Một chén trà xuân

Sau bữa cỗ Tết nhiều đạm, mẹ thong thả pha một ấm trà.

 

 

Phích nước sôi đã sẵn sàng. Mẹ đổ nước từ phích ra, cẩn thận tráng từng chiếc chén, tráng mặt trong mặt ngoài ấm cho thật tinh tươm. Một lượng chè Thái Nguyên vừa đủ được cho vào, thêm chút nước sôi rồi chắt ra ngay. Lại chờ thêm chút cho cánh chè nở ra, mẹ mới mở nắp ấm chuyên, chêm nước nóng. Nếu trời lạnh, mẹ sẽ đặt chuyên trà vào bát sứ, đổ thêm lượt nước nóng bao phía ngoài. Trong nóng ra, ngoài nóng vào. Nhiệt độ đều như thế, trà sẽ đượm vị và thơm hơn.

Lúc nhỏ, tôi rất thích được giúp mẹ những công đoạn này. Mẹ dặn ấm chén pha trà phải luôn sạch, nước phải thật sôi, lượng chè để pha phải vừa vặn. Lượng nước chế vào cũng vậy, phù hợp với lượng chè và dung tích ấm. Nhiều quá hay ít quá đều không đạt vị. Tất cả nằm trong hai chữ  “hài hòa”. Khi đun nước, khi pha trà, phải nhẹ nhàng, điềm tĩnh, tránh để ấm chén va chạm, tránh để rớt nước sôi, vừa bỏng tay mình vừa mất mỹ quan.

Trong lúc chờ trà ngấm, mẹ xếp đĩa kẹo lạc ra bàn. Rồi mẹ gọi các con và các cháu. Tất cả quây quần bên mẹ. Mẹ rót trà ra từng chén nhỏ. Một tay nắm quai ấm nâng lên, một tay đỡ. Vòi ấm vừa tầm miệng chén. Rót nhẹ nhàng, từ tốn, nước trà không bị rớt, không gây tiếng động. Nếu lỡ rơi vài giọt, mẹ sẽ dùng chiếc khăn mặt bông tối màu lau chúng đi, giữ cho mặt bàn luôn khô ráo, sạch sẽ.

Trà vừa rót ra. Hương trà lan tỏa, dìu dịu, thuần khiết. Thi thoảng, mẹ cũng tự ướp trà với hoa sen, hoa nhài, hay hoa bưởi, hoa ngâu. Nhưng thường thì mẹ uống trà mộc. Bởi mẹ thích hương vị nguyên sơ này. Mẹ cũng chọn mua loại chè cánh nhỏ và săn, không thuộc loại hàng đầu đắt đỏ nhưng phải được cả vị cả hương thơm. Mẹ mua ít một, chứ không mua dồn, uống hết lại mua. Để lâu, chè mất mùi, lại chát. Ấm chén pha trà uống trà cũng là loại được lên men thủ công. Tối kỵ uống trà bằng cốc to, mùi hương sẽ tản bay hết.

***

Mẹ uống trà từ bao giờ, chính mẹ cũng không nhớ chính xác. Chỉ thấy mẹ kể, thời nhỏ, khi ông uống trà, mẹ cũng tập nhấm nháp. Rồi thành biết uống, nhưng không nghiện. Kể cả bây giờ, khi chén trà đã gắn bó với mẹ quá nửa đời người. Uống vì quen, vì thân, vì nhớ. Uống vì mối tình tri kỷ khó chia lìa.

Tri kỷ. Có thể lắm chứ. Tôi đã quan sát mẹ pha trà vào sáng sớm. Vào buổi trưa. Buổi chiều. Buổi tối. Luôn một thái độ cẩn trọng như thế. Mẹ uống trà vào nhiều thời điểm trong ngày. Cả lúc đêm khuya. Ấy là những đêm mất ngủ. Mẹ trở dậy đun nước pha một ấm trà nhỏ, nhưng chỉ uống một hai chén. Có khi rót trà ra rồi để đó, và ngồi im lặng mãi. Đấy là những lúc mẹ cô đơn đến tận cùng. Nỗi cô đơn hàng ngày được mẹ thu mãi vào đôi vai gầy, giấu sau lần áo. Trong đêm khuya, nỗi cô đơn ấy run lên dưới ánh điện bệch bạc. Mẹ cầm chén trà, giữ mãi trong lòng bàn tay, ấp lên má, lên mắt, như muốn níu giữ chút ấm áp. Ấm trà nhìn mẹ. Chén trà nhìn mẹ. Ánh mắt mẹ vời vợi, vời vợi. Bàn làm việc của mẹ cũng luôn hiện hữu bộ ấm trà nhỏ chỉ độc một cái ấm và một cái chén. Chúng như hai con mắt thức cùng mẹ, đợi chờ và tri kỷ cùng mẹ.

***

 Mẹ thong thả nhấp một ngụm trà. Từ khuôn miệng rất đẹp của mẹ, hơi trà thoảng bay. Tôi cũng nâng chén lên, ghìm hai giọt lệ. “Thanh xuân như một ly trà”*. Mẹ đã uống bao nhiêu chén trà, pha bao nhiêu ấm trà, và ngồi bao đêm trắng cùng trà? Thanh xuân của mẹ đã trút vào chúng tôi, những đứa con luôn chỉ biết đến mình, bé thì đòi ăn đòi ngủ đòi chơi, lớn khôn rồi thì lại bỏ rơi mẹ để bươn bả với đời. Bao năm qua, chén trà là nơi mẹ thì thầm những tủi hờn cay đắng. Và có thể lắm, trong chén trà cũng lẫn nhiều nước mắt.

Uống trà là truyền thống, là văn hóa, là thưởng thức, là tâm tình… Tất cả những điều ấy, đã có các nhà nghiên cứu văn hóa, các văn nghệ sĩ hết lời mô tả ngợi ca. Còn với mẹ tôi, trà là một người bạn mà chúng tôi - những đứa con của mẹ phải nhiều lần cảm ơn. Lúc cô đơn yếu đuối nhất, mẹ đã tựa vào trà, lặng lẽ nuốt xuống những đắng chát, và thì thầm với chúng tôi một điều, rằng, trong chén trà này, giữa xuân này, vị ngọt và thơm ấm biết bao!

*Lời thoại của nhân vật trong phim truyền hình “Về nhà đi con”, sau trở thành câu nói cửa miệng của nhiều người.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận