“Thứ Hai, 06h10 AM. Đợi mãi chưa đến lượt, có thể sau Tết con mới về. Cái Thắm làng bên nó rủ đi vòng qua bang khác còn chỗ về, nhưng cận ngày rồi cách ly nửa tháng cũng hết Tết. Quê nhà mình lũ lụt có ai làm sao không? Ra Giêng về con sửa sang lại cửa nhà vườn tược cho chắc chắn…”. Vừa nghỉ hưu sau hàng chục năm công chức, ông hay lướt mạng xem tin tức vào buổi sáng, nhưng trước đó phải xem con trai đang du học bên kia bán cầu nhắn nhủ gì, và những dòng tin ấy làm ông nghĩ ngợi mãi.
Nó hỏi vậy để tỏ ra là quan tâm, chứ thời 4.0 cái gì xảy ra chả biết tức thì. Việt Nam đã làm gì và đạt được những gì sau một năm 2020 đáng nhớ, khi cùng toàn cầu phòng chống dịch bệnh Covid-19 và đối mặt với thiên tai ác nghiệt bất thường, những điều đó cả thế giới đều biết, chỉ cần bấm bấm vuốt vuốt là có đánh giá định tính và con số định lượng. Còn việc gia đình họ mạc, nó nối cầu với anh chị nó ở nhà là biết ngay. Nhưng mà, nó hỏi vậy chắc có ý dọn đường cho việc tạm dừng học về nước tránh dịch bệnh. Hôm trước một ông bộ trưởng nói trên tivi rằng, hàng chục vạn người đang học tập và làm việc ở nước ngoài có mong muốn ấy. 7 vạn rưỡi người đã về nước, nhưng do có làn sóng dịch bệnh mới nên không phải cứ muốn là được.
Thôi, hôm nay là ngày bình thường, xem tin tức cái đã. Ờ, cái mặt cầu Thăng Long cứ sửa lên sửa xuống mà chưa bao giờ ổn, lần này tranh cãi chán rồi vẫn phải làm và bây giờ đã xong. Còn nữa, hàng loạt công trình quốc kế dân sinh của các bộ ngành và địa phương xem ra “tiền đã lo xong đất cắm rồi”. 91,1% là tỉ lệ giải ngân đầu tư công, hơn chục năm nay mới đạt được mức ấy. Trong bối cảnh kinh tế suy giảm, đầu tư công như thế vừa là bệ đỡ vừa là cú hích cho sự phục hồi ngắn hạn và tăng trưởng lâu dài, bền vững.
Còn đây nữa, GDP tăng 2,91%, be bé vậy nhưng thuộc nhóm tăng trưởng cao nhất thế giới thời đại dịch. Đáng chú ý là mấy con số này: tiêu dùng cuối cùng tăng 1,06% so với năm 2019; tích lũy tài sản tăng 4,12%; năng suất lao động tăng 5,4%; 53,4 triệu người lao động có việc làm, tỷ lệ thất nghiệp 2,26%... Nhiều con số quá, nhưng còn thông tin đáng quan tâm: Hàng chục vạn trẻ em là con công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất được gửi ở các nhóm lớp tư thục đảm bảo chất lượng. Hàng triệu lao động được hướng dẫn kiến thức, kỹ năng chăm sóc giáo dục trẻ em…
Hôm nay là ngày bình thường. Những con số ấy là bình thường, tương xứng với những gì mà toàn dân ta cùng chính phủ và các bộ ngành, địa phương đã nỗ lực, cố gắng suốt một năm đầy thách thức, có cả mất mát, hy sinh. Một hãng định giá thương hiệu quốc gia của Anh đánh giá, thương hiệu Việt Nam tăng 30%, lên 319 tỷ USD, xếp thứ 33 thế giới. Với vị thế và triển vọng ấy, Ngân hàng Thế giới WB dự báo năm 2021 kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8%, ổn định ở mức 6,5% trong các năm tiếp theo.
Những con số kỳ vọng này không có gì là bất thường, bởi trong một năm đầy thử thách bất thường vừa qua chúng ta vẫn giữ được cái nền vững chắc để có cơ sở phục hồi và tăng trưởng bền vững, đảm bảo thực hiện trên thực tế nhiều chính sách bình thường, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đó là những giải pháp, chính sách hỗ trợ vượt trội, chưa từng có tiền lệ về tài khóa, tín dụng, bảo hiểm xã hội, giá điện, cước viễn thông,... Đó là các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, giảm nghèo, các đề án đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đó là việc tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; là những nỗ lực khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng ngành, từng địa phương, từng vùng, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, thu hút nguồn lực cho phát triển…
Trong những công việc bình thường của những ngày bình thường ấy có các cuộc họp bất thường lúc nửa đêm, để bàn giải pháp truy vết, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, để tìm phương án giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và cứu hộ, cứu nạn. Các đội cứu hộ, cứu nạn trong mưa lũ thường không đi làm vào buổi tối để bảo đảm an toàn, song không thể ngồi yên trước tiếng kêu cứu thảng thốt, họ vẫn đội mưa, đạp gió, vượt lũ lên đường… Lao động, trí tuệ của con người chế ngự thiên nhiên, dịch bệnh. Tấm lòng, hồn phách của con người chế ngự trái tim nhau.
“07h25 AM. Con đừng vội mua ô-tô vì lo hết thời hạn ưu đãi thuế phí, nếu mua cũng để đó mấy khi con về nước sử dụng?” – ông nhắn cho con trai – “Số tiền con gửi về mẹ con muốn góp vào mở quán cơm từ thiện miễn phí cho người nghèo, người khó khăn cơ nhỡ”. Tin là con trai ủng hộ mong muốn thiện nguyện ấy, nên ông lại xem tin tức. Năm 2021, ô-tô nhập khẩu tiếp tục giảm thuế. Chính phủ đã giao Bộ Tài chính sửa đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt để khuyến khích sản xuất, lắp ráp ô-tô trong nước, chắc chắn giá sẽ rẻ hơn.
Đó, chưa vội mua ô-tô không chắc thua thiệt. Sang Xuân con ông về nước nếu mua ô-tô sẽ phải chở ông đến Gò Cỏ ven biển Quảng Ngãi. Ông nhắm mắt lại tưởng tượng ra như vậy, vì nghe nói nơi đây còn giữ được hồn cốt của làng Chămpa cổ xưa, còn dấu tích văn hóa Sa Huỳnh. Ông cũng muốn xem người dân ở đây làm thế nào giữ gìn được môi trường sạch đẹp, trở thành làng du lịch không rác thải. Con ông còn phải chở mẹ nó lên cao nguyên Mộc Châu xem hoa mận xen với nhãn, rau cải, bí đỏ ra sao… Nơi ấy, lần đầu tiên mẹ nó gặp ông bên chén rượu men lá. Hoa mận nở sớm dịu dàng, trong trẻo mà ấm áp, bình yên./.
Hân My