Tiểu thuyết 'Nợ nước non': Không có đề tài nào không thể làm mới

Viết về một đề tài đã nhiều người khai thác, 'Nợ nước non' đặt ra nhiều thách thức cho người viết.

 

Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890  - 19/5/2022), NXB Văn học và Công ty cổ phần Văn hóa & Truyền thông Liên Việt đã ra mắt tiểu thuyết “Nợ nước non” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ.

Tiểu thuyết “Nợ nước non” có độ dài hơn 200 trang, là tập 1 của bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ. Tác phẩm khắc họa những ký ức lịch sử - xã hội mà đi sâu vào luận giải những yếu tố văn hóa, tư tưởng, xã hội đã hun đúc, rèn giũa nên Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành - Văn Ba để Người có chuyến đi lịch sử vạn dặm từ quê nhà Nghệ An đến kinh đô Huế, qua Bình Định, Phan Thiết đến bến cảng Sài Gòn, cho chuyến vượt trùng khơi cứu nước ngày 5/6/1911.

 Viết về một đề tài nhiều người khai thác, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã phải trăn trở rất nhiều. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khi đọc “Nợ nước non” đã “trút được nỗi sợ hãi” khi nhà văn Nguyễn Thế Kỷ “vượt qua được chặng đường đầu tiên một cách xuất sắc”: “Trong cách nhìn của tôi, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ có những điều quan trọng và cần thiết nhất để viết bộ tiểu thuyết này, mà trước mắt là tập “Nợ nước non”. Đó là sự nghiên cứu kỹ lưỡng về cuộc đời và tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là sự hiểu biết sâu sắc về địa lý, lịch sử và văn hóa của vùng đất nơi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên, đó là việc chọn cách viết phù hợp nhất cho thể loại tiểu thuyết về nhân vật lịch sử. Và điều đặc biệt nhất, là nền tảng quan trọng nhất để nhà văn Nguyễn Thế Kỷ dựng nên con người Hồ Chí Minh chính là tình yêu đặc biệt và thiêng liêng của ông dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với một tình yêu như thế, ông tự tin sáng tạo những chi tiết trong đời sống, những lời nói, những suy nghĩ, những hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi là cậu bé Cung cho đến khi là người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành mà ông không hề sợ “phạm lỗi””.

Tác giả Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ về tác phẩm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Là tập đầu tiên của bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm”, “Nợ nước non” tập trung khắc họa tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi còn là cậu bé Nguyễn Sinh Cung cho đến khi là người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Có thể nói đây là tập vô cùng quan trọng của bộ tiểu thuyết, khắc họa quãng thời gian hình thành nhân cách của một vĩ nhân. Những ai đã quen thuộc với “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng, có thể ít nhiều hoài nghi: Liệu nhà văn Nguyễn Thế Kỷ có thể viết một điều gì khác về Bác Hồ? Nói như nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam, “với một đối tượng nghệ thuật đặc biệt như vậy, nhà tiểu thuyết luôn có nguy cơ bị rơi vào một cái bẫy: Anh ta không viết tiểu thuyết, mà anh ta sẽ viết một truyện kể minh họa cho tầm vóc vĩ đại của nhân vật lịch sử”. Tuy nhiên, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã có một “cú thoát bẫy lịch sử” với “Nợ nước non”, trở thành một ví dụ cho việc “không có đề tài nào không thể làm mới” như nhận định của nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng: “Không có đề tài nào cũ. Không có đề tài nào cạn kiệt. Đấy là nguyên tắc. Và điều này đòi hỏi tài năng, lao động nghệ thuật của nhà văn. Nếu so sánh với “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng thì nhà văn Nguyễn Thế Kỷ có cách tiếp cận khác. Tác giả đã đi rất sâu vào cái gọi là con người trong con người. Đầu tiên là từ mái ấm gia đình. Rồi từ gia đình bước ra xã hội và nhà trường”.

Đặt “Nợ nước non” trong hệ thống tác phẩm của nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thế Kỷ, GS. Hà Minh Đức cho rằng, tác giả đã luôn có sự say mê với đề tài cách mạng trong bối cảnh văn học nước nhà đang thiếu những tác phẩm thực sự xuất sắc về đề tài này: “Viết về đề tài cách mạng không dễ. Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ viết người xưa là những người yêu nước, người nay là những chiến sĩ vào sinh ra tử, những nhân vật lịch sử xứng đáng, tiêu biểu. Cảm hứng của Nguyễn Thế Kỷ là cảm hứng kính trọng và yêu mến. Điều này thể hiện qua nhiều tác phẩm như “Hừng đông”, “Hoa lửa Truông Bồn”, “Mai Hắc Đế”, “Nợ nước non”...  Chừng đấy đủ thấy sự say mê và kính trọng những đề tài cách mạng và yêu nước của tác giả.”

 Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã làm mới một đề tài quen thuộc như thế nào? Việc ra mắt đồng thời cả kịch bản sân khấu lẫn tiểu thuyết có đem lại cho “Nợ nước non” những đặc điểm gì thú vị? Mong rằng mỗi độc giả sẽ cùng lật giở từng trang của tác phẩm để có được câu trả lời cho riêng mình.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận