Người lính già 10 năm dành lương hưu đi tìm đồng đội

10 năm qua, ông Nguyễn Anh Đương ở TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh - người lính trở về từ chiến trường xưa - dành lương hưu đi tìm đồng đội.

 

Gần nửa thế kỷ đất nước thống nhất, nhiều vùng chiến trường xưa không còn dấu vết của đạn bom, nhưng hàng chục vạn liệt sĩ vẫn còn nằm lại đâu đó trong rừng già hay chân đồi vắng. Đây cũng chính là nỗi đau đáu của thân nhân các anh hùng liệt sĩ và cả với những người lính may mắn trở về. Mang nỗi đau đáu ấy, ông Nguyễn Anh Đương quyết tâm đi tìm đồng đội bằng những đồng lương hưu ông dành dụm được.

Căn nhà cấp 4 của ông Nguyễn Anh Đương nằm trong một con ngõ nhỏ ở khu 3, phường Hà Tu, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Rót chén nước mời khách, đôi mắt của người lính cựu đã bước sang độ tuổi "thất thập" rưng rưng khi nhắc lại kỷ niệm với những người đồng đội đã kề vai chiến đấu năm xưa...

Cựu chiến binh Nguyễn Anh Đương (người bên trái) nhớ như in vị trí năm xưa chôn cất đồng đội của mình.

Dù mang trên mình nhiều dấu tích đạn bom nhưng ông Nguyễn Anh Đương vẫn cảm thấy mình vô cùng may mắn khi được trở về. Cũng vì thế, ông càng đau đáu nỗi niềm với những đồng đội đã hy sinh, trong đó có không ít liệt sĩ do chính tay ông chôn cất. Người lính già nhớ lại: Trong trận đánh ác liệt một sáng mùa hè năm 1972 Mộc Hóa, Kiến Tường (nay là tỉnh Long An), bom đạn quân thù đã cướp đi của ông nhiều đồng đội, trong đó có đồng chí Trần Văn Sinh (quê ở xã Hồng Thái Đông, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Dù trong tay chẳng có lấy một kỷ vật nhưng hai chữ “đồng đội” đã thôi thúc ông Đương quay lại chiến trường năm xưa và sau bao nỗ lực, năm 2010, hài cốt liệt sĩ Trần Văn Sinh đã được tìm thấy.

“Tôi đã hỏi rất nhiều đồng đội thông tin về địa chỉ của đồng chí Trần Văn Sinh. Sau đó, gia đình đồng chí Sinh đã chủ động đến nhà tôi, tôi dẫn vào Long An tìm đúng vị trí chiến tranh năm xưa. Hài cốt được tìm thấy và gia đình đã mang về mai táng tại Nghĩa trang Đông Triều, Quảng Ninh”, ông Đương kể lại.

Một kỷ niệm buồn mà ông Đương nhớ mãi, đó là khi đơn vị ông bị địch phục kích tại Kênh Bùi cũ (huyện Tân Thạch, tỉnh Long An), hai đồng chí là Nguyễn Xuân Dụng và Nguyễn Doãn Trượng quê ở huyện Gia Lộc và Tứ Kỳ (Hải Dương) đã anh dũng hy sinh: “Lúc ấy trong tay không xẻng, cuốc, chúng tôi đành phải bốc bùn đắp mộ cho anh em, đắp 2 giờ mà cũng chỉ được 30 - 40 cm. Sau đó chúng tôi rời đi cho đến lúc giải phóng, đơn vị không quay lại khu vực ấy nữa”.

Hơn 10 năm qua, người lính già Nguyễn Anh Đương vẫn dành dụm từng đồng lương hưu và trợ cấp để tiếp tục tìm kiếm những người đồng đội đã nằm xuống do bom bạn kẻ thù. Bà Tống Thị Thúy, vợ ông Đương chia sẻ: “Dù hoàn cảnh gia đình không được khá giả, nhưng hiểu được ý nghĩa công việc chồng đang làm nên tôi hết lòng ủng hộ. Ông ấy trăn trở khi nhớ về đồng đội, dành dụm từng đồng lương hưu để vào chiến trường xưa tìm đồng đội. Nhưng đến nay nhà tôi đã toại nguyện, đã đưa hài cốt của anh em về mai táng tại quê nhà”.

 

Đã ở độ tuổi xưa nay hiếm, cựu chiến binh Nguyễn Anh Đương vẫn luôn coi việc tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt đồng đội đã hy sinh là nhiệm vụ và trách nhiệm. Những khi trái gió trở trời khiến di chứng chất độc da cam tái phát, người lính già vẫn gắng gượng cơn đau để lật giở từng trang hồi ký, chắp nối thông tin và lên kế hoạch cho những chuyến đi về nơi chiến trường xưa. Ông Hà Văn Lan, Chủ tịch hội Cựu chiến binh phường Hà Tu, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh nói: “Đây là những tấm gương điển hình cần được nhân rộng, để những đồng đội của chúng tôi đã hy sinh được về với quê hương, về với gia đình. Đây cũng là trăn trở và là nguyện vọng của nhiều gia đình”.

Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chỉ tính riêng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cả nước có gần 850.000 liệt sĩ, trong đó khoảng 200.000 liệt sĩ vẫn chưa được quy tập về nghĩa trang. Tâm nguyện và hành động của những người như cựu chiến binh Nguyễn Anh Đương đã thể hiện nét đẹp truyền thống của dân tộc về đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, góp phần giáo dục thế hệ trẻ biết sống nhân ái, sống có ích cho xã hội và thêm yêu quê hương, đất nước./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận