Ông Lê Hải Bình: Mong hái những quả ngọt trong ngành công nghiệp văn hóa

Ông Lê Hải Bình, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã chia sẻ với phóng viên VOV về sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 đã chỉ ra 6 nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, trong đó nhiệm vụ thứ 6 là “Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh”. Xin ông cho biết định hướng, chiến lược hành động của các cơ quan lãnh đạo văn hóa, truyền thông để hiện thực hóa chủ trương mà Tổng Bí thư đã chỉ ra?

Hội nghị Văn hóa toàn quốc có tính trọng đại trong việc chấn hưng, phát triển nền văn hóa nước nhà. Quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư trong hội nghị ngay lập tức được hiện thực hóa đi vào cuộc sống. Từ sau Hội nghị là những nỗ lực của các ngành, các cấp để đưa chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống. Liên quan đến công nghiệp văn hóa, thì các cơ quan chủ quản văn hóa, thể thao, du lịch, kể cả các doanh nghiệp, các tổ chức, các cơ sở nghiên cứu đã có một số sự kiện, tọa đàm, hội thảo để làm sao các bên cùng ngồi lại đưa ra phương hướng, mục tiêu thực hiện. Để làm công nghiệp văn hóa một cách thành công, mang lại những giá trị thiết thực thì lực lượng xung kích chủ đạo vẫn là các doanh nghiệp, nhưng họ cần sự hỗ trợ của nhà nước. Chúng ta đã có chiến lược phát triển văn hóa ra đời năm 2016, nhưng như Tổng Bí thư đã chỉ ra trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua là nhiều quan điểm, chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước chưa đưa được vào cuộc sống, chưa hiện thực hóa một cách có hiệu quả. Đây là lúc các cấp, các ngành chung tay cùng với doanh nghiệp  đưa ra các biện pháp hữu hiệu vì thời gian không đợi chúng ta. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đưa ra những mục tiêu chiến lược rất to lớn, trong đó việc khai thác sức mạnh nội sinh của dân tộc là cực kỳ quan trọng. Và như Tổng Bí thư đã nhấn mạnh, văn hóa là một trong những sức mạnh nội sinh rất căn cốt, chiến lược của dân tộc ta.

Ông Lê Hải Bình, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Nhìn lại những thành tựu nổi bật mà các doanh nghiệp công nghiệp văn hóa và đội ngũ nghệ sĩ, tác giả đạt được trong năm 2021, một năm đầy khó khăn, chúng ta có thể thấy những cánh chim vượt bão giông, đã tìm thấy cơ trong nguy để dệt nên những câu chuyện thành công mang đến niềm hy vọng cho sự bứt phá của công nghiệp văn hóa Việt Nam. Ông nhìn nhận như thế nào về điều này?

Đại dịch mang đến rất nhiều khó khăn cho mọi lĩnh vực, mọi ngành và trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, nghệ thuật biểu diễn thì mang lại thách thức chưa từng thấy. Chúng ta thấy những nhà hát lâu ngày không sáng đèn và đời sống của các nghệ sĩ, diễn viên thực sự khó khăn. Khó khăn là chưa từng có. Nhưng chúng ta đã thấy nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp công nghiệp văn hóa, của cộng đồng nghệ sĩ, diễn viên, cộng đồng những người làm công nghiệp sáng tạo… Năm qua, chúng ta đạt được những thành tích, những kết quả đáng khích lệ. Trong những cuộc thi tầm cỡ quốc tế, chúng ta đoạt được giải cao. Một số bộ phim vươn tầm quốc tế. Các doanh nghiệp làm công nghiệp sáng tạo vẫn ngày đêm tìm hướng phát triển trong bối cảnh hết sức khó khăn. Những kết quả đạt được một lần nữa khẳng định một nét văn hóa đặc thù trong truyền thống của dân tộc ta đó là biến nguy thành an, biến thách thức thành cơ hội. Những kinh nghiệm có được trong thời gian khó khăn vừa qua sẽ là những trải nghiệm, những kinh nghiệm quý báu để ngành công nghiệp văn hóa tiếp tục phát triển mạnh mẽ sau đại dịch. Sau cơn bão, sau một trận lụt sẽ bật lên những mầm cây xanh và mong rằng thời gian tới sẽ hái được những quả ngọt trong ngành công nghiệp văn hóa.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Chân lý đó được chia sẻ bởi cả những think tank - tổ chức nghiên cứu của thế giới như Peter Drucker - cha đẻ của khoa học quản trị: “Thế kỷ 21, công nghiệp văn hóa sẽ là thứ tối thượng quyết định thành bại của mỗi quốc gia”. Là Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương, ông nhận định như thế nào về vị thế Quốc gia trên bản đồ công nghiệp văn hóa thế giới? Đâu là thách thức, đâu là cơ hội để công nghiệp văn hóa có thể phát triển đến độ đóng góp 7% vào GDP, đồng thời trở thành sức mạnh mềm định vị vị thế Quốc gia?

Một trong những mục tiêu rất quan trọng của công tác thông tin đối ngoại, của việc quảng bá Việt Nam ra nước ngoài là làm sao đến năm 2030, đến năm 2045 chúng ta định vị rõ ràng thứ bậc của chúng ta trên trường quốc tế. Thứ bậc cân đong đo đếm được cả trên lĩnh vực kinh tế, chính trị và tất nhiên là cả văn hóa cũng như là sức mạnh mềm. Trên thế giới hiện có những bảng xếp hạng sức mạnh mềm. Trong nỗ lực đó, văn hóa đóng góp rất quan trọng. Tổng Bí thư đã nêu rất rõ đó là sức mạnh nội sinh của dân tộc ta, đó là cái khiến cho dân tộc ta qua hàng ngàn năm dựng xây, bảo vệ Tổ quốc vẫn tồn tại khẳng định được tên tuổi và giá trị Việt Nam trên trường quốc tế. Để một doanh nghiệp văn hóa có thể thành công thì các nền tảng phải dựa vào giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Chúng ta không thể đi bắt chước được vì bắt chước thì sẽ đi sau rất nhiều và chúng ta không thể bằng các quốc gia khác. Chúng ta phải dựa rất chắc vào nền tảng văn hóa dân tộc như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư. Tổng Bí thư nói rằng, một đất nước, một dân tộc có một nền văn hiến, nền văn hóa như chúng ta phải hết sức tự tin để phát triển về công nghiệp văn hóa. Trên nền tảng đó, chúng ta rất cần sự sáng tạo, không gian sáng tạo, môi trường sáng tạo và những con người sáng tạo. Tôi tin tưởng rằng, con người chúng ta cũng là một nét văn hóa là không ngừng sáng tạo. Sáng tạo rất linh hoạt để phù hợp với mọi môi trường, mọi hoàn cảnh, mọi tình hình và sáng tạo để phát triển.

 

Bên cạnh đó, chúng ta phải học kỹ năng kinh doanh, những cách thức. Cái này thế giới đi trước chúng ta nhiều nên phải học cách thức để chuyển hóa những giá trị sẵn có đó, chuyển hóa những sáng tạo chúng ta có đó thành những sản phẩm công nghiệp văn hóa được thế giới chấp nhận. Nhưng trước khi được thế giới chấp nhận thì trên sân nhà cũng phải được chấp nhận. Chúng ta phải thắng trên sân nhà rồi dần dần mở rộng ra. Để đạt được con số đóng góp 7% vào GDP và xa hơn nữa là để đạt được sự đóng góp thiết thực vào việc tăng cường sức mạnh mềm của Quốc gia để đất nước chúng ta có vị thế xứng đáng tương ứng với những mục tiêu năm 2030, 2045 thì văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng phải nỗ lực rất lớn. Rõ ràng, nhận thức được vai trò của mình là việc thứ nhất. Việc thứ hai là huy động sức mạnh tổng thể của khu vực công, khu vực tư để chuyển hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước thành những biện pháp thiết thực để hỗ trợ cho doanh nghiệp, để có đội ngũ công nghiệp làm văn hóa. Đây là những điều chúng ta phải làm ngay thì chúng ta mới hướng được tới mục tiêu của 10 năm nữa, của 25 năm nữa.

Trân trọng cảm ơn ông!

Mỹ Trà thực hiện

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận