa lòng phố cổ Hà Nội.

Với mong muốn giúp người dân tiếp cận với các dòng tranh truyền thống của Việt Nam, nhóm các hoạ sỹ trẻ đã tích cực thực hiện các khóa học, hướng dẫn các công đoạn tạo nên một bức tranh, thử nghiệm trên nhiều chất liệu như lụa, giấy dó, sơn mài… Năm Quý Mão 2023 với chủ đề là hình tượng con mèo, các hoạ sỹ đã lựa chọn chất liệu “lụa” để khởi động cho chuỗi chương trình.

Lý giải việc chọn chất liệu này đầu tiên, hoạ sỹ Hoàng Lan cho rằng: “Lụa là một chất liệu truyền thống của Việt Nam nhưng chưa nhiều người biết đến như sơn mài, hay sơn dầu. Những workshop như thế này giúp mọi người biết đến chất liệu lụa nhiều hơn. Năm nay là năm Mão, chúng tôi đã chọn chủ đề vẽ mèo. Bên cạnh đó mèo cũng là con vật rất gần gũi, nhất là ở Việt Nam, nên đã thu hút rất nhiều người tham gia”.

Để tạo nên một bức tranh mèo trên lụa, người vẽ cần thực hiện nhiều công đoạn, trong đó một số bước cần chỉn chu đến từng chi tiết. Đầu tiên là bước phác thảo, rồi làm nét trên giấy; từ bản nét mạc lên trên khung lụa, cuối cùng là phần màu nước để tạo sắc thái cho bức tranh.

Theo hoạ sỹ trẻ Đặng Thuỳ Linh, để thể hiện những đặc tính của mèo trên lụa, người vẽ cần một số lưu ý: “Lụa là chất liệu rất nhẹ nhàng và mỏng cho nên khi vẽ cần chú ý các nét thật uyển chuyển, vẽ nhẹ thôi. Khi vẽ các con vật thì phần lông rất mềm mại nên chúng ta cần vuốt nhẹ, tỉa những phần lông đấy. Đặc biệt của mèo là phần ngũ quan, quan trọng nhất là đôi mắt, chúng ta cần tả rõ được mắt mèo để thể hiện được cả phần ngũ quan thông minh, nhanh nhẹn của con mèo".

Vẽ mèo trên lụa là thử nghiệm không dễ dàng với những người không học chuyên ngành nghệ thuật, nhưng việc học hỏi, làm quen với một "thử thách" mới, đặc biệt là được thực hành trong một không gian cổ kính như đình Nam Hương (phố Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã mang đến những dấu ấn đặc biệt cho những người đến trải nghiệm.

“Tôi thấy rất ý nghĩa, ở một nơi có di tích lịch sử, trẻ con vừa được đi chơi, vừa được thử vẽ và được giao tiếp với rất nhiều người, cũng có cả những người ngoại quốc nữa thì đối với mình thì đấy là trải nghiệm bổ ích cho con. Con mèo tượng trưng cho một sự nhanh nhẹn, dễ thương, hình tượng con mèo cũng rất đẹp, mình cũng mong rằng năm mới sẽ có thêm nhiều may mắn và mọi điều tốt đẹp, nhanh nhẹn hanh thông” - học viên Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ.

Là người yêu nghệ thuật và đam mê khám phá bản sắc văn hoá của các quốc gia châu Á, anh Mark - khách du lịch đến từ Anh quốc đã không bỏ lỡ hoạt động thú vị này: “Ở quê nhà tôi cũng thực hành nghệ thuật, nhưng đây là lần đầu tiên tôi vẽ trên lụa. Tôi thấy rất khác lạ, nền hội hoạ của Việt Nam rất phong phú và tôi rất vui khi được trải nghiệm một loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam”.

Theo họa sỹ - giám tuyển Nguyễn Thế Sơn, việc thực hiện các khóa hướng dẫn công chúng thực hành vẽ con giáp trên các chất liệu truyền thống là phương thức trực tiếp giúp mọi người thấy được sự đa dạng của mỹ thuật truyền thống Việt Nam.

Khách du lịch nước ngoài thích thú với trải nghiệm vẽ tranh trên chất liệu truyền thống của Việt Nam.“Đây là sự linh hoạt, năng động của các nghệ sĩ khi đưa ra cách tiếp cận về chất liệu mỹ thuật truyền thống, cụ thể ở đây là chất liệu tranh lụa, có thể tuần sau là chất liệu sơn mài hoặc chất liệu vẽ trên giấy dó thì sẽ có những chủ đề riêng, về chất liệu riêng. Đây cũng là cách để công chúng tiếp cận một cách trực quan nhất, ngoài việc thưởng thức hoặc xem những bức tranh thì việc trực tiếp tạo ra được những bức tranh trên chất liệu mỹ thuật truyền thống Việt Nam thì sẽ giúp nhiều người hiểu và yêu hơn về những sáng tạo nghệ thuật”.

Sáng tạo nghệ thuật trong một không gian cổ kính như đình Nam Hương, nhóm các hoạ sỹ trẻ không những mang đến những trải nghiệm hấp dẫn, giúp công chúng thêm hiểu, thêm yêu mỹ thuật truyền thống của Việt Nam mà còn mang đến những kỷ niệm đặc biệt đón năm Quý Mão 2023. Dự kiến, nhóm các hoạ sỹ từ Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện nhiều khóa học với các chuyên đề vẽ mèo trên chất liệu truyền thống khác như sơn mài, sơn dầu, giấy dó./.

Thủy Tiên/VOV1

 

Bình luận

    Chưa có bình luận