Người dân Hà Nội và những ai đam mê nét duyên dáng của áo dài Việt Nam hẳn không còn xa lạ với con phố Lương Văn Can (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - nơi nổi danh với những tiệm may áo dài lâu đời. Đó là những người con của làng nghề áo dài Trạch Xá (Ứng Hòa, Hà Nội), họ đến lập nghiệp và mang theo cả những nét tinh hoa, đôi bàn tay khéo léo của mình đến lòng phố cổ. Hiệu áo dài Vinh Trạch của ông bà Lê Thị Quyến, Lê Thành Vinh ở số 23 phố Lương Văn Can đã làm nghề ngót 50 năm và truyền nghề qua 4 đời. Có thể nói, bà Quyến với tiệm áo dài khiêm nhường của mình là người lưu giữ và phát triển tà áo dài, đưa áo dài Việt Nam đến gần hơn với du khách quốc tế.
Từ cô thiếu nữ may áo dài đến chủ tiệm may nức tiếng Hà Thành
Vốn là người con của làng nghề áo dài Trạch Xá, lại là hậu duệ đời thứ tư của gia đình với truyền thống làm nghề nên may áo dài đã “thấm vào máu” của bà Quyến từ lúc nào chẳng hay.
Kể về hành trình gần 70 năm yêu và say nghề may áo dài, bà bồi hồi nhớ lại thời còn là cô bé 12 tuổi bắt đầu được theo cha đi khắp các phố phường Hà Nội để học nghề. Thời ấy, cha mẹ của bà là những người thợ may có tiếng, thường xuyên được mời đến nhà các phu nhân, tiểu thư khuê các để may đo áo dài. Dần dần, nghề may đã trở thành cái nghiệp gắn bó với bà Quyến.
Sau đó, bà đã tự mở tiệm may lấy tên Vinh Trạch, một trong những tiệm may áo dài đầu tiên trên con phố Lương Văn Can. Thuở đầu còn khó khăn, thấy bà giỏi nghề, có người từng ngỏ lời đón cả hai vợ chồng bà đến sống cùng nhưng bà nhất định từ chối, hai vợ chồng tự tay gom góp làm ăn, lâu dần xây dựng nên tiếng tăm và cơ ngơi như hiện nay. Với đôi tay khéo léo, tỉ mẩn và con mắt nhà nghề tinh tế, những chiếc áo dài do bà may nhanh chóng nổi danh khắp các con phố Hà Nội, các quý bà, quý cô đều muốn có cho mình một vài bộ áo dài do bà may.
Năm nay, bà Quyến đã bước sang tuổi 79 nhưng cùng với tuổi đời, đam mê của bà cũng ngày một lớn chứ chẳng hề phai nhạt. Ngày ngày, hiệu may Vinh Trạch của bà vẫn mở cửa sớm nhất khu phố. Bà vẫn thường đùa rằng: “Người ta học 5 năm, 10 năm là có bằng, còn cái nghề này thì phải học cả đời, phải liên tục tìm hiểu, học hỏi. Bây giờ, tôi ra đường thấy người ta mặc như thế nào cũng phải nhìn để mà theo kịp”. Bởi vậy, bà tự tin có thể may được mọi kiểu áo dài, từ áo truyền thống đến tân thời, chỉ cần nhìn vóc người bà có thể biết ai hợp với dáng áo như thế nào, cũng bởi vậy mà trong suốt gần cả đời người làm nghề “dâu trăm họ”, khách hàng của bà trẻ có, già có, khách nước ngoài cũng nhiều nhưng bà chưa bao giờ để ai phải phàn nàn câu gì.
Hằng ngày trên con phố Lương Văn Can, mọi người vẫn thường quen với hình ảnh người thợ may già mà tỷ mẩn cặm cụi bên chiếc máy khâu cổ, tự mình tư vấn, may đo cho khách, trau chuốt từng đường kim mũi chỉ để cho ra đời những bộ áo dài mang đượm hồn dân tộc.
Người mang áo dài Việt Nam đi khắp năm châu
Bà Quyến cho biết, đối tượng khách hàng chủ yếu hiện nay của bà là những vị khách du lịch nước ngoài (Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản…). Dù không nói thành thạo bất kỳ ngoại ngữ nào nhưng bà Quyến vẫn có thể tư vấn và cắt may áo cho những vị khách nước ngoài này. Bà kể rằng, những vị khách tìm đến bà đều rất lịch sự và sau này có dịp quay lại Việt Nam, họ đều vui vẻ chào hỏi mỗi lần gặp lại bà.
Bà Quyến có 7 người con (6 trai, 1 gái), ai cũng giỏi giang, thành đạt. Với mong muốn nghề may áo dài truyền thống của gia đình mãi được gìn giữ và phát triển, bà đã truyền nghề cho cả 7 người con, vì thế các con của bà đều có thể may hoàn thiện được một chiếc áo dài, thậm chí may nhanh, may giỏi.
Chị Lê Thu Hằng là con gái thứ 5 của ông bà, cũng là người tiếp nối nghề truyền thống của gia đình. Chị thừa hưởng được sự khéo léo trong nghề của cha mẹ, lại giỏi ngoại ngữ và nhanh nhẹn nên rất được lòng khách hàng, đặc biệt là các du khách nước ngoài.
Cứ như vậy, hiệu may nhỏ trên con phố Lương Văn Can trở thành địa chỉ quen thuộc của những vị khách trong nước và nước ngoài có dịp ghé thăm Hà Nội, để được khoác lên mình bộ quốc phục mang nét đẹp văn hóa lâu đời của người phụ nữ Việt Nam./.
Theo VOV.VN