Mâm cỗ tất niên - phong tục đẹp của người Việt
Theo phong tục lễ Tết cổ truyền của người Việt, cứ chiều tối ngày 30 tháng Chạp là tất cả các thành viên trong gia đình, từ già đến trẻ đều quây quần lại bên nhau để dâng cơm, tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Đặc biệt, đó còn là nghi thức tiễn biệt năm cũ, sửa soạn đón năm mới, mời ông Công ông Táo về trần thế tiếp tục cai quản việc bếp núc.
Mỗi vùng miền, điều kiện gia đình, mâm cỗ tất niên có thể sẽ khác nhau nhưng không thể thiếu những món ăn truyền thống. Tuy nhiên, một số thành phần bắt buộc phải có khi cúng theo phong tục của người Việt Nam như hương hoa, vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng, gà luộc,… đều có và được bày biện trang nghiêm.
Mâm cỗ cúng thường được đặt ở một cái bàn con bên dưới, còn trên bàn thờ chính chỉ để hoa tươi, mâm ngũ quả, một ít vàng mã mang tính tượng trưng. Mâm ngũ quả dành cúng gia tiên nên chọn các loại quả ăn được, bày biện đẹp mắt, không nên dùng quả giả. Sau lễ cúng, đợi tàn hương là cả gia đình thụ lộc và quây quần bên mâm cơm tất niên.
Theo quan niệm truyền thống, bữa cơm cuối cùng của năm là để tiễn biệt năm cũ, ăn xong người ta sẽ bỏ qua mọi muộn phiền của năm cũ, những giận hờn cũng sẽ xóa bỏ từ đây.
Cùng với thời gian, mâm cơm tất niên thời hiện đại có sự thay đổi ít nhiều. Tuy nhiên, dù trên mâm cỗ có sự pha tạp, thay đổi món cho hợp khẩu vị thì mâm cỗ Tết vẫn giữ nguyên sự thành kính, thiêng liêng và việc người Việt duy trì mâm cơm chiều 30 Tết như một phong tục đẹp với những cảm xúc đong đầy, lan tỏa.
Bên cạnh ý nghĩa tín ngưỡng, mâm cỗ tất niên còn có giá trị văn hóa sâu sắc, thể hiện ý nghĩa sum họp. Đây sẽ là bữa cơm có đầy đủ các thành viên trong gia đình sau 1 năm đi làm ăn xa. Với những ý nghĩa như thế, chúng ta cần phải tôn trọng và gìn giữ nếp sinh hoạt mang đậm giá trị Việt này.
Mâm cỗ tất niên đơn giản hơn theo thời gian
Có thể nói, bữa cơm tất niên là nét văn hóa, in đậm trong tâm trí người Việt. Việc duy trì bữa cơm tất niên trở thành một nét đẹp truyền thống, đạo lý sâu xa của dân tộc về việc giáo dục chữ hiếu, nguồn cội cho cháu con, nhắc nhở họ nhớ về những kỷ niệm, công đức của ông bà, tổ tiên. Với thế hệ ông bà, cha mẹ, mâm cỗ tất niên luôn được chuẩn bị tỉ mỉ đến từng món ăn để tỏ lòng kính hiếu dâng lên báo cáo với tổ tiên về một năm đã qua của gia đình.
Với gia đình ông Phạm Văn Huân (70 tuổi), mâm cỗ tất niên có ý nghĩa vô cùng quan trọng: "Mâm cỗ tất niên là một sản phẩm văn hóa Việt rất đặc sắc. Tôi rất coi trọng bữa cơm tất niên. Đó là thời điểm chúng ta tưởng nhớ đến thế hệ đi trước, ông bà, cha mẹ - những người có công sinh thành, dưỡng dục. Hơn nữa, đây cũng là dịp để vợ chồng, con cái, các cháu tôi được quây quần bên nhau, ôn lại những kỷ niệm vui buồn đã trải qua trong một năm đã qua".
Ông Huân cho biết thêm, gia đình ông từ xưa đến nay đều làm mâm cỗ tất niên theo phong tục truyền thống với những món ăn đậm đà phong vị quê hương như măng, bóng, mực, nấm thả, miến, mọc. Ngoài ra, thịt gà luộc, giò lụa, chả quế, trứng muối, dưa hành, bánh chưng,... cũng là những món ăn không thể thiếu trong bữa cơm tất niên của gia đình ông.
Bởi theo chia sẻ của ông Huân, mâm cỗ tất niên còn thể hiện sự no ấm, hạnh phúc của mỗi gia đình, cũng như ước mong một năm mới đầy đủ, thịnh vượng và phát đạt.
Cùng với sự thay đổi của thời gian, mẫm cỗ tất niên ngày nay đã có nhiều thay đổi. Cụ thể, nhiều món ngon truyền thống mất đi thay vào đó là những món đặc sản thời hiện đại, phụ thuộc vào khẩu vị ăn uống của mỗi gia đình.
Điển hình như gia đình anh Vũ Văn Tuấn (34 tuổi), mâm cỗ tất niên vẫn được làm đầy đủ với các món ăn đa dạng. Bên cạnh một số những món ăn truyền thống vẫn được lưu truyền, các loại đặc sản hiện đại khác cũng được đưa vào, như nem chua, nộm,...
Tuy nhiên, không phải ngoại lệ khi gia đình chị Nguyễn Thanh Lan (30 tuổi) lại lựa chọn đi du lịch mỗi dịp Tết đến thay vì làm những bữa cơm tất niên theo truyền thống người Việt. "Là những người trẻ, tôi cho rằng, Tết là thời điểm để mọi người được nghỉ ngơi thay vì tất bật chuẩn bị những mâm cỗ cầu kỳ. Lòng thành kính thể hiện từ tâm. Cho nên, mâm cỗ tất niên nhà tôi mấy năm nay hầu như khá đơn giản, chỉ có chiếc bánh chưng và khoanh giò thôi".
Đồng quan điểm với chị Lan, anh Trần Văn Long (37 tuổi) cho rằng, Tết là dịp để nghỉ ngơi, để tận hưởng sau một năm làm việc vất vả chứ không phải là để vất vả thêm. Anh Long chia sẻ, "Vợ tôi vất vả cả năm rồi, Tết là thời điểm để cô ấy vui chơi, tận hưởng, nghỉ ngơi. Tôi không muốn vợ tôi tiếp tục phải tất bật làm cơm như những ngày thường. Chúng tôi coi việc ăn Tết nhẹ nhàng hơn trước, cho nên bữa cơm tất niên của nhà tôi cũng đơn giản hơn rất nhiều".
Mâm cỗ tất niên - thời khắc thiêng liêng của mỗi gia đình có lẽ đã có quá nhiều thay đổi theo thời gian, đặc biệt là với những gia đình trẻ hiện nay./.
Vũ Toàn/VOV.VN