Trước nguy cơ mai một của nghề dệt thổ cẩm ở Đắk Lắk, nhiều cán bộ hội phụ nữ đã tích cực vận động chị em hội viên duy trì công việc này. Các chị cũng tận dụng lợi thế từ mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, tìm đầu ra tiêu thụ để giúp các chị em có thêm thu nhập, tiếp tục gắn bó và lưu giữ nghề dệt.
Năm nay 53 tuổi, đôi mắt không còn tinh, đôi tay không còn khéo léo như trước nhưng bà H Yới Niê (thường gọi là aduôn Y Nhanh), ở buôn Knia, xã Êa Tul, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk vẫn tranh thủ thời gian rảnh rỗi, tỉ mẩn ngồi dệt bộ váy áo, chăn đắp hay chăn địu thổ cẩm được đặt hàng.
Bà H Yới kể, bà chỉ mới biết dệt thổ cẩm cách đây hơn 10 năm sau khi tham gia lớp học nghề được tổ chức tại xã. Trước đó, do cuộc sống khó khăn, bà H Yới chỉ tập trung làm kinh tế nên nghề dệt truyền thống trong gia đình bị lãng quên. Khi đời sống đã khấm khá hơn, nghe tin có lớp truyền dạy dệt thổ cẩm được mở, bà rất mừng và đăng ký tham gia học. Giờ đây, sau khi xong việc nương rẫy, thời gian rảnh rỗi bà H Yới lại ngồi bên khung dệt.
Không chỉ tự tay dệt nên những tấm thổ cẩm theo đặt hàng, bà còn tranh thủ dạy lại nghề dệt cho con cháu với mong muốn thế hệ sau tiếp tục giữ gìn và phát huy nghề truyền thống của dân tộc mình. Bà rất mừng khi 2 người con gái đã tích cực học theo và biết dệt thành thạo.
Bà H Yới chia sẻ: “Bản thân tôi trước đây không biết dệt thổ cẩm và cũng không được mẹ truyền dạy. Khi có Đảng, Nhà nước mở lớp truyền dạy nghề dệt thì tôi mới được học cách dệt nhiều loại như áo, váy và nhiều thứ khác. Hiện nay khi có khách đặt hàng là tôi dệt. Tôi cũng tích cực truyền dạy cho các con và dặn chúng sau này lại tiếp tục truyền dạy cho thế hệ sau. Đây là giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc Êđê nên không thể để mất đi mà phải tiếp tục duy trì và phát huy”.
Cũng như bà H Yới, chị H Mion Niê (amí Li Sa) trước đây cũng không biết dệt thổ cẩm. Trong quá trình học tập tại Trường Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên, chị đã được học thêm về nghề dệt thổ cẩm của người Êđê. Chị H Mion chia sẻ, ban đầu khi mới học dệt cũng cảm thấy rất khó nhưng càng học càng thấy yêu thích, lại được những nghệ nhân trong buôn chỉ dạy thêm nên chị đã thành thạo. Đến nay, từ những sản phẩm thổ cẩm đơn giản như túi vải, khăn, tấm địu em bé, đến những tấm chăn, khố, váy áo truyền thống Êđê… chị H Mion đều dệt được.
Tuy có những lúc công việc tại Trường Mẫu giáo buôn Wing (xã Ea Kuếh) rất bận rộn song chị vẫn thu xếp thời gian dệt thổ cẩm để thỏa mãn niềm đam mê, cũng là để duy trì một nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Chị H Mion Niê cho biết: “Trước đây tôi cảm thấy chưa đủ khi chỉ học ở trường nên khi về nhà thì tôi lại học thêm từ những người cao tuổi, những người đi trước vì họ có nhiều kinh nghiệm, qua đó giúp mình nâng cao tay nghề hơn. Tôi nhận thấy rằng bản thân càng đam mê với nghề dệt truyền thống, nên suy nghĩ phải gìn giữ nghề nhiều hơn, từ đó càng cố gắng học và thực hành nhiều hơn”.
Theo chị H’Yuil Niê (thường gọi là amí Yumin), Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ buôn Knia, xã Ea Tul, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk, chi hội phụ nữ buôn Knia hiện có 150 hội viên tham gia sinh hoạt, trong đó có khoảng 20 chị biết dệt thổ cẩm truyền thống. Trước đây, sản phẩm thổ cẩm của chị em làm ra chủ yếu phục vụ trong gia đình, ở địa phương nên đầu ra không ổn định, không mang lại nguồn thu nhập khiến nhiều chị không mặn mà với nghề.
Để hỗ trợ, động viên các chị em, ban chấp hành chi hội đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chị em duy trì, phát huy nghề dệt truyền thống, tìm tòi các sản phẩm, mẫu mã thổ cẩm mới đẹp, tạo sự phong phú và giá cả hợp lý nhằm thu hút người mua. Cùng với đó, trong vài năm trở lại đây, khi mạng internet ngày càng phổ biến, các chị đã tích cực quảng bá sản phẩm của mình trên trang mạng xã hội, zalo, facebook. Từ đó, ngày càng nhiều khách hàng biết đến, đặt may các sản phẩm thổ cẩm do các chị làm ra, giúp nhiều chị có thêm nguồn thu ổn định từ 2 - 3 triệu đồng/tháng. Điều đó càng khuyến khích, tạo động lực cho các chị gắn bó hơn với nghề truyền thống của dân tộc mình.
Chị H’Yuil Niê chia sẻ: “Là chi hội trưởng chi hội phụ nữ buôn Knia thì tôi thường gom các sản phẩm thổ cẩm do các chị em làm để đưa ra thị trường. Thời đại 4.0 mình tận dụng lợi thế mạng xã hội, có thể chụp hình đăng lên hoặc quay hình khi khách yêu cầu. Từ đó, nhiều chị em ở các huyện khác cũng biết về mình và ưng ý về sản phẩm của mình nên họ mua cũng nhiều.
Tận dụng thời gian nhàn rỗi để dệt thổ cẩm đã giúp cho nhiều chị em ở buôn Knia, xã Ea Tul, huyện Cư Mgar có thêm được nguồn thu nhập. Đồng thời, việc quảng bá sản phẩm trên trang mạng xã hội cũng là cách để giữ gìn văn hóa truyền thống của người Êđê ở địa phương, giữ cho sắc màu hoa văn thổ cẩm không bị mai một trong đời sống hiện đại./.
H Xíu/VOV-Tây Nguyên