PV: Thưa ông Nguyễn Trần Bạt, trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có bài viết nhan đề:"Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới". Ông có quan tâm tới bài viết này không?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Đương nhiên là tôi quan tâm.
PV: Vậy, ông ấn tượng với nội dung nào nhất ?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Theo tôi, điều quan trọng nhất trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là việc xử lý mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa. Tôn trọng các nguyên lý của nền kinh tế thị trường nhưng không xa rời chủ nghĩa xã hội. Tức là xử lý mối quan hệ giữa hai yếu tố cấu thành chiến lược chính trị.
Xây dựng nền kinh tế thị trường là tuân thủ tất cả các đòi hỏi có tính chất nguyên tắc của thị trường, còn định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường ấy được điều hành sao cho không xâm phạm các nguyên tắc xã hội chủ nghĩa. Tức là chúng ta vừa tôn trọng tính khách quan của kinh tế thị trường, vừa bảo vệ các nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho thấy Đảng ta có quyền tự do ở trong việc bảo vệ nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội lẫn việc tuân thủ các nguyên tắc của kinh tế thị trường. Đấy là một giải thích rất thông minh, đồng thời cũng chính là nguyên lý của phép biện chứng.
Biện chứng là sự tác động, giao lưu tự do giữa các yếu tố với nhau. Biện chứng không chỉ có đối lập mà còn có cả hợp tác. Phép biện chứng là nguyên lý triết học phản ánh đầy đủ tính đấu tranh và hợp tác giữa các mặt đối lập. Nếu không tự do trong đấu tranh, và không tự do trong hợp tác thì không biện chứng. Cho nên tuân thủ các nguyên tắc của tự do kinh tế thị trường, và tuân thủ các nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội chính là nguyên lý cơ bản của Đại hội XIII và đó chính là phép biện chứng duy vật.
PV: Thưa ông, vậy lần này Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đưa ra cách tiếp cận cho mối quan hệ này có gì mới?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Đấy là một quan điểm không mới nhưng được hiểu theo một cách mới. Trước kia, đôi khi chúng ta tôn trọng các nguyên lý của chủ nghĩa xã hội một cách thái quá, làm chết đi hoặc làm yếu đi độ tự do của kinh tế thị trường. Tất cả các Đảng Cộng sản đều sai lầm trong kinh tế chứ không phải chỉ có chúng ta. Do chiến tranh kéo dài, chúng ta không có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế cho nên không có các sai lầm thật căn bản về kinh tế. Nói cho đúng thì chúng ta thất bại dưới dạng không phát triển kinh tế chứ không phải là sụp đổ kinh tế. Bây giờ, chúng ta đã hội nhập sâu, đã bị lôi kéo bởi quy luật tự do của kinh tế thị trường, nhưng đồng thời vẫn phải tuân thủ các nguyên lý của chủ nghĩa xã hội.
Tài hoa của các nhà chính trị là lựa chọn lối đi giữa đòi hỏi của thị trường và đòi hỏi của chủ nghĩa xã hội. Phân tích bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mà không nêu lên được khía cạnh ấy tức là chưa thấy được vấn đề. Khẳng định quan trọng nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự cân bằng giữa chủ nghĩa xã hội và kinh tế thị trường là quy luật của sự phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng ta ở nhiệm kỳ tiếp theo.
Gần đây, trong cuộc làm việc với Ban thường vụ Thành ủy TP HCM, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có nhắc nhở là không nên chỉ chăm chăm tới vấn đề kinh tế mà bỏ qua vấn đề xây dựng Đảng. Đấy là sự hướng dẫn của người đứng đầu Đảng đối với các cơ cấu cấp dưới.
Không giấu gì các bạn, tôi là người nghiên cứu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong nhiều năm, tôi không có động cơ tìm kiếm những cái đáng khen trong bài viết của ông về Đại hội XIII mà tôi muốn tìm ra các luận điểm đúng đắn về các quy luật cơ bản, xuyên suốt trong bài viết ấy. Và tôi đã tìm thấy những vấn đề như vừa phân tích ở trên.
PV: Tại sao ông chọn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng để nghiên cứu mà không phải là ai khác?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Vì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người có thành tựu chính trị. Nghiên cứu nền chính trị Việt Nam qua nhiều đại hội, phải nói thật là tôi khá lo lắng về một số Đại hội trước đây, đặc biệt là Đại hội XII. Tôi nghiên cứu và thấy trong những phép biện chứng duy vật liên quan tới sự phát triển kinh tế -xã hội Việt Nam những năm tới đây thì kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là quan trọng nhất. Tôi cũng mất khá nhiều công để kiến tạo đời sống gia đình và công ty của tôi dựa trên nguyên lý kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tôi nghĩ mình đã tìm đúng con đường rồi.
PV: Có nghĩa là phát triển kinh tế tư nhân trong một đất nước XHCN. Vậy ông có thấy điều gì khập khiễng hay mâu thuẫn?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Những người nào không làm kinh tế thật thì thấy khập khiễng, vì có làm đâu mà biết. Không có một nhà nước chắc chắn để giữ gìn các thành quả của đời sống kinh tế thì làm sao có thể xây dựng kinh tế gia đình được. Xây dựng kinh tế gia đình, kinh tế tư nhân dựa trên sự ổn định của xã hội là điều tôi mong muốn. Công ty của tôi cần sự ổn định. Không ổn định thì không ai có ý đồ sản xuất hay đầu tư. Nếu thiên hạ không có ý đồ sản xuất hay đầu tư thì lấy đâu ra công việc cho chúng tôi. Mà không có công việc thì lấy đâu ra thu nhập để sống. Sống là phải có thu nhập, có tiêu dùng. Có thu nhập, có ham muốn, có tiêu dùng chính là quy trình của sự phát triển con người.
PV: Tức là ông đánh giá cao sự ổn định của nền chính trị xã hội chủ nghĩa?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Ổn định chính trị là điều kiện, nền tảng của sự phát triển. Người ta rất chờ đợi sự tự do ra đường kiểu như cách mạng đường phố nhưng thực chất, điều đó chỉ cổ vũ cho những kẻ kiếm tiền một cách phiêu lưu, còn để kiếm tiền thật thì cần có một xã hội có tiêu chuẩn tốt. Những cái hay, cái dở, chúng ta có thể nói một cách bình tĩnh với chính quyền.
Về phía chính quyền cũng có thể có sự điều chỉnh, họ có thể nới giãn ra một chút theo các đòi hỏi của xã hội. Sự thương lượng giữa các lực lượng khác nhau trong xã hội về độ mở hay độ tự do là vô cùng quan trọng. Điều đó chỉ có thể thực hiện trong sự ổn định chính trị. Nếu nhất định đấu tranh như ở Ukraina hay Belarus bây giờ thì không thể thương lượng được.
PV: Nhưng phát triển kinh tế thị trường trong điều kiện một nước XHCN cũng không phải dễ dàng. Thực tế, cũng có nhiều lần Đảng ta phải nói rằng: Chúng ta mất cán bộ vì họ chịu tác động mặt trái của cơ chế thị trường. Ông Có thấy điều này trong thực tế không?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Chúng ta đã hội nhập một cách tuyệt đối. Trong nhiều bài viết, tôi đã nói rằng, nền kinh tế của chúng ta không chỉ là một “nền kinh tế mở”, mà đã hội nhập đến mức trở thành một “nền kinh tế hở”. Nền kinh tế của chúng ta bị phơi nhiễm rất nhiều căn bệnh của thế giới về mặt tinh thần, tư tưởng. Hai nghị quyết Trung ương 4 về chống tham nhũng và chống suy thoái tư tưởng được sinh ra chính là để chống lại sự phơi nhiễm này. Tất cả hiện tượng tiêu cực mà Đảng ta đang vất vả xử lý chính là kết quả của quá trình hội nhập không được kiểm soát một cách đầy đủ. Nói như thế không có nghĩa là Đảng ta không biết, Đảng ta có biết điều ấy.
PV: Ông đánh giá thế nào về Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Khóa XI là chống tham nhũng, khóa XII là chống suy thoái tinh thần và tư tưởng. Sau khi làm xong khóa XI thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận ra không thể ngăn chặn các trào lưu “ăn cắp” một khi xã hội không còn lý tưởng chính trị nữa. Sự cao đẹp, sự trong sáng về mặt đạo đức và tinh thần là một trong những chất kết dính giữ cho con người không sa vào bẫy của suy thoái, trộm cắp. Cho nên chống suy thoái tư tưởng của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII là một trong những công cụ rất sáng tạo để kết dính những yếu tố tích cực lại với nhau, tạo ra độ bền vững nào đó trong đời sống hàng ngày.
PV: Như vậy là ông ủng hộ cuộc đấu tranh chống suy thoái trong Đảng?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi không phải Đảng viên nhưng tôi ủng hộ cuộc đấu tranh chống suy thoái vì đạo lý. Con người mà không biết yêu lịch sử của mình, không trân trọng đánh giá và cân nhắc từng tí một đối với toàn bộ sự vất vả của cả dân tộc để cấu tạo ra trạng thái hiện nay thì họ sẽ sống với tư cách gì đây?
PV: Là một người ngoài Đảng, theo quan sát của ông thì mục tiêu chống suy thoái có đạt được không?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Được chứ! Suy nghĩ một cách nghiêm túc, người ta sẽ thấy vứt bỏ lý tưởng mình tôn thờ chính là vứt bỏ lịch sử mà cha ông đã có. Có những người không thấy được vẻ đẹp bên trong của các giá trị tinh thần dùng để kiến tạo ra nền chính trị này nên muốn vứt bỏ nó, nhưng sau nó là gì thì họ không biết. Có một số người kêu gọi thay đổi thể chế, tôi không hiểu họ định đánh đổi cái họ có bằng cái gì. Đổi lấy thứ của người Mỹ ư? Liệu người Mỹ có sẵn sàng đổi cho anh không và có thật là những thứ họ có là tiêu chuẩn mẫu mực không?
Tôi có tiếp xúc với một nhóm thanh niên nghiên cứu khoa học, họ đến đây chất vấn tôi về những chuyện như vậy. Tôi nói: “Khi nào các bạn còn nghĩ rằng chỉ có phương Tây mới là tiêu chuẩn mẫu mực thì tức là các bạn vẫn chưa phải là người hiểu biết. Phương Tây là mẫu mực của người ta, chúng ta không có thông tin để mà mơ về những thứ ấy. Những ý nghĩ mơ màng từ những chuyện không có thật không đủ để chúng ta cấu tạo nên cuộc sống. Chúng ta có thể cải thiện hình ảnh vợ mình trong con mắt của mình, chứ không thể thay vợ mình bằng một người nào đó mà mình không biết. Càng tiếp xúc sâu thì các bạn sẽ càng thấy rằng, những đòi hỏi hình thức không phải là tất cả, còn có những đòi hỏi tinh thần khác, những va chạm tinh thần cụ thể khác. Đấy là cuộc sống”.
PV: Nếu là ông thì ông ủng hộ cách nào?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi chưa bao giờ xem tự do kiểu Mỹ là một tiêu chuẩn. Tôi là người thân Mỹ, nhiều khách hàng của tôi là các công ty Mỹ, hầu hết những người bạn lôi kéo tôi đi đến những chỗ phát triển đều là người Mỹ hoặc phương Tây, nhưng tôi hiểu họ chứ tôi không mơ về họ. Con người không thể biến mình thành người khác được. Tất cả sự phấn đấu cao quý của một con người là sau mình vẫn là mình. Còn nếu mơ mình biến thành kẻ khác thì quá trình phấn đấu là một quá trình tự sát.
PV: Đó cũng là lý do ngần ấy năm ông vẫn ở đây, vẫn tồn tại và phát triển chứ không tìm đến chân trời mới?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi không tìm đến chân trời mới là đương nhiên, tôi là một chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, tôi có mười mấy năm đi bộ đội, tôi có thể hy sinh, có thể chết trong cuộc chiến tranh lâu dài mà tôi tham gia. Con tôi nói rằng “bố hơn con một cuộc chiến tranh, bố thuận lợi hơn, bố sẽ không phạm phải sai lầm mà một kẻ không có kinh nghiệm về chiến tranh mắc phải”. Các con tôi đi học 15 năm tại Anh nhưng cả hai đứa đều về đây chứ không ở lại Anh. Mặc dù tôi thừa điều kiện để giúp chúng lưu trú ở nước ngoài, nhưng tôi không thấy chúng hứng thú với việc đó.
PV: Ông nói, con ông có thể ở lại, ông cũng có thể mua cho con quốc tịch nước ngoài nhưng tại sao ông không làm?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Tại sao tôi lại phải làm thế? Tại sao tôi lại phải đổi giá trị của nước Việt Nam của tôi để lấy một giá trị khác của ai đó? Trong lòng tôi không có suy nghĩ ấy. Nếu có tài thì hãy làm cho mình trở thành người Việt Nam sang trọng hơn, chứ không phải biến mình từ người Việt Nam thành người châu Âu. Tôi có điều kiện để sống ở mọi nơi trên thế giới, chứ không phải chỉ có hơn 2 triệu USD để mua hộ chiếu Sip, nhưng tôi vẫn chọn sống ở Việt Nam. Tại sao tôi phải tự làm nhục mình bằng cách đổi cái này lấy cái kia? Con người mà không tin cha mẹ mình có giá trị, không tin tổ tiên họ hàng có giá trị thì tin đảo Sip để làm gì?. Sự phê phán trên báo đối với trường hợp đại biểu Quốc hội mua quốc tịch Sip là chưa đủ. Sự dối trá lớn nhất là anh không còn yêu đất nước mà anh sinh ra và đang là công dân của nó. Đừng nói chuyện mua quốc tịch với vẻ lãng mạn hay bảo thủ mà hãy xem đấy là thẩm mỹ của con người về giá trị chính trị của mình.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông đã có những chia sẻ rất thẳng thắn về nhiều lĩnh vực mà chúng tôi quan tâm. Rất mong ông có sức khỏe để tiếp tục công việc của gia đình mình, công ty mình và tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho đất nước.
Ông Nguyễn Trần Bạt: Vâng, cảm ơn các nhà báo./.