Tìm lại cuộc sống cho chàng trai 15 năm mang 'khuôn mặt quỷ'

Cuộc sống của anh Lê Văn Mến (tỉnh An Giang) tưởng chừng như rơi vào bế tắc với thân phận 'khuôn mặt quỷ' do căn bệnh lạ thì nay đã được thay đổi.

 

Mới chỉ 35 tuổi nhưng anh Lê Văn Mến, ngụ tỉnh An Giang có đến 15 năm phải sống với khuôn mặt biến dạng kỳ lạ, chảy xệ khiến sức khỏe sa sút, mọi sinh hoạt bị đảo lộn. Cuộc sống của anh Mến tưởng chừng như rơi vào bế tắc với thân phận “khuôn mặt quỷ” do căn bệnh lạ thì nay đã được thay đổi.

Vừa qua, anh Mến đã được TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung (TPHCM) phẫu thuật khuôn mặt, bắt đầu chặng đường cuộc sống mới, tốt đẹp hơn.

Lê Văn Mến, ngụ tỉnh An Giang có đến 15 năm phải sống với khuôn mặt biến dạng kỳ lạ.

Nỗi đau thanh xuân mang “khuôn mặt quỷ”

Lê Văn Mến là con duy nhất trong gia đình, mồ côi mẹ từ nhỏ. Biến cố ập đến với chàng trai trẻ này vào năm 20 tuổi. Sau một năm cưới vợ, bỗng dưng sống mũi của Mến bị đau nhức như có u, khuôn mặt sưng phù như cái mâm, dần biến dạng rồi càng lúc càng chảy xệ kéo sụp cả mắt, mũi, miệng. Nhiều người đồn đoán chàng trai bị bệnh lạ, mắc bùa ngải nên sợ hãi và xa lánh. Gia đình khó khăn, song ba của Mến vẫn vay mượn để đưa Mến đi chạy chữa khắp nơi, làm đủ mọi cách, từ các bệnh viện lớn ở TPHCM đến cả mời thầy cúng về nhà. Thế nhưng, mọi cố gắng chỉ làm cho khuôn mặt Mến xẹp xuống một chút, còn tình trạng chảy xệ vẫn không thuyên giảm, thậm chí da mặt ngày càng nhão, chảy xuống che hết cả phần cổ.

Không chỉ mang nỗi khổ về ngoại hình, mà sức khỏe của Mến cũng ảnh hưởng nghiêm trọng. Mến không thể ngủ nằm như người bình thường. Mũi đã khó thở lại còn mang có lớp da mặt chảy xệ chèn lên cổ khiến anh không thở nổi, phải ngủ ngồi. Còn khuôn miệng chảy “rớt” xuống cằm, nên Mến không thể ăn, uống được. Mỗi lần ăn uống anh đều phải dùng ống hút và luôn sẵn một chiếc khăn sẵn ở phía dưới để nâng miệng đẩy lên phía hàm để nhận thức ăn.

TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung và êkip ội chẩn trước khi vào phẫu thuật.

Lê Văn Mến buồn nhất là không thể uốn môi và lưỡi khi nói chuyện như người bình thường nên phát âm khó khăn, khiến anh không thể giao tiếp với mọi người. Mến chia sẻ "Từ khi tôi mang khuôn mặt này thì chỉ quanh quẩn ở nhà không dám đi đâu, bởi gặp ai người ta cũng sợ rồi xa lánh. Người ta nói tôi mang mặt quỷ và nhiều câu khó nghe lắm, làm tôi rất buồn không dám đi đâu. Thực sự đã có lúc tôi rơi vào tuyệt vọng. Sống chỉ cho qua ngày, có những lúc tôi không muốn sống nữa".

Sau khi Mến rơi vào tình trạng này mấy năm sau thì ba của Mến qua đời. Mến cũng đề nghị vợ mình đi lấy chồng khác. Một mình, Mến làm thuê đủ mọi việc để kiếm tiền sinh sống, từ việc đi phun thuốc rầy, đến gặt lúa, cuốc đất… Ngủ không ngon giấc, sức khỏe Mến ngày một đi xuống.

 

Ánh sáng cuộc đời mới

Đi nhiều nơi chữa trị không được nhưng anh Mến vẫn nhớ lời dặn của người ba quá cố là không bỏ cuộc. Mến tiếp tục nhờ đến nhiều người để được gặp các y bác sĩ, tìm nguyên nhân và điều trị bệnh, mong có một cuộc đời mới. Gần đây, qua một nhà báo hảo tâm, hình ảnh khuôn mặt dị dạng của anh Mến được gửi đến bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung tại quận 1, TPHCM. Tuy nhiên, nhìn thấy những đường nét chảy xệ kỳ lạ, lại biết người bệnh đã đi nhiều nơi điều trị nhưng không khỏi, bác sĩ Tú Dung chưa nhận lời điều trị ngay. Phải đến lần thứ 3 với sự nhiệt tình của nhà báo ấy, bác sĩ Dung mới gặp trực tiếp bệnh nhân Lê Văn Mến.

Bác sĩ Tú Dung tập trung cao độ trong quá trình thực hiện từng đường mổ.

Nhìn thấy khuôn mặt to khủng khiếp, đôi mắt bị híp lại, luôn trong tình trạng bị đỏ, sưng nề vì trọng lượng da quá lớn kéo sụp mắt, lỗ mũi xuống, bác sĩ Tú Dung không khỏi xót xa và nhận lời giúp đỡ hoàn toàn miễn phí. Thế nhưng lúc này, bác sĩ Dung cũng chưa hình dung ra được phải làm gì, bằng cách nào để tìm ra nguyên nhân, khắc phục tình trạng và tái tạo khuôn mặt mới cho bệnh nhân.

Trong gần 3 tháng qua, bác sĩ Tú Dung liên tục kết nối với các chuyên gia trong và ngoài nước, từ Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy đến group các bác sĩ tạo hình châu Á, giáo sư từ Mỹ, Ý... Bác sĩ Tú Dung cùng ê kíp đã gửi hàng loạt mẫu xét nghiệm đến các trung tâm y khoa lớn để tìm nguyên nhân căn bệnh.
Từ kết quả các mẫu xét nghiệm này, nhiều chuyên gia y khoa của thế giới cũng chỉ dự đoán được căn bệnh hiếm gặp của Mến chứ chưa thể kết luận chính xác. Tuy nhiên, họ tư vấn nên điều trị nội khoa để cải thiện tình trạng sức khỏe bệnh nhân. Sau khi điều trị nội khoa, anh Mến đã nằm ngủ được, không còn khó thở, khuôn mặt bắt đầu nhỏ bớt lại thì bác sĩ Dung quyết định phẫu thuật từng giai đoạn cho bệnh nhân.

Khuôn miệng được tạo mới sát với hàm răng.

Ngày 16/8, những đường dao đầu tiên của ê kíp chạm đến “khuôn mặt quỷ”, bóc tách, cắt bỏ da dư và may tạo hình vùng mặt cơ bản cho anh Mến. Bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung cho biết, mặc dù đã dự đoán nhiều phương án, hình dung các đường mổ trước đó nhưng vẫn phải mất 10 tiếng để xử lý rút gọn 40% gương mặt chảy xệ của bệnh nhân.

 "Khi vô mổ là rất bất ngờ, da bị xơ cứng hết rồi. Tại vì bị viêm xơ chai đã 15 năm nay, tái đi tái lại. Phải mất thời gian 5 tiếng đồng hồ để tạo hình gương mặt phía trên. Khó thứ 2 khi xuống cắt toàn bộ vùng cổ, mình nghĩ rằng chính lớp da xơ chai này khi nằm xuống sẽ giãn cắt ngang, nên chèn lên khí quản khiến bệnh nhân thở không được. Vì vậy mất thêm 2 tiếng để mổ vùng cổ, rồi mất thêm 2 tiếng để tạo hình môi", bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung chia sẻ.

Bác sĩ Tú Dung theo dõi và thăm hỏi bệnh nhân mỗi ngày để chuẩn bị cho nhiều cuộc phẫu thuật khác.

Đến nay, sau 10 ngày phẫu thuật, sức khỏe anh Mến đã diễn tiến khá hơn. Anh bớt đau, nằm ngủ sâu hơn, không còn khó khăn như trước. Không dừng lại ở đây, bác sĩ Dung quyết tâm giúp Mến bằng cả tấm lòng và chuyên môn của mình dù không chắc sẽ tìm lại gương mặt bình thường hoàn toàn cho bệnh nhân. Vì vậy, Mến sẽ trải qua 4-5 cuộc phẫu thuật nữa để có được khuôn mặt nhẹ nhàng hơn, bình thường đến mức có thể. Nhưng ngay từ lúc này, Lê Văn Mến đã nhìn thấy cuộc sống tươi sáng hơn trong thời gian không xa, sau hàng chục năm sống trong mặc cảm, tự ti trước dung mạo biến đổi do căn bệnh lạ quái ác./.

Kim Dung/VOV-TPHCM

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận