Chia sẻ từng bữa cơm, nâng đỡ các hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ đưa tro cốt của những người xấu số về nước… đã trở thành công việc thường ngày của sư cô Thích Tâm Trí - Hội trưởng Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản suốt hơn 10 năm qua.
Điểm tựa cho những tâm hồn xa xứ
Đại dịch Covid-19 đã khiến thế giới chao đảo, và sự bất an dường như bao trùm cả thế giới. Nhưng cũng từ trong sự bất an đó, con người dường như nhận ra những chân giá trị trong hoàn cảnh khắc nghiệt mang tính toàn cầu. Từ những năm 2010 trở về trước, tụ điểm sinh hoạt tinh thần cho cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản hầu như rất ít. Nhưng sau thời gian này, hoạt động sinh hoạt văn hóa tâm linh dành cho cộng đồng người Việt tại Chùa Nisshinkustu có ở Tokyo đã bắt đầu nhen nhóm. Ngôi Chùa do Đại lão Hòa thượng Yoshimizu Daichi lập nên và lúc đó ni cô Thích Tâm Trí vừa theo học nghiên cứu sinh Phật học vừa giúp Hòa thượng những công việc của chùa.
Tháng 3/2011, Nhật Bản chìm trong đau thương bởi thảm họa kép động đất và sóng thần. Trong thảm họa này, nhiều bà con người Việt cũng bị ảnh hưởng. Chùa Nisshinkustu đã giúp đỡ hơn 100 học sinh, sinh viên, tu nghiệp sinh vượt qua thảm họa, vượt qua những cú sốc về tinh thần. Từ đó, hàng loạt các hoạt động liên quan đến người Việt Nam như ủng hộ sinh viên tại Hà Nội sang Nhật Bản giao lưu văn hóa; đón tiếp các đoàn từ trong nước sang tham quan, tìm hiểu về văn hóa Nhật Bản… được nở rộ.
Cộng đồng Việt Nam tại Nhật Bản phát triển rất mạnh mẽ trong những năm qua. Và năm 2018, để mở rộng thêm nơi sinh hoạt tinh thần cho cộng đồng, bằng sự giúp đỡ của Đại lão Hòa thượng Yoshimizu Daichi và sự đóng góp tích cực của sư cô Thích Tâm Trí, một ngôi chùa mang tên Đại Ân Honjo đã hình thành tại tỉnh Saitama. Thêm một nơi sinh hoạt tâm linh, một chỗ đi về cho những người con Việt đủ mọi tầng lớp, hoàn cảnh, không phân biệt địa vị quây quần quanh năm.
Theo sư cô Thích Tâm Trí, Tết cổ truyền năm nào những ngôi chùa này cũng hoan hỉ đón bà con người Việt đến chùa lễ Phật cầu an đầu năm. Từ cán bộ nhân viên Đại ứu quán Việt Nam tại Nhật Bản, Hội người Việt Nam tại Nhật Bản, Hội Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản và bà con người Việt khắp nơi trên Nhật Bản từ Yokohama, Saitama, Gunma, Chiba… đều tụ hội về. Có những bà con đến rất sớm giúp nhà chùa quét dọn, bao sái tượng Phật,… để chuẩn bị đón Xuân mới. Không chỉ là nơi linh thiêng, mà đây cũng trở thành một gia đình lớn đầy đủ người thân, không khí và hồn cốt Việt.
Xoa dịu những đau thương, mất mát
Tính đến hết năm 2020, số lượng người Việt Nam tại Nhật Bản đã lên tới hơn 420.000 người. Và những năm gần đây, thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã làm cộng đồng Việt tại Nhật Bản gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh những nạn nhân xấu số về với cõi tạm do bệnh tật, tai nạn… thì có rất nhiều du học sinh, thực tập sinh mất việc làm, không có thu nhập, chật vật với cuộc sống.
Sư cô Thích Tâm Trí đã chủ động hợp tác với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, kêu gọi nhiều tổ chức, cơ quan của Nhật Bản giúp đỡ cộng đồng người Việt. Từ năm 2012 đến nay, sư cô đã trực tiếp cầu siêu, làm lễ hỏa táng, đưa thi hài, tro cốt về Việt Nam cho hàng trăm trường hợp không may thiệt mạng tại Nhật Bản. Tại ngôi chùa Nisshinkutsu dành cho người Việt Nam ở Tokyo, có hơn 200 bài vị của những người Việt xấu số được bày cúng. Hằng năm, Hội cũng tổ chức cầu siêu cho hương linh các anh hùng, liệt sĩ hy sinh để bảo vệ biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Làn sóng Covid-19 như một thảm họa càn quét khắp thế giới. Sư cô Thích Tâm Trí đã không quản ngày đêm chăm lo cơm nước cho những hoàn cảnh khó khăn, quyên góp, nhận hỗ trợ rau, mì… từ các nơi, tổ chức, thoăn thoắt làm đồ chay bán lấy tiền… rồi lại đến tận nơi du học sinh, thực tập sinh người Việt, người Nhật Bản gặp khó khăn để trao quà, thăm hỏi, động viên. Hàng nghìn người đã nhận được sự chia sẻ ấm áp đó.
Không chỉ tại Chùa, sư cô còn vận động, quyên góp hỗ trợ để hàng trăm người Việt có chỗ ăn, chỗ ở trong dịch Covid-19. Nỗi sợ hãi, bất an dường như đã qua đi, và sinh lực mới cho cuộc sống mới lại được nhen nhóm từ vóc dáng bé nhỏ nhưng tràn ngập yêu thương của sư cô Thích Tâm Trí.
Sư cô Thích Tâm Trí phủ sóng liên tục trên NHK, truyền hình TBS, Radio TBS, báo Asahi, Mainichi… như một nét văn hóa, tích cách đầy yêu thương của dân tộc Việt, con người Việt. Nhẹ nhàng, giản dị nhưng đầy bao dung. |
Ngọn lửa nhỏ ấm áp
Bằng những việc làm của mình, hình ảnh và tên gọi sư cô Thích Tâm Trí trở nên gần gũi không những đối với cộng đồng Việt Nam tại Nhật Bản, người Việt Nam trong nước, mà còn với nhiều người Nhật Bản và truyền thông nước sở tại.
Anh Seiichi Kuriki, công tác tại Đài NHK, Nhật Bản có rất nhiều cảm xúc khi nói về nhà sư Thích Tâm Trí: “Nhờ những hoạt động tích cực của nhà sư, các bạn Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản có thể có được hỗ trợ, giúp đỡ khi cần thiết. Sự hiện diện của nhà sư Thích Tâm Trí ở Nhật Bản là một điều may mắn đối với những người xa xứ. Với khuôn mặt lúc nào cũng dịu dàng, nhà sư thực là chỗ dựa tinh thần không chỉ đối với tín đồ Phật giáo, mà còn có thể an ủi mọi người bớt lo âu trong cuộc sống ở Nhật”.
Sư cô Thích Tâm Trí xuất hiện liên tục trên NHK, truyền hình TBS, Radio TBS, báo Asahi, Mainichi… như hình ảnh đại diện cho đức tính yêu thương của dân tộc Việt, con người Việt, nhẹ nhàng, giản dị nhưng đầy bao dung.
“Một người mẹ hiền với trái tim vô cùng ấm áp đã và đang sưởi ấm biết bao nhiêu người con xứ Việt sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản, đó chính là sư cô Thích Tâm Trí”. Rất nhiều người, có cả những lãnh đạo người Việt Nam, người Nhật Bản đều dành những lời tốt đẹp như thế về những hoạt động của sư cô đóng góp cho sự tăng cường quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, cho cộng đồng Việt…
Có những con người như thế, thầm lặng chắt chiu yêu thương để chia sẻ, coi niềm vui, hạnh phúc của người khác là của mình. Hơi ấm đó, tình người đó của sư cô Thích Tâm Trí lan tỏa và đồng hành, ấp ôm làm dịu những cô đơn của những người sống nơi đất khách quê người./.
Bùi Hùng/VOV-Tokyo