Bài hát cho trẻ thơ đâu rồi?

Mới đây tại Đà Nẵng tổ chức hội thảo 'Phát triển văn học nghệ thuật đối với lứa tuổi thiếu nhi trong giai đoạn hiện nay'.

 

Vai trò “bà đỡ” của các cơ quan truyền thông

Đà Nẵng nói riêng, các nhạc sĩ Quảng Nam - Đà Nẵng nói chung từng được biết đến là nơi có thế mạnh về sáng tác cho thiếu nhi. Thế nhưng nhiều năm trở lại đây, thế mạnh này dần mất đi.

Nhạc sĩ Trương Duy Huyến, Chủ tịch Hội Âm nhạc TP Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật TP Đà Nẵng, một nhạc sĩ chuyên sáng tác cho thiếu nhi chia sẻ: “Sau tập ca khúc “Em lớn lên cùng thành phố anh hùng”, sản phẩm của đợt vận động sáng tác cho thiếu nhi do Hội Âm nhạc và Cung Thiếu nhi phối hợp tổ chức (năm 2017), thì các nhạc sĩ gần như đã  quên viết cho trẻ em”.

Theo nhạc sĩ Trương Duy Huyến, trong số ca khúc được in trong tuyển tập thì thật buồn khi chỉ có khoảng 20% ca khúc “được dàn dựng, giới thiệu trên đài PT-TH và được sử dụng trong các chương trình nghệ thuật.

Theo nhiều nhạc sĩ: “Âm nhạc cho thiếu nhi bây giờ phải hiện đại”. Nhưng hiện đại ở âm nhạc, lời ca hay ở phần biểu diễn trên sân khấu? Chúng ta phần nào trả lời được câu hỏi này khi xem chương trình “Ngàn hoa dâng Đảng quang vinh” (phần 4) do DRT (Đài PT-TH Đà Nẵng), Thành đoàn Đà Nẵng, Cung Thiếu nhi Đà Nẵng phối hợp tổ chức. Chương trình này có khá nhiều tiết mục nhảy hiện đại được đầu tư  sân khấu, ánh sáng hoành tráng, như tiết mục “Vũ điệu tuổi thơ” do Trường mầm non 20-10 quận Hải Châu biểu diễn rất mới mẻ, hấp dẫn. Tiết mục “Bánh tráng tròn quay” do Trường tiểu học số 1- Hòa Châu - Hòa Vang biểu diễn cũng rất đặc sắc. Ca khúc sử dụng chất liệu dân ca kết hợp hát rap với đề tài  gần gũi với đời sống của các em: Chiếc bánh tráng.

Tìm hiểu phần âm nhạc thiếu nhi ở một số trang báo điện tử thời gian gần đây, tôi thấy: Ở trang chủ của DRT- Đài PT-TH Đà Nẵng, truyền hình trực tuyến, nội dung dành cho thiếu nhi có các chuyên mục: Văn nghệ thiếu nhi; Lăng kính tuổi thơ.

Chương trình Lăng kính tuổi thơ do Công ty cổ phần địa ốc Trung Tín và Rồng Tiên Sa media  tài trợ phát sóng vào tuần thứ nhất và tuần thứ ba hàng tháng cũng rất hay. Ở sân chơi này các em được nói lên cảm nghĩ về cuộc sống xung quanh, được thể hiện tài năng, năng khiếu bẩm sinh.

Khoan đề cập tới mọi lý do để chương trình Lăng kính tuổi thơ ra đời rồi chia tay khán giả, chỉ nhìn số lượt người xem chắc ai cũng thấy Lăng kính tuổi thơ đã được đón nhận. Chỉ tiếc khi chương trình dừng ở số 20, phát sóng 7/3/2020.

Một kênh truyền thông chính thống ở Đà Nẵng hiện nay là Da nangtv cũng có chương trình dành cho thiếu nhi với các chủ đề khác nhau, nhưng chưa thấy chương trình giới thiệu sáng tác cho thiếu nhi, tuy nhìn chung các chương trình thiếu nhi có nội dung khá phong phú, và mang tính thời sự… Nguyên nhân vì sao?

Người viết bài đã biết được phần nào nguyên nhân qua phát biểu tại hội thảo của bà Thu Phương - Phó giám đốc Đài PT-TH Đà Nẵng. Đó là: “Phải có các tác phẩm văn học nghệ thuật (VHNT) hấp dẫn trên truyền hình. Muốn vậy, VHNT phải lồng ghép, phải chuyển thể, ví dụ: thơ phải chuyển thành nhạc; nhạc lồng trong phim; đồng dao lồng trong phim… vì yếu tố hội tụ của nghệ thuật thứ 7 trên truyền hình là một yêu cầu rất cao… Hiện nay Đài không tìm được nhà tài trợ nào để tài trợ cho các chương trình giải trí, mà các nhà tài trợ chỉ đầu tư các chương trình từ thiện. Họ không nghĩ rằng, khi đầu tư vào các chương trình nghệ thuật chính là đầu tư vào văn hóa giáo dục, đó mới là cái gốc…”

Với một vòng dạo “sơ sơ” về các chương trình dành cho thiếu nhi trên một số kênh truyền thông ở Đà Nẵng, lắng nghe những chia sẻ nêu trên có thể thấy, đang rất cần những cách làm cụ thể để có thể tháo gỡ phần nào những khó khăn hiện nay từ hai phía: Đài PT-TH Đà Nẵng và các nhạc sĩ, để đưa các tác phẩm sáng tác cho thiếu nhi trên các phương tiện truyền thông.

Bé Ban Mai (Tp. Đà Nẵng) đoạt giải A tại Liên hoan Tiếng hát dâng Đảng năm 2020 với bài "Hát với đảo xa" của nhạc sĩ Xuân Trí.

Cần sự chung tay từ nhiều phía

Tại hội thảo “Phát triển Văn học nghệ thuật đối với lứa tuổi thiếu nhi trong giai đoạn hiện nay”, đi tìm lời giải cho câu hỏi: “Bài hát cho trẻ thơ đâu rồi?”, nhạc sĩ Phan Văn Minh và nhà lí luận phê bình (LLPB) Văn Thu Bích đề cập tới vấn đề: “Có nên cho các em hát những ca khúc người lớn quá sớm? Trong mục đích của các cuộc thi có còn tiêu chí nào hướng đến việc góp phần bồi dưỡng tâm hồn và nhân cách cho trẻ thơ nữa không?”… Theo nhà LLPB Văn Thu Bích: “Để phổ biến và đưa ca khúc thiếu nhi vào đời sống rất cần sự chung tay, kết hợp từ nhiều phía”.

Nhạc sĩ Phan Văn Minh đề xuất: “Nên chăng, nhà nước và các cơ quan truyền thông có thể nâng cao khung nhuận bút và các khoản thù lao khác cho mảng đề tài này, ít ra là trong một giai đoạn nào đó. Ngoài ra cũng nên khôi phục lại phong trào: “Tiếng hát thiếu nhi Hoa phượng đỏ” hoặc một cái gì đó tương tự ở các địa phương để trẻ em có cơ hội tham gia… và cũng để các nhạc sĩ có điều kiện thể hiện trách nhiệm và kỳ vọng của mình trong việc bồi dưỡng tâm hồn cho thế hệ tương lai”…

Tới đây có thể nói rằng, để có những tác phẩm được thiếu nhi yêu thích, xuất phát điểm phải từ chính nhạc sĩ  rồi mới tới những nơi chắp cánh cho các em như cung thiếu nhi, các trung tâm âm nhạc... Nhưng nếu thiếu bàn tay “bà đỡ” của các cơ quan truyền thông, và tất nhiên kèm theo đó là nguồn kinh phí… thì sẽ khó có thêm những tác phẩm không chỉ  được các em thiếu nhi Đà Nẵng hát mà còn được thiếu nhi cả nước ca vang như: Đội kèn tí hon (nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu); Cả nhà thương nhau (nhạc sĩ Phan Văn Minh)./.

                                                                  Doãn Ánh Quyên

 

Bình luận

    Chưa có bình luận