Ka đong mặt nạ trong văn hóa tín ngưỡng của người Dao thuộc phương ngữ Mùn

Đây là những nghi lễ rất đặc biệt được nhóm người Dao phương ngữ Mùn lưu truyền từ nhiều đời nay.

 

Người Dao phân chia thành hai phương ngữ, phương ngữ Miền và phương ngữ Mùn. Một trong những đặc điểm đặc biệt của người Dao thuộc phương ngữ Mùn (có thể kể đến người Dao quần trắng, Dao áo dài, Dao tuyển, Dao thanh y…) là tại lễ cấp sắc, lễ cầu tự thường có sự hiện diện của một nhân vật được hóa trang, đeo mặt nạ sừng -hay còn gọi là Ka đong. Đây là một nhân vật thần bí được cả cộng đồng người Dao thuộc phương ngữ Mùn tôn trọng. Sự xuất hiện của nhân vật đặc biệt này được ví như sự hiện diện của thần thánh tham gia góp công sức vào sự thành bại của các nghi lễ.

Mặt nạ Ka đong được lam từ gỗ Cà sẳng đéng.

Người xưa kể lại: Nhân vật Ka đong được mời từ rừng về để tham gia lễ cấp sắc đến nghi thức ra đàn, ngã đàn, và chào đời đứa con mới của gia đình chủ lễ. Ka đong mặc bộ quần áo rách rưới, còn đeo theo một cái bị, một cái nỏ, đặc biệt có đeo một chiếc mặt nạ xấu xí. Trong quá trình di cư nhiều thú dữ, ác quỷ, ma quái và dịch bệnh làm hại người trong cộng đồng nên chiếc mặt nạ được làm như mặt của ma quỷ để ma quỷ không dám đến quấy rầy.

Chiếc mặt nạ Ka đong được làm rất kỳ công, thậm chí hiện nay trong mỗi làng người Dao chỉ có một đến hai cái mặt nạ Ka đong với những điều kiêng kỵ, không phải ai cũng được tùy tiện động đến hoặc đeo vào mặt. Trước khi xuất hiện làm lễ thì người được lựa chọn để đeo mặt nạ Ka đong phải ở trong buồng và tuyệt đối không để ai nhìn thấy mặt. Tùy theo từng nhóm Dao mà người ta có thể sử dụng mặt nạ đẽo bằng gỗ, gồm nhiều bộ phận, như sừng, râu, tóc, giấy tre.

 

Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng, cán bộ học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết thêm: “Trong lễ cấp sắc của nhóm người Dao phương ngữ Mùn thì có hai cấp đó là cấp Tam Nguyên và cấp Tam Thanh. Trong cấp Tam Thanh là phải có nhân vật Ka đong để hỗ trợ. Những người đàn ông giỏi giang, giỏi đối đáp, giỏi võ thuật sẽ được lựa chọn làm Ka đong. Trong đoàn múa Ka đong bao giờ cũng có một cặp vợ chồng gọi là “Màn sấy - Ka đong gì. Thông qua các điệu múa, Ka đong dạy con người bao nhiêu tri thức của cuộc đời”.

Mặt nạ Ka đong một sừng.

Trong nghi lễ cấp sắc của người Dao Áo Dài ở huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, nghĩa là nhập họ đặt tên âm cho người con trai từ mười tuổi trở lên không thể thiếu nhân vật đeo mặt nạ Ka đong.

Trải qua rất nhiều bước trong nghi lễ cấp sắc, đến trước khi đứa trẻ rơi đài, sẽ có một người gõ trống mời và lần lượt 2 Ka đong sẽ xuất hiện đóng thành vợ chồng. Vợ chồng Ka đong chạy nhảy xung quanh ngũ đài hò hét xua đuổi mọi điều xấu đang ở gần đứa trẻ. Từ trên ngũ đài đứa trẻ xoay người, ngã xuống võng hình mạng nhện phía dưới. Ka đong cầm con dao dài đi lại gần chỗ đứa trẻ nằm trong chăn, vén từng lớp chăn rồi cắt cái lưới để đón đứa trẻ. Ka đong lúc này có nhiệm vụ cấp sắc cho đứa trẻ tái sinh, Ka đong bón đồ ăn, thức uống và căn dặn đứa trẻ “Từ nay con được cấp sắc, được nhập họ, được nhập tên, được tiếp nối dòng họ thì tuyệt đối không được làm điều xấu, phải hiếu thuận với cha mẹ, yêu thương giúp đỡ, cứu người…”. Sau đó, Ka đong và các thầy cúng đưa đứa con mới về gia đình để tiếp tục làm lễ.

Mặt nạ Ka đong trong lễ cầu tự của người Dao Tuyển.

Nghệ nhân dân gian Phàn Sào Quãng ở thôn Khâu Làn, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang cho biết thêm: “Người Dao chúng tôi có ba cái tên. Tên thứ nhất được đặt sau khi sinh ba ngày, tên thứ hai là tên khai sinh, còn tên thứ ba là phải cấp sắc để có tên âm. Trong lễ cấp sắc nhân vật Ka đong được coi như đấng thần linh. Gỗ để làm mặt nạ Ka đong là cây “Cà sẳng đéng” loại cây không có lá và mọc ở rừng sâu, gốc to bằng chén nhưng thân có thể to bằng diện tích cái bàn. Người ta mang về đẽo thành hình mặt nạ và được trang trí bằng lông của những con thú rừng hoặc giấy màu xanh, đỏ. Gia đình tôi có một cái mặt nạ Ka đong được dùng cấp sắc cho 7 đời”.

Đối với người Dao Tuyển ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Ka đong không chỉ xuất hiện trong lễ cấp sắc mà còn không thể thiếu được ở lễ giải hạn và lễ cầu tự. Lễ cầu tự được tổ chức trong ngày và gia chủ bắt buộc phải mời hai thầy cúng lớn trong bản. Sau khi gia chủ đã bày biện tươm tất các lễ vật người thầy cả cúng mời các vị tổ tiên, thần linh về phù hộ chứng giám cho buổi lễ cầu tự. Người thầy cúng thứ hai sẽ đeo mặt nạ Ka đong xuất hiện như một vị thần, đi đến các gia đình khá giả, vợ chồng con cái khỏe mạnh, hạnh phúc ở trong bản xin may về cho đôi vợ chồng đó. Vật tượng trưng cho may mắn thường là nắm gạo, quả trứng hay tiền.

Nhân vật Ka đong xuất hiện trong lễ cấp sắc.

Ông Lý Quang Minh, ở thôn Hữu Nghị, thị trấn Phong thổ, Tỉnh lai Châu cho biết: “Người được lựa chọn để đeo mặt nạ Ka đong trong lễ cầu tự phải là người rành các điệu nhảy múa, có sức khỏe và làm ăn phát đạt, vợ chồng thuận hòa, con cái khỏe mạnh. Khi đến các gia đình trong bản người đeo mặt nạ Ka đong sẽ lắc chuông kêu linh linh ra dấu tới xin may”.

Điệu nhảy múa của các nhân vật Ka đong là một hình thức diễn nghi lễ rất đặc biệt. Các điệu nhảy múa cũng có nhiều phần mục và nội dung độc đáo, bao gồm: đi cày, bừa, cấy, gặt và đeo mặt nạ để diễn Ka đong. Quá trình này thể hiện ký ức cổ xưa của người Dao trong quá trình di cư và sinh tồn. Để có cái ăn, họ phải lao động bằng cách tái hiện lại công việc cày, cấy. Để sinh tồn, họ phải biến thành quỷ dữ với những sức mạnh siêu phàm để chống lại thiên nhiên, gịăc giã, muông thú nhằm bảo vệ thành quả lao động và tiếp tục sinh con, đẻ cái. Tùy từng thời điểm, từng đám lễ còn có thể có màn múa nhập đồng để cắn lửa, nhai que hương, hòn than hồng đang cháy… Đây là những nghi lễ rất đặc biệt được nhóm người Dao phương ngữ Mùn lưu truyền từ nhiều đời nay./.

Chẻo Thu/VOV-Tây Bắc

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận