Dấu ấn của những Đoàn quân mở đất

Để xây dựng miền Nam ngay sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, hàng chục đoàn quân các tỉnh miền Bắc đã lên đường trong những ngày tháng 4 lịch sử.

 

Đích đến của những đoàn quân ấy là Tây Nguyên, nóc nhà của Đông Dương, địa bàn chiến lược về địa chính trị.

Hàng vạn người đã hợp thành các đoàn quân, binh chủng độc đáo, bao gồm từ chiến sĩ đến thợ rèn, thợ máy, kế toán… được trang bị từ súng, pháo, cho tới máy cày, máy ủi, máy may… để tiếp quản, xây dựng các vùng đất mới giải phóng, dập tắt khả năng ngóc đầu dậy của ngụy quân, ngụy quyền.

Mỗi tỉnh một đoàn quân 

75 tuổi và đã xuất ngũ 40 năm, nhưng ông Nguyễn Ích Sinh ở xã Phú Xuân, huyện Krông Năng tỉnh Đắk Lắk vẫn nhớ như in ngày ông vào quân ngũ. Đó là một chiều đầu tháng 4/1975, khi đã 30 tuổi, đang là chủ nhiệm HTX, ông nhận được quyết định điều động của Huyện ủy Yên Phong (tỉnh Hà Bắc cũ, Bắc Ninh bây giờ) bổ sung vào quân đội, làm nhiệm vụ trong B.

Vài ngày sau khi nhận quyết định, ông tập trung cùng đồng đội trong một đơn vị lấy tên là Đoàn 9 Hà Bắc. Đến lúc ấy, ông mới rõ có hơn 300 đồng chí cũng được điều động, bổ sung như mình. Gần 2.000 quân nhân, được biên chế vào 10 đại đội bộ binh, 1 đại đội cơ giới, 1 đại đội cơ khí - sửa chữa, 1 đại đội xây dựng, 1 đại đội chăn nuôi, 1 đại đội chế biến và 1 bệnh xá Trung đoàn.

Xuân 1975, tin vui chiến thắng từ chiến trường miền Nam bay về, yêu cầu về tiếp quản, ổn định, phát triển những vùng đất mới càng gia tăng. Bộ Quốc phòng yêu cầu thành lập mỗi tỉnh một đoàn quân như thế, gấp rút hành quân tới những vùng đất mới giải phóng. Với đầy đủ vũ khí, khí tài, quân trang quân dụng hiện đại, các đoàn khẩn trương ổn định tổ chức, cấp tốc hành quân vào chiến trường B. Khi vào đến Tây Nguyên, các đoàn quân được biên chế thành các trung đoàn, thuộc Đoàn 773, Quân khu 5, đóng trên địa bàn Gia Lai - Kon Tum và Đắk Lắk (nay là các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông), khôi phục các nông trường đã bỏ hoang, trấn áp và tiêu diệt giặc phỉ Fulro, khai hoang mở đất, phát triển sản xuất; tiếp đó được tách thành các sư đoàn kinh tế - quốc phòng, gồm Sư đoàn 331 đóng tại Gia Lai và Kon Tum - tiền thân của Liên hiệp các xí nghiệp cà phê Việt - Bul; Sư đoàn 332 đóng tại phía đông Gia Lai, tiền thân của Liên hiệp Lâm Công nghiệp Kon Hà Nừng; Sư đoàn 333, đóng ở phía Đông - Nam Đắk Lắk, tiền thân của Liên hiệp các xí nghiệp cà phê Việt - Xô.

Tượng đài tọa lạc trong doanh trại cơ quan chỉ huy của Đoàn 333 nhắc nhở thế hệ mai sau luôn ghi nhớ về những hy sinh, cống hiến của Đoàn.

Ông Võ Văn Thao, 1 trong số hơn 200 cán bộ dân chính đảng ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, được Huyện ủy Diễn Châu “biệt phái” gia nhập Đoàn 6 Nghệ An, cùng gần 1.400 thanh niên nam, nữ được gọi theo chế độ nghĩa vụ quân sự. Ông cho biết, khi vào đến Tây Nguyên, Đoàn 6 Nghệ An đổi tên thành Trung đoàn 754 (E.754), đóng quân tại vùng đất cực Đông của huyên Khánh Dương - sau này lấy lại tên cũ M’đrắk, tỉnh Đắk Lắk. Đây là vị trí trọng yếu chốt phía Tây của đèo Phượng Hoàng trên Quốc lộ 21 nối Ninh Hòa (Khánh Hòa) với Buôn Mê Thuật (Đắk Lắk), chốt đường sông Hinh - Tuy Hòa và đường M’đrắk về Lâm Đồng. Đây cũng là vùng đất xác xơ, nghèo kiệt nhất của Đắk Lắk. Mênh mông vùng đồi này tiếp đồi kia chỉ có cỏ tranh và lau lách.

Ông Thao nhớ lại: “Vừa chân ướt chân ráo đặt chân nơi đóng quân, xây dựng nơi ăn, chỗ ở, chúng tôi đã đối mặt với Fulro đang hoạt động ở vùng giáp ranh 3 tỉnh: Đắk Lắk, Phú Yên, Lâm Đồng. Tháng 7/1975, chúng tôi có cuộc chạm trán đầu tiên với giặc phỉ xâm nhập địa bàn xã Krông Jin, và đã bắn chết tên đại úy tiểu đoàn trưởng, bắt sống 5 tên”. Liên tiếp thời gian sau đó, các tiểu đội chiến đấu của E.754 đã có các trận đánh với hiệu suất chiến đấu cao, được trên tặng thưởng Huân chương Chiến công. Một thời gian sau, khi chiến tranh biên giới Tây - Nam nổ ra, gần 200 sĩ quan, chiến sĩ ưu tú nhất của trung đoàn được bổ sung cho các đơn vị chiến đấu trên chiến trường Đông Bắc Campuchia (chiến trường do Quân khu 5 đảm nhiệm). Trung đoàn 754 được ghi nhận là lá cờ đầu của Đoàn 733, sau này là của Sư đoàn 333, trong nhiệm vụ chiến đấu để thực hiện chức năng bảo vệ vùng mới giải phóng.

Trong nhiệm vụ sản xuất, từ vùng đất ban đầu chỉ có 20ha mía, trong một nông trại của Nguyễn Cao Kỳ, tướng không quân khét tiếng của Việt Nam Cộng hòa, E.754 đã phát triển thành 3 nông trường, trồng lúa, bắp và cà phê. Nay 3 đơn vị này đã thành 3 xã của huyện M’Đrắk.

Từ M’Đrắk tới TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, trên dải đất dài rộng gần 40km là liên tiếp các vị trí đóng quân của 12 trung đoàn, thành lập từ các đoàn quân từ miền Bắc, thuộc biên chế của Sư đoàn 333, Quân khu 5. Sau này, 12 trung đoàn được chuyển đổi thành 12 nông trường, công ty, dẫn dắt người dân 3 huyện: M’Đrắk, Ea Kar và một phần Krông Pắk, Krông Năng phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ea Kar cho biết, huyện xếp thứ 13/14 ở Đắk Lắk về điều kiện tự nhiên, nhưng lại dẫn đầu về phát triển đồng đều cả kinh tế - văn hóa - xã hội, cả công nghiệp và nông nghiệp, đó là nhờ di sản lớn mà các đội quân sản xuất để lại từ sau giải phóng.  

 

Tượng đài bằng vỏ đạn

Trung tá Nguyễn Văn Long, nguyên là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 718 (đoàn 9 Hà Bắc), Giám đốc Nông trường 49 (trung đoàn 49), Sư đoàn 333 bồi hồi: Ngày đó rừng núi rậm rạp, những cây lau sậy cao tốt um tùm cao 5 - 7m. Mỗi đồng chí trong đơn vị đều tay súng tay dao, phát mở các tuyến thì mới có đường lưu thông giữa các đại đội và có đường để sản xuất. Biết bao gian khổ, thiếu thốn mọi người phải đối mặt. Mưa rừng, lũ lụt, nước độc, muỗi, ve, sốt rét, bệnh tật liên miên... Đã có những đồng chí hy sinh vì sốt rét ác tính.

Hồ Ea Kar khoảng hơn 8 triệu m3 nước, nhưng không có sức của người lính thì không thể xây dựng được, kéo theo đó là không thể phát triển kinh tế được khi có tới 6 tháng trong năm là mùa khô nóng bỏng. Xe ủi đứt xích thì vá bằng mảnh bom, sắt xi. Bi của xe vỡ thì đào hố, nổ bom, lấy bi thay thế. Những chàng trai, cô gái được gọi nhập ngũ có sức trẻ dồi dào, những thợ hàn, thợ rèn, thợ may, thầy thuốc ở các vùng quê miền Bắc, được bổ sung vào quân đội đều đóng góp rất nhiều vào mở đất ở đây”, Trung tá Long chia sẻ.

  Còn ông Đỗ Văn Đệ, nguyên Bí thư Đảng ủy Xí nghiệp Liên hợp 333 - người từng gắn bó với Đoàn 333 từ ngày thành lập cho biết: Chỉ trong 6 năm (1976 - 1982), cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Đoàn 333 đã mở được gần 11.000ha cây trồng, xây dựng hàng chục hồ nước. Mặc dù hoạt động trên địa bàn rừng núi, việc vận chuyển vô cùng khó khăn, nhưng với sự đồng sức đồng lòng, Đoàn 333 đã sản xuất được hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, xây dựng hàng loạt cơ xưởng, trạm trại, công trình phục vụ công cộng; hình thành các xưởng cơ khí, mộc; chế biến đường, rượu; xí nghiệp dược phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, sinh hoạt đời sống của đơn vị và người dân địa phương.

Nhằm lưu giữ những thành quả mà Đoàn 333 đã đạt được, đồng thời giáo dục thế hệ mai sau luôn ghi nhớ về những hy sinh, cống hiến của Đoàn, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã xây dựng một tượng đài lớn, tọa lạc trong doanh trại cơ quan chỉ huy của Đoàn 333 (nay là Công viên 22-12, thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar). Theo ông Đệ, phần tượng đài cao 12m được làm hoàn toàn bằng vỏ đạn (chiến lợi phẩm thu được trong chiến tranh), cốt thép nặng 10,5 tấn; tượng người chiến sĩ hiên ngang giữa đất trời, một tay giơ súng AK, một tay cầm nhành cà phê, vai mang balô; chân đạp đài sen. Bể nước quanh tượng được xây dựng như một bánh xe lịch sử, có đầy đủ hệ thống nước, vòi phun…

Mỗi bước chân của những đoàn quân hợp thành đặc biệt, được thành lập vào đúng mùa xuân 1975 lịch sử, làm nhiệm vụ tiếp quản, bảo vệ và xây dựng Tây Nguyên dường như mang theo phép nhiệm màu. Ở Đắk Lắk, mỗi bước chân của họ đã nảy lên những đồng lúa, những vườn cà phê. Ở Gia Lai-Kon Tum, mỗi bước chân của họ nảy lên những vườn cao su xanh tốt, đem lại no ấm cho nhân dân các dân tộc. Cùng với những tượng đài đặc biệt bằng vỏ đạn, còn vô số những tượng đài khác về họ, tượng đài được dựng lên trong lòng tri ân của các thế hệ, chung trong rừng tượng đài bất hủ về quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng./.

 

45 năm qua đi, đứng trên đồi Chư Cúc, thuộc huyện Ea Kar, nhìn ra các hướng đóng quân năm nào, thấy bạt ngàn màu xanh và lấp lánh ánh bạc. Màu xanh đó phần nhiều là nương rẫy, ruộng đồng mà các đơn vị khai mở. Ánh bạc đó là các hồ nước lớn nhỏ phản chiếu ánh nắng mặt trời, được đào đắp bởi những bàn tay người lính.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận