Ngôi nhà Ánh Dương là địa chỉ tin cậy cho phụ nữ và trẻ em bị bạo hành, xâm hại tại Quảng Ninh. Đây 1 trong 18 cơ sở cung cấp dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thí điểm triển khai trên cả nước và là hoạt động không thể thiếu trong chuỗi ứng phó với bạo lực giới đang ngày càng phức tạp. Dù vậy, đây vẫn là giải pháp tình thế, về lâu dài vẫn rất cần sự quyết liệt ở cơ chế, chính sách và quan trọng hơn là sự đấu tranh, không thỏa hiệp với bạo lực của chính người phụ nữ.
Ngôi nhà Ánh Dương (số 35A đường Điện Biên Phủ, phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long) sau gần 2 tháng đi vào hoạt động chưa đón một người phụ nữ hay trẻ em gái nào bị bạo lực, bị xâm hại tới tạm lánh. Tất cả mới dừng ở những cuộc trò chuyện, thăm dò và tư vấn liên quan đến mâu thuẫn gia đình qua đường dây nóng 1800 1769. Ngôi nhà Ánh Dương gồm nhiều phòng chức năng được trang bị đầy đủ thiết bị khám sức khỏe, tư vấn, hỗ trợ và phòng nghỉ với nguyên tắc lấy nạn nhân làm trung tâm, được đối xử tôn trọng, bình đẳng và bảo mật về thông tin.
Ông Đỗ Anh Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm công tác Xã hội (Sở Lao động Thương binh - Xã hội tỉnh Quảng Ninh) cho biết: Trung tâm đã nhận nhiều cuộc điện thoại gọi đến vào ban đêm với những nỗi niềm, chia sẻ của những phụ nữ yếu thế.
“Nạn nhân đến với ngôi nhà Ánh Dương sẽ được hỗ trợ về chỗ tạm lánh an toàn, được chăm sóc y tế ban đầu, tư vấn trị liệu về mặt tâm lý. Các cán bộ ở đây được đã được đào tạo qua các trường, được cung cấp riêng các kỹ năng, kiến thức và đặc biệt là quá trình thực tiễn công tác gần 10 năm nên các nhân viên được trang bị kỹ năng về tâm lý cùng đồng hành với nạn nhân giải quyết các vấn đề”, ông Đỗ Anh Hòa chia sẻ.
Theo dữ liệu thống kê tỉnh Quảng Ninh, trong 3 năm từ 2016 đến 2018, 555 vụ bạo lực trên cơ sở giới đã được ghi nhận trên toàn tỉnh trong đó hơn 80% nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái. Các vụ bạo lực được gồm bạo lực thân thể, kinh tế, tình dục và nhiều nhất là về tinh thần và xảy ra nhiều độ tuổi. Trên thực tế, con số này chưa phải là thống kê đầy đủ, chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khi những định kiến xã hội khiến phụ nữ chọn cách im lặng như chia sẻ của một nạn nhân bị bạo hành.
“Sau những lần bị đánh đập nhiều quá thì tôi cũng muốn tố cáo chồng nhưng cũng vì con cái nên phải cắn răng chịu đựng, để con có bố có mẹ. Nhiều lần muốn chia sẻ với anh, chị em họ hàng để họ khuyên bảo chồng nhưng nói ra nhiều thì xấu chàng hổ ai?”, một phụ nữ bị bạo hành chia sẻ.
“Chuyện trong nhà đóng cửa bảo nhau”, hay “xấu chàng hổ ai”... đã ăn sâu vào nếp nghĩ của không ít chị em, đến mức người phụ nữ chấp nhận hy sinh, thiệt thòi và mất bình đẳng ngay trong chính ngôi nhà của mình. Bà Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch hội Phụ nữ tỉnh Quảng Ninh cho biết đây chính là gốc rễ sâu xa khiến bất bình đẳng giới ngày càng phức tạp...
“Với Hội phụ nữ thì chúng tôi phải xác định các biện pháp để hỗ trợ phụ nữ làm sao để phụ nữ vừa phòng ngừa tốt, vừa bảo vệ mình tốt. Hai yếu tố này đều cần đến thông tin, kỹ năng để phụ nữ nhận thức đầy đủ và thay đổi suy nghĩ và hành động của mình. Phụ nữ phải xác định bản thân phụ nữ là bình đẳng với gia đình và trong xã hội. Biết hy sinh nhưng mà phải xứng đáng. Không phải vì ngại, vì sợ ảnh hưởng tới con, bố mẹ mà bỏ rơi chính mình. Nhẫn nhịn, chịu đựng không chia sẻ chính điều đó làm tăng nguy cơ của hành vi bạo lực”, bà Nguyễn Thị Vinh bày tỏ.
Những mô hình nhân văn như ngôi nhà Ánh Dương hay là ngôi nhà tạm lánh sẽ giúp phụ nữ và trẻ em gái ổn định tinh thần, có được những giây phút bình yên sau bạo hành. Đó là những biện pháp bắt buộc phải có trong chuỗi phòng chống bất bình đẳng giới nhưng cũng chỉ là những biện pháp tạm thời. Để ngăn ngừa và ứng phó hiệu quả với bạo lực giới, điều cần thiết nhất chính là sự thay đổi tư duy, nhận thức của chính những người phụ nữ đang sống ở thời kỳ công nghệ số. Hy sinh nhưng phụ nữ cũng cần đấu tranh cho những quyền lợi xứng đáng của mình bên cạnh những hỗ trợ về mặt pháp lý, chính sách của tổ chức, đoàn thể. Có như vậy, phụ nữ mới tự tin tổ chức lại cuộc sống sau giông bão, mới tiếp tục dung dưỡng, vun vén cho gia đình, xã hội và vì sự tiến bộ của bản thân./.
Vũ Miền/VOV-Đông Bắc