Những bất cập trong quản lý phim trực tuyến

Đã có rất nhiều sai phạm với các phim phổ biến trên không gian mạng. Nếu không có giải pháp quản lí sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.

 

Hoạt động không phép, không nộp thuế

Theo thông tin từ Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT), Công ty Netflix đã gỡ bỏ bộ phim truyền hình "Pine Gap" dài 6 tập, do bộ phim này có những hình ảnh vi phạm chủ quyền biển, đảo nước ta. Đây không phải lần đầu tiên nền tảng phim trực tuyến lớn nhất thế giới bị cơ quan quản lý “tuýt còi” khi cung cấp dịch vụ tại nước ta. Trước đó, các phim "Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta” và "Bà Ngoại trưởng” cũng có hình ảnh bản đồ hình lưỡi bò phi pháp, sau đó được yêu cầu gỡ bỏ.

Netflix bắt đầu vào Việt Nam từ năm 2016. Theo báo cáo của Bộ TT&TT, đến nay nền tảng này đã có hơn 300.000 thuê bao đăng ký sử dụng. Trong 5 năm qua, Netflix từng bước xâm nhập thị trường Việt, thay đổi thói quen người dùng, đánh vào đối tượng khách hàng trẻ, trở thành đối thủ cạnh tranh với CGV, Galaxy, BHD và các nền tảng truyền hình trả tiền khác. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, khi hầu hết các rạp phim phải đóng cửa thì nền tảng trực tuyến này lại càng ăn nên làm ra. Trung bình, mỗi năm Netflix thu khoảng 100USD/thuê bao; như vậy doanh thu mỗi năm lên đến 30 triệu USD, tương đương 700 tỷ đồng. Thế nhưng, 5 năm qua Chính phủ Việt Nam chưa hu được một đồng thuế nào từ Netflix. Hiện có tới 70% lưu lượng truy cập internet mỗi ngày chỉ để xem video. Nhu cầu sử dụng các ứng dụng giải trí như Netflix, youtube… đang chiếm phần lớn lưu lượng truy cập internet trong các hộ gia đình. Nhiều người tìm đến các dịch vụ giải trí trực tuyến. Sự tăng trưởng của lĩnh vực này mang tính xu thế. Theo một thống kê các năm 2019-2020, nền tảng chiếu phim trực tuyến bùng nổ và lần đầu tiên đạt doanh thu lớn hơn doanh thu phòng chiếu.

Chúng ta hầu như chưa quản lý được các nền tảng phim trực tuyến.

Quản lý phim trực tuyến: Bài toán nan giải!

Làm thế nào quản lý các nền tảng phim trực tuyến đang là một vấn đề làm đau đầu các cơ quan quản lý Việt Nam. Theo bà Hoàng Thị Anh Thư, Phó trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế, Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT-TT, hiện nay số lượng phim và các video trên mạng là rất lớn, lên đến hàng trăm nghìn với tốc độ cập nhật theo giây. Luật Điện ảnh 2006 của ta không “theo kịp” sự bùng nổ của phim nói riêng và tất cả những thứ khác nói chung trên không gian mạng. Mặt khác, việc quản lí loại hình phim này, có những lĩnh vực chồng lấn chức năng, nhiệm vụ giữa 2 Bộ VH-TT&Dl và Bộ TT-TT nên rất khó phân định rạch ròi. “Phim cung cấp qua các trang web xuyên biên giới, theo các cam kết quốc tế chúng ta buộc phải cho các trang như thế hoạt động ở Việt Nam, nhưng hệ thống luật pháp của chúng ta chưa theo kịp những thay đổi, nên việc quản lý đang đặt ra rất nhiều vấn đề”, bà Hoàng Thị Anh Thư nói.

Các luật hiện hành như Luật Điện ảnh, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng,... hầu như rất ít các điều khoản quy định rõ ràng, cụ thể để điều chỉnh loại hình dịch vụ này. Trên thực tế, các luật của chúng ta mới chỉ dừng ở việc rà soát phim phát hành trên hệ thống rạp chiếu và trên sóng truyền hình, còn trên hệ thống các nền tảng số, nhất là các nền tảng xuyên biên giới như: Netflix, Iflix, WeTV… gần như chưa đề cập đến. Bà Hoàng Thị Anh Thư cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại Bộ TT-TT chưa cấp phép cho doanh nghiệp nước ngoài nào cung cấp dịch vụ phát thanh - truyền hình xuyên biên giới tại Việt Nam. Ví dụ hiện tại Netflix hay WeTV đang cung cấp những nội dung phim mà chúng ta chưa thể kiểm định hay kiểm soát hết. Qua rà soát chúng tôi thấy các nội dung PT-TH trả tiền trên mạng internet xuyên biên giới chủ yếu là các bộ phim không được biên tập, cấp phép phổ biến theo quy định của pháp luật Việt Nam, do đó, có rất nhiều nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam”.

Cần có cơ chế phối hợp kiểm soát phim trực tuyến

Dự thảo Luật Ðiện ảnh (sửa đổi) đang được Bộ VH-TT&DL chủ biên, sẽ sớm trình Quốc hội trong năm nay đã bổ sung quy định về việc phổ biến phim trên không gian mạng. Theo đó, Điều 19: ghi “Phim phổ biến trên không gian mạng tại Việt Nam phải được cấp giấy phép phổ biến và phân loại của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh hoặc được biên tập bởi cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động PT-TH; Doanh nghiệp nước ngoài hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam”...

Theo TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, việc cung cấp nội dung trên mạng (hiện thường được nói đến như dịch vụ OTT), theo Điều 19 dự thảo rất chặt chẽ, nhưng có thể không khả thi, vì nếu quản lý theo phương thức như với phim truyền thống thì nhà cung cấp dịch vụ OTT sẽ đưa vào kho nội dung của mình một lượng phim nhiều gấp hàng nghìn lần so với lượng phim được chiếu ở rạp, dẫn đến khó có hội đồng nào duyệt xuể. TS Ngô Phương Lan cho rằng, việc yêu cầu các nền tảng cung cấp phim trực tuyến phải có văn phòng đại diện tại Việt Nam là điều bất khả thi. Thay vào đó, hãy tính đến các phương thức làm sao để những công ty như Netflix có thể hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế cho chính phủ Việt Nam, cũng như ràng buộc chặt chẽ các điều khoản về cung cấp nội dung trên mạng, có thể kèm theo yêu cầu xử phạt cụ thể nếu để xảy ra sai phạm./.

“Nếu không duyệt các phim phổ biến trên không gian mạng lả rất bất bình đẳng. Phim trên mạng được phổ biến rộng rãi, len lỏi khắp nơi thì không được thẩm định và cấp phép. Còn phim ra rạp hạn chế số người xem thì lại cấp phép rất chặt chẽ, phải chỉnh sửa cắt xén”. TS Ngô Phương Lan,

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận