Làng Lĩnh Mai quê tôi đất ít người đông, ngày trước nghèo lắm. Mùa giáp hạt có tới hơn nửa làng thiếu ăn, hầu hết phải lặn lội tứ xứ tìm việc làm thuê, làm mướn kiếm tiền, lấy lương thực nuôi con ăn học. Hơn hai chục năm trở lại đây, Lĩnh Mai thay đổi đến ngỡ ngàng. Cả làng có nhà xây kiên cố, có tới trăm hộ xây biệt thự sang trọng. Ngõ xóm được bê tông hóa vào tận cổng mỗi gia đình. Gần đây đường bê tông còn trải dài tới các bờ vùng, bờ thửa. Từ trên cao nhìn xuống đồng quê đẹp “như tranh họa đồ”.
Chuyện từ đôi bờ Bình Than
Lâu lắm mới có dip về quê đi chợ cuối năm sắm tết. 6 giờ sáng mà ngã ba giữa làng, nơi vào họp chợ đã tắc nghẽn. Mấy anh bảo vệ thôn làm nhiệm vụ dẹp đường nói như khoe: “Riêng Lĩnh Mai gần trăm xe ôtô các loại, hôm nay cả xã và nơi khác đổ về đây ông bảo làm sao mà đường không tắc”.
Chợ quê chẳng thiếu thứ gì. Các quầy ki-ốt quanh chợ tiếp dài tới các ngõ, phố trong làng... ai có nhu cầu gì là chủ hàng phục vụ tới tận nhà. Tìm đến hàng tranh, gốm sứ, thấy hàng gốm của làng nghề Phù Lãng. Người bán gốm nói “Chúng em tận bên Phù Lãng - Quế Võ, trước đây đi gần nửa ngày đường, từ ngày có cây cầu Bình Than sang đây chỉ hơn một giờ, đường thông thoáng chúng em mang ôtô đi giao hàng, từ Gia Bình, Lương Tài, sang cả Cẩm Giàng, Hải Dương, Chợ Bạc Hưng Yên nữa, thuận tiện lắm bác ạ”.
Nhớ lần gần đây trên đường từ thành phố Bắc Ninh về quê Lương Tài đi đường 18 qua cầu Bình Than, các cụ cao niên vẫy tôi dừng xe lại nhờ chụp mấy kiểu ảnh. Hỏi chuyện mới biết các cụ quê ở Gia Bình và Quế Võ, gần 70 năm trước là đồng đội cùng chung tiểu đoàn mang tên dòng sông “Thiên Đức” chiến đấu chống giặc Pháp đi càn, tiếp đó lên Đông Khê tham gia chiến dịch Biên giới, rồi chiến dịch Điện Biên Phủ. Kháng chiến thắng lợi chưa được bao lâu, các cụ lại cùng nhau tái ngũ, vào Nam chiến đấu chống Mỹ cứu nước. Đất nước thống nhất, các cụ trở về với cuộc sống đời thường, góp sức cùng con cháu xây dựng quê hương. Phải đến cuối năm 2015, khi cây cầu Bình Than dài gần cây số nối liền đôi bờ “sông Thiên Đức” (sông Đuống ngày nay), các cụ mới tình cờ gặp lại nhau, chuyện các cụ kể cứ ngỡ như mơ. Theo lời các cụ, từ khi có cây cầu, bạn hữu được gần nhau hơn, bà con đôi bờ đi lại thuận tiện, không còn cảnh “nhỡ đò, cách bến” như xưa. Mỗi ngày có tới hàng nghìn lượt phương tiện xe cơ giới qua lại, chở đủ loại lương thực, thực phẩm, nông lâm sản, vật liệu xây dựng… đi lên các cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị Tân Thanh-Lạng Sơn, cửa khẩu Móng Cái - Quảng Ninh, đi về các bến cảng Hải Phòng, Quảng Ninh, rồi ra thẳng sân bay Quốc tế Nội Bài… Cũng từ ngày có cây cầu mới này, đám cưới được tổ chức đính duyên giữa ba vùng quê sông nước Quế Võ, Gia Bình và Lương Tài. Đấy là chưa kể thường ngày bà con hai bên sang thăm hỏi, học tập kinh nghiệm, cách làm ăn với đủ các mô hình sản xuất, kinh doanh mang lại nguồn lợi kinh tế đến với mọi nhà.
Không thể tả xiết niềm vui của các cụ khi ở tuổi ngoài 80 được chứng kiến hai cây cầu “thế kỷ” là Cầu Hồ và Cầu Bình Than sừng sững vươn nhịp nối đôi bờ… rồi mới đây nữa là cây cầu “ thế kỷ” thứ ba nằm ở phía tây Cầu Hồ, mang tên “Cầu Phật Tích – Đại Đồng Thành”, sẽ nối liền bờ bắc Từ Sơn, Tiên Du với Thuận Thành bờ nam sông Đuống, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Đây còn là điểm nhấn, kết nối các khu di tích lịch sử như Lăng, đền thờ Thủy tổ Kinh Dương Vương, chùa Bút Tháp, chùa Dâu, thành Luy Lâu với chùa Phật Tích, Đền Đô, và nhiều di tích lịch sử khác đã được nhà nước xếp hạng, tạo điều kiện cho tỉnh Bắc Ninh phát triển du lịch và dịch vụ.
Đến các miền quê đáng sống
Hò hẹn mãi rồi tôi cũng có dịp thăm lại bạn hữu, đồng đội ở Yên Phong, Từ Sơn, Tiên Du, Thuận Thành, Gia Bình. Đến các thôn, làng, xã nào cũng thấy diện mạo khang trang chẳng khác gì đô thị. Về thôn Chi Hồ, xã Tân Chi, huyện Tiên Du, nghe Đài truyền thanh xã phát bản tin biểu dương phong trào “thắp sáng đường điện làng quê”, “đường hoa phụ nữ”… anh bạn tôi nói rằng, Nhà văn hóa thôn vừa đưa vào sử dụng. Câu lạc bộ quan họ, các đội văn nghệ của thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, câu lạc bộ dưỡng sinh, khiêu vũ, các môn thể thao bóng chuyền, cầu lông được duy trì hoạt động sôi nổi, làm cho bà con yêu quê hương mình hơn.
Ở những nơi là “vùng sâu, vùng xa” của Quế Võ, Gia Bình, Lương Tài, những nơi đồng trũng thường phải giữ đê chống lũ trong mùa “nước nổi”, bây giờ cũng khác trước nhiều rồi. Trong câu chuyện với các đồng chí lãnh đạo huyện Quế Võ, Gia Bình, huyện Lương Tài chúng tôi được biết: Những năm gần đây khi đất canh tác thu hẹp để sản xuất công nghiệp, việc ứng dụng khoa học đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là giải pháp hữu hiệu hướng đến phát triển bền vững. Điển hình là các HTX Việt Hùng (Quế Võ), Ngăm Mạc, Bùng (Gia Bình), Minh Tân, Lai Ha, Trung Kênh, An Thinh (Lương Tài)... Anh bạn đồng nghiệp ở Đài Tiếng nói Việt Nam nhận xét: “Những vùng đất khó của Bắc Ninh đâu đâu cũng xanh tươi mát mắt, trái thơm quả ngọt, mùa vụ bội thu trên miền quê đáng sống hôm nay”.
Đó là miền quê, còn ở đô thị, nữ chủ tịch tỉnh Nguyễn Hương Giang cho biết: Với quan điểm quy hoạch đi trước một bước, Bắc Ninh đã hoạch định “bộ khung lớn” theo đúng định hướng phát triển đô thị thông minh cho giai đoạn mới. Đến nay hệ thống đô thị toàn tỉnh đã được mở rộng với diện tích trên 200 km2, tăng gần 10 lần so với trước, hình thành 64 khu đô thị mới, hơn 200 khu nhà ở, khu dân cư - dịch vụ với tổng diện tích 6.700 ha, trong đó nhiều khu đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 9% lên tới trên 30% Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị được xây dựng theo hướng hiện đại. Các công trình như trung tâm văn hóa Kinh Bắc, thư viện, nhà bảo tàng, nhà thi đấu đa năng, công viên Nguyễn Văn Cừ, công viên Quốc tế, các hồ điều hòa trong thành phố, rồi các tượng đài lịch sử truyền thống, đài kỷ niệm các anh hùng liệt sỹ, trường PTTH chuyên, bệnh viện đa khoa, bệnh viện sản nhi, trung tâm giao dịch ngân hàng, các khách sạn, nhà ở, chung cư cao cấp… đã và đang mọc lên mang vóc dáng, tầm cỡ quốc tế, mở ra tầm nhìn cho Bắc Ninh vươn lên trở thành “thành phố thông minh” trong tương lai.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Đào Hồng Lan, để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Bắc Ninh phấn đấu đến năm 2025 không còn hộ nghèo; GRDP đầu người đạt 8.900 USD; kim ngạch xuất khẩu 37,7 tỷ USD; thu ngân sách 37.400 tỷ đồng; 100% dân số đô thị sử dụng nước máy và 100% dân số nông thôn được cấp nước sạch; 85% số trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 96%...
Nhớ lời bà con nói làm nông nghiệp bây giờ sướng lắm, gương mặt từng người thấy tươi tắn, rạng rỡ hơn, tôi tin là ước nguyện của mỗi người đang gửi gắm vào thế hệ 4.0 lãnh đạo quản trị quê mình.
Hào quang, sắc xuân ngày mới đã bừng hồng lan tỏa./.
Phạm Huy Chương